Sân bay Long Thành: Lo thêm nợ công
Ngày 24-10, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 (sân bay Long Thành).
- 24-10-2019Sân bay Long Thành: Tổng mức đầu tư dự kiến 4,779 tỷ USD, thấp hơn so với Nghị quyết 94 được Quốc hội thông qua
- 15-10-2019Được giao làm sân bay Long Thành, ACV có bao nhiêu tiền?
- 14-10-2019Giai đoạn 1 Sân bay Long Thành cần 6.000 người vận hành
Trước khi QH thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã trình bày báo cáo dự án trước QH. Ông Nguyễn Văn Thể cho biết Chính phủ đề xuất QH thông qua nghị quyết giao Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (AVC) đầu tư các hạng mục chính giai đoạn 1, gồm công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước, công trình thiết yếu của cảng hàng không... với tổng mức đầu tư 4,8 tỉ USD (khoảng 111.000 tỉ đồng). Còn các công trình phục vụ quản lý bay được đề nghị giao cho Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.
Chính phủ kiến nghị QH cho điều chỉnh diện tích đất xây sân bay giai đoạn 1 thêm 645 ha, từ 1.165 lên 1.810 ha; điều chỉnh 1.050 ha đất quốc phòng thành 570 ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha đất dùng chung quốc phòng và dân dụng. Bổ sung 2 tuyến đường bộ vào dự án sân bay Long Thành...
Đại diện cơ quan thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) của QH, ông Vũ Hồng Thanh, cho biết nhiều hạng mục đầu tư của dự án mới dừng lại ở thiết kế sơ bộ nên có thể tăng tổng mức đầu tư khi làm chi tiết. Do đó, UBKT đề nghị Chính phủ tính toán đầy đủ, chính xác các hạng mục đầu tư, tránh gây biến động lớn về tổng mức đầu tư và thuận lợi cho thanh toán, quyết toán dự án sau này. Mặt khác, báo cáo chưa có đánh giá tác động cụ thể đến nợ công nếu vay ODA, mà mới tập trung vào phương án sử dụng vốn doanh nghiệp nhà nước để làm dự án này.
Ông Vũ Hồng Thanh cho rằng trong gần 4,2 tỉ USD vốn của ACV đầu tư vào dự án, dự kiến doanh nghiệp này phải vay gần 2,63 tỉ USD. Mà theo Luật Quản lý nợ công, dự án này thuộc đối tượng được Chính phủ bảo lãnh nên khoản vay này sẽ được tính vào nợ công. Ngoài ra, ACV là doanh nghiệp do nhà nước chi phối nên nhà nước vẫn có trách nhiệm trong việc xử lý khi có rủi ro đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Do đó, ngay cả khi Chính phủ không cấp bảo lãnh đối với khoản vay này thì cũng cần có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền đối với hoạt động vay, sử dụng vốn vay của ACV.
Đại biểu Phạm Phú Quốc (TP HCM) bày tỏ băn khoăn việc vốn tự có của ACV là 1,57 tỉ USD (chiếm khoảng 37%), còn lại là đi vay. Vì vậy, Chính phủ phải bảo lãnh cho doanh nghiệp này vay gần 2,6 tỉ USD. "Việc bảo lãnh cũng phải tính vào nợ công. Cần có đánh giá tác động ảnh hưởng đến nợ công như thế nào, có đụng trần hạn mức của Chính phủ hay không" - ông Quốc đề nghị.
Cùng lo lắng này, đại biểu Trần Anh Tuấn (TP HCM) cũng đề nghị làm rõ tính khả thi khi Chính phủ bảo lãnh để ACV vay tiền vì có thể tiềm ẩn rủi ro. Cần có ý kiến của hội đồng thẩm định quốc gia về báo cáo khả thi để thấy rõ hơn về mặt hiệu quả khi đưa dự án vào khai thác.
Hôm nay, 25-10, QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước.
Người lao động