Sân bay hơn 5.800 tỷ đồng, tạo bệ phóng cho tỉnh miền Trung 'cất cánh' bay cao đang gặp thế khó
Công trình sân bay trị giá hơn 5.800 tỷ đồng này đang gặp vướng mắc.
Sân bay Quảng Trị gặp khó trong giải phóng mặt bằng
Gần đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến đã có chuyến kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị.
Báo cáo tại điểm kiểm tra, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết, dự án xây dựng thành phần 2 Cảng hàng không Quảng Trị đang tập trung triển khai thiết bị, máy móc và nhân lực thi công sân đỗ máy bay và lề vật liệu với tổng diện tích là 32.917m2.
Trong đó, hạng mục lòng sân đỗ có diện tích 30.600m2 và đã hoàn thành công tác thi công cấp phối đá dăm, thi công bê tông xi măng phạm vi lòng sân đỗ 7.324,000m3/8.000,340m3 (đạt 92%); diện tích thi công lề vật liệu sân đỗ là 2.371m2, đã hoàn thành công tác dọn dẹp mặt bằng, đào hữu cơ, bóc phong hóa và dự kiến hoàn thành trong tháng 1/2025.
Các tuyến đường công vụ nội bộ đã hoàn thành rải cấp phối đá dăm tuyến nối từ đường 73 vào khu vực sân đỗ và khu phụ trợ của dự án, có chiều dài 2.560m; tuyến đường công vụ số 2, 3, 4, 5, 8 đã hoàn thành mặt đường cấp phối đá dăm và kết nối đến trạm trộn bê tông xi măng, khu phụ trợ và sân đỗ.
Các tuyến đường công vụ số 1 và 7 đang vướng mắc do còn nhiều lăng mộ chưa di dời và đang được điều chỉnh cục bộ hướng tuyến; đường công vụ số 6 có chiều dài 678m, nhà thầu đang tiến hành định vị phạm vi ảnh hưởng đến đất và cây trồng của người dân để làm cơ sở hỗ trợ bồi thường.
Về dự án giải phóng mặt bằng xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị, có thời gian thực hiện từ năm 2023 – 2024 với tổng mức đầu tư 233,103 tỷ đồng; có tổng diện tích 265,3ha (vùng lõi 135,5ha), đến nay đã hoàn thành giải phóng 209,44ha và đã giao cho nhà đầu tư 140,5ha (vùng lõi 72,4ha).
Trong đó, xã Gio Quang có diện tích giải phóng mặt bằng là 103,2ha và đã hoàn thành giải phóng 99,22ha; còn lại 3,98ha đang vướng mắc trong việc áp giá bồi thường cho 7 trường hợp thuộc đất rừng Việt Đức và 2 trường hợp có lăng mộ.
Xã Gio Mai có diện tích giải phóng mặt bằng là 150,1ha và đã hoàn thành giải phóng 102,31ha; có 30 hộ dân bị ảnh hưởng trong số diện tích còn lại đang được xây dựng phương án hỗ trợ bồi thường và tái định cư, tạm cư.
Xã Gio Hải có diện tích giải phóng mặt bằng 12,1ha và đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 7,9ha; trong 4,2ha còn lại ảnh hưởng đến 8 hộ dân, 68 trường hợp đất nông nghiệp, 33 trường hợp lăng mộ đang được vận động và triển khai hỗ trợ bồi thường.
Do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đơn vị thi công đã phải điều chỉnh tiến độ và đề nghị tỉnh Quảng Trị bàn giao mặt bằng trước 10/12/2024 mới có thể hoàn thành và đưa dự án vào khai thác tháng 7/2026.
Sau khi nghe các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo tình hình thực hiện dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ cho nhà đầu tư để hoàn thiện các thủ tục còn lại.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị là dự án trọng điểm của tỉnh, vì vậy, yêu cầu Sở Giao thông vận tải, UBND huyện Gio Linh và các cơ quan liên quan cần tập trung nguồn nhân lực đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, nhất là việc giải phóng mặt bằng tại điểm xây dựng đường cất, hạ cánh; nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo với UBND tỉnh giải quyết để đảm bảo kịp tiến độ thi công các hạng mục dự án.
Sân bay hơn 5.800 tỷ đồng, tạo bệ phóng cho Quảng Trị 'cất cánh' bay cao
Trước đó, ngày 6/7, UBND tỉnh Quảng Trị và Liên danh nhà đầu tư T&T-CIENCO 4 đã chính thức khởi công Dự án đầu tư xây dựng sân bay Quảng Trị với tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng. Đây sẽ là CHK thứ 2 trên cả nước được đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP), sau sân bay Vân Đồn.
Sân bay Quảng Trị được xác định là một trong 16 cảng hàng không quốc nội thời kỳ 2021-2030 và là 1 trong 19 cảng hàng không quốc nội tầm nhìn đến năm 2050 theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng với các dự án như cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Quốc lộ 15D, đường xuyên Á nối Lào - Thái Lan, dự án đường ven biển nối hành lang kinh tế Đông-Tây, cao tốc Lao Bảo - Cam Lộ, cảng nước sâu Mỹ Thủy, tuyến đường sắt Mỹ Thủy - Đông Hà - Lao Bảo…, sân bay Quảng Trị là mảnh ghép quan trọng để hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ của tỉnh trên tất cả các lĩnh vực, tạo ra động lực và cơ hội tăng tốc, bứt phá cho Quảng Trị.
Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, Quảng Trị là nơi giao nhau của hai tuyến hành lang huyết mạch của quốc gia và khu vực theo trục Đông - Tây và Nam - Bắc. Vì lẽ đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã được Trung ương quy hoạch đầy đủ các loại hình giao thông.
"Sân bay Quảng Trị là công trình mang biểu tượng hòa bình, hiện thực hóa khát vọng mở cửa bầu trời - cất cánh bay lên của tỉnh Quảng Trị", ông Hưng nhấn mạnh.
Sân bay Quảng Trị được thực hiện tại các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai thuộc huyện Gio Linh với quy mô hơn 265 ha, tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng; được xây dựng đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C (theo mã tiêu chuẩn của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II, có khả năng phát triển khai thác tàu bay Code E, đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách/năm và 25.500 tấn hàng hóa/năm.
Thời gian thực hiện Dự án này là 50 năm, trong đó thời gian chuẩn bị và đầu tư xây dựng 24 tháng; thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn là 47 năm 2 tháng. Dự kiến đến tháng 7/2026, cảng hàng không này sẽ được đưa vào khai thác, sử dụng.
Sân bay khi hoàn thành sẽ giúp kết nối Quảng Trị với các tỉnh thành khác trong cả nước, từ đó thúc đẩy sự phát triển đồng đều và bền vững. Ngoài ra, dự án này cũng có thể mở ra các tuyến bay quốc tế, giúp Quảng Trị kết nối trực tiếp với các quốc gia khác, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và giáo dục.
Đời sống & pháp luật