MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sân golf Yên Dũng giải quyết bài toán phát triển kinh tế Bắc Giang

Ông Phạm Văn Dũng – Chánh Văn phòng UBND huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang cho biết: “Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động sân golf Yên Dũng đã phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, thu hút lượng khách Hàn Quốc, Trung Quốc; thực hiện đầy đủ các khoản nộp ngân sách, góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh cũng như của huyện”.

Ông Nguyễn Văn Hạnh ở thôn An Thịnh, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang cho biết, trước kia khu vực này chủ yếu là đồi núi trồng keo, bạch đàn nhưng cây chậm lớn, năng suất kém, nhiều chỗ bà con không canh tác, đời sống người dân khó khăn, con cháu trong gia đình phải đi làm xa nhà. Nhưng từ khi có dự án về, nhiều người dân trong khu vực đã được tuyển vào làm, thu nhập rất tốt, trong thôn nhiều nhà được xây sửa khang trang, mua xe, đời sống được cải thiện rất nhiều.

Sân golf Yên Dũng giải quyết bài toán phát triển kinh tế Bắc Giang - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Hạnh ở thôn An Thịnh, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang

“Tôi thấy sân golf có chính sách ưu tiên tuyển lao động tại địa phương, rất nhiều người dân trong khu vực đang làm việc tại sân golf, như nhà tôi cũng có 2 người đang làm việc ở đấy, nghe họ kể công việc trong này rất tốt, thu nhập hấp dẫn hơn so với đi làm công ty, bình quân trên dưới chục triệu đồng một tháng. Mức lương như thế là rất tốt đối với những người dân như chúng tôi, công ăn việc làm ổn định mà đi làm lại gần”- ông Hạnh chia sẻ.

Sân golf Yên Dũng giải quyết bài toán phát triển kinh tế Bắc Giang - Ảnh 2.

Toàn cảnh dự án Đầu tư xây dựng sân golf, dịch vụ Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang

Cũng theo ý kiến của một người dân khác thôn An Thịnh cho biết, nhìn thấy những hiệu quả kinh tế xã hội mà giai đoạn 1 mang lại thì gia đình tôi và bà con xung quanh đều ủng hộ sân golf tiếp tục mở rộng làm giai đoạn 2. Kể từ khi sân golf đi vào hoạt động, khu vực xung quanh trở nên sầm uất, đời sống của bà con được nâng cao đáng kể. Một người họ hàng của tôi có đất thuộc giai đoạn 1, trước đây gia đình chỉ trồng keo nhưng hiệu quả kinh tế rất kém, nhưng khi dự án triển khai gia đình đã nhận được tiền đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, kể từ đó họ có vốn làm ăn và kinh tế gia đình hiện đã cải thiện nhiều.

Ông Ong Thế Viên - Trưởng phòng Phòng Quản lý đô thị huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang cho biết, dự án Sân golf, dịch vụ Yên Dũng đã đi vào hoạt động giai đoạn 1 (18 hố phía Đông) đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng từ năm 2017, giai đoạn 2 đang được Chủ đầu tư tích cực thực hiện.

Tại thời điểm 2014 Sân Golf Yên Dũng là dự án trọng điểm của UBND tỉnh Bắc Giang, nằm trong diện nhà nước thu hồi đất giao cho Chủ đầu tư thực hiện dự án. UBND huyện Yên Dũng là đơn vị triển khai thu hồi đất, đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất, bàn giao phần diện tích 77,19 ha cho Chủ đầu tư thực hiện giai đoạn 1 dự án.

Sân golf Yên Dũng giải quyết bài toán phát triển kinh tế Bắc Giang - Ảnh 3.

Ông Ong Thế Viên - Trưởng phòng Phòng Quản lý đô thị huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang

“Tuy nhiên trong quá trình  giải phóng mặt bằng (GPMB) thu hồi đất có phát sinh một số phức tạp liên quan đến an ninh trật tự do một số hộ dân chưa thông hiểu chính sách  hỗ trợ, cũng như lo ngại về hiệu quả kinh tế dự án mang lại gây khó khăn cho công tác GPMB, UBND huyện đã triển khai nhiều biện pháp để hoàn thành GPMB giai đoạn 1 theo đúng tiến độ”- ông Viên thông tin.

Qua đó UBND huyện Yên Dũng đã kiến nghị UBND tỉnh Bắc Giang, Chủ đầu tư ở các bước GPMB tiếp theo tiến hành tự thỏa thuận với các hộ dân, tạo cơ chế đồng thuận trong nhân dân nhằm hạn chế tối đa đơn thư khiếu kiện cũng như yêu cầu Chủ đầu tư cam kết trước, trong, sau quá trình triển khai xây dựng tuyệt đối tuân theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh Bắc Giang quyết định.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VOV, ông Phạm Văn Dũng – Chánh Văn phòng UBND huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang cho biết, theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn thực tế sau hơn 5 năm đi vào hoạt động dự án đã phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, thu hút lượng khách Hàn Quốc, Trung Quốc; thực hiện đầy đủ các khoản nộp ngân sách, góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh cũng như của huyện Yên Dũng.

“Chúng tôi hy vọng giai đoạn 2 của dự án cùng với một số sân golf sắp đưa vào hoạt động, đã được cấp chủ trương đầu tư ở xung quanh tạo thành quần thể du lịch golf khu vực dãy núi Phượng Hoàng tạo động lực đưa ngành du lịch của tỉnh Bắc Giang nói chung, huyện Yên Dũng nói riêng thành ngành kinh tế trọng điểm như trong Nghị quyết của Đảng bộ các cấp”- ông Dũng nói.

Sân golf Yên Dũng giải quyết bài toán phát triển kinh tế Bắc Giang - Ảnh 4.

Ông Phạm Văn Dũng – Chánh Văn phòng UBND huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang

Ngoài ra từ khi vào hoạt động đến nay Chủ đầu tư dự án góp phần tăng ngân sách cho địa phương, tham gia đầy dủ các chương trình hỗ trợ cộng đồng. Tạo  công ăn việc làm cho khoảng 300 lao động địa phương với mức lương ổn định.

Theo đúng chủ trương của Tỉnh ủy, UBND nhân dân tỉnh, đại diện huyện Yên Dũng cho biết địa phương tích cực nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; phối hợp, lắng nghe các Chủ đầu tư dự án tháo gỡ khó khăn ở từng địa bàn, từng dự án cụ thể không riêng dự án Sân golf, dịch vụ Yên Dũng. Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyện môn, các ngành, địa phương chủ động phối hợp với Chủ đầu tư tuyên truyền vận động người dân hiểu, đồng thuận, tạo điều kiện các dự án triển khai thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

“Cụ thể như sân Golf Yên Dũng chúng tôi đã tích cực phối hợp với Chủ đầu tư Amber Holdings chỉnh lý, bổ sung bản đồ địa chính, quy chủ; thống kê diện tích rừng để chuyển mục đích sử dụng rừng tại khu vực dự án, thông qua công tác tuyên truyền vận động thường xuyên đến từng hộ dân trong và ngoài dự án tạo sự đồng thuận trong nhân dân để đẩy nhanh quá trình triển khai dự án”, ông Phạm Văn Dũng – Chánh Văn phòng UBND huyện Yên Dũng nhấn mạnh.

Theo Văn Giang

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên