Samsung tăng cường đầu tư, thâu tóm sau khi ‘Thái tử’ ra tù
Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae Yong trên đường ra tòa ngày 18/1. (Ảnh: Yonhap)
Theo nguồn tin, Samsung có xu hướng tăng cường đầu tư và đẩy mạnh hoạt động thâu tóm (M&A) khi ông Lee Jae Yong ra tù.
- 10-08-2021Mất 20 tỷ USD trong 2 ngày, gây ra vụ margin call kinh hoàng nhất Phố Wall, tỷ phú Bill Hwang đang 'trốn' ở đâu và 'ủ mưu' gì?
- 10-08-2021Đất nước từng giàu như Dubai lâm vào cảnh khốn cùng: Dân lái Mercedes, BMW đi xin ăn; quân đội sống nhờ viện trợ
- 10-08-2021Nhà đầu tư lo ngại về triển vọng tăng trưởng toàn cầu, Dow Jones rời đỉnh lịch sử
Hội đồng Ân xá thuộc Bộ Tư pháp Hàn Quốc chấp thuận đề nghị ân xá ông Lee Jae Yong, Phó Chủ tịch Samsung vào hôm 9/8. Ông sẽ được thả vào ngày 13/8, sau khi bị kết án 2,5 năm tù trong vụ án hối lộ liên quan tới cựu Tổng thống Park Geun Hye.
Ông Lee được ân xá trong bối cảnh Samsung xem xét kế hoạch đầu tư và M&A. Giới quan sát dự đoán công ty sẽ tăng tốc kế hoạch kinh doanh lớn trong tương lai gần. Tập đoàn điện tử hàng đầu Hàn Quốc đang cân nhắc xây nhà máy chip 17 tỷ USD tại Mỹ nhưng chưa chốt địa điểm. Texas, Arizona và New York được xem là ứng cử viên tiềm năng song Samsung vẫn đang thương lượng với chính quyền về các ưu đãi cho nhà máy.
Quyết định xây nhà máy chip tại Mỹ vô cùng cấp thiết vì các đối thủ của Samsung đều đang nỗ lực mở rộng năng lực sản xuất giữa khủng hoảng chip toàn cầu. Chẳng hạn, TSMC - nhà thầu sản xuất chip lớn nhất thế giới - tuyên bố đầu tư 100 tỷ USD trong ba năm tiếp theo. Nhà máy 12 tỷ USD tại Arizona của TSMC dự kiến sản xuất đại trà từ năm 2024. Ngoài ra, còn có tin đồn công ty Đài Loan sẽ xây thêm nhà máy tại Đức và Nhật Bản.
Trong khi đó, Intel thông báo đầu tư 20 tỷ USD để tăng công suất tại Mỹ và quay lại thị trường gia công chip. Intel được cho là đang xem xét mua lại hãng sản xuất chip GlobalFoundries.
Với việc ông Lee ra tù, Samsung được kỳ vọng sẽ hoàn thiện chiến lược M&A. Trong cuộc họp từ xa tháng trước, công ty nhấn mạnh sẽ theo đổi thương vụ M&A “ý nghĩa” trong vòng 3 năm và đang xem xét các lĩnh vực như AI, 5G và xe hơi tự động. Vụ thâu tóm lớn cuối cùng của Samsung diễn ra năm 2016 khi họ mua lại Harman International Industries với giá 8 tỷ USD.
Theo một quan chức giấu tên, những quyết định đòi hỏi đầu tư lớn như gia công chip giống như đặt cược. Đó là điều mà một CEO không thể quyết định mà cần đến chủ doanh nghiệp.
Ngay cả khi ông Lee trở lại làm việc, giới quan sát nhận xét Samsung có thể không thực hiện các thương vụ lớn ngay lập tức vì hoạt động của ông vẫn bị pháp luật hạn chế. Theo Đạo luật về Hình phạt tăng nặng với Tội phạm kinh tế cụ thể, những người bị kết tội tham ô số tiền trên 500 triệu won bị cấm làm việc cho các công ty liên quan đến hành vi phạm tội của họ, hoặc bất kỳ tổ chức nào nhận trợ cấp của chính phủ. Lệnh cấm kéo dài 5 năm kể từ khi người phạm tội mãn hạn tù.
Do ông Lee được ra tù sớm chứ không nhận ân xá từ Tổng thống, ông phải tuân thủ pháp luật. Song ông có thể được miễn trừ nếu được cho phép đặc biệt từ Bộ trưởng Tư pháp. Tương lai của Samsung vẫn còn bất ổn khi ông Lee còn đối mặt với các phiên xử khác liên quan đến vụ sáp nhập hai công ty con và gian lận kế toán. Ông cũng còn một phiên tòa nữa với cáo buộc tiêm thuốc mê propofol trái phép.
ICTnews