MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sàn hàng hóa lớn nhất nhì thế giới đứng trước 'tương lai mịt mù': Cuộc khủng hoảng niken vẫn dai dẳng, khả năng vướng vào kiện tụng trong nhiều năm vì 'mất kiểm soát'

21-03-2022 - 15:26 PM | Tài chính quốc tế

Sàn hàng hóa lớn nhất nhì thế giới đứng trước 'tương lai mịt mù': Cuộc khủng hoảng niken vẫn dai dẳng, khả năng vướng vào kiện tụng trong nhiều năm vì 'mất kiểm soát'

Vị thế của LME đang gặp rủi ro lớn. Nguyên nhân là do đợt short squeeze xảy ra hôm 8/3 với các giao dịch niken. Nhà đầu tư đã tỏ ra rất tức giận với LME vì đã để giá tăng mất kiểm soát tới 250% trong chưa đây 2 ngày, sau đó hủy bỏ các giao dịch trị giá 3,9 tỷ USD.

Đợt short squeeze đầu tiên đẩy Sàn giao dịch Kim loại London (LME) rơi vào cuộc khủng hoảng đã xảy ra cách đây hơn 1 thế kỷ. Năm 1887, doanh nhân ngành công nghiệp của Pháp - Pierre Secretan, bắt đầu khiến thị trường đồng náo loạn, khiến giá kim loại này tăng hơn gấp đôi trước khi ông mất kiểm soát với các giao dịch và những thương vụ này sụp đổ.

Sau nhiều năm kể từ đó, LME đã sống sót qua những sự kiện lớn như các cuộc chiến tranh thế giới, những vụ bê bối hay vỡ nợ và củng cố vị trí là sàn tham chiếu toàn cầu đối với các kim loại công nghiệp quan trọng.

Song, vị thế của LME đang gặp rủi ro lớn. Nguyên nhân là do đợt short squeeze xảy ra hôm 8/3 với các giao dịch niken. Nhà đầu tư đã tỏ ra rất tức giận với LME vì đã để giá tăng mất kiểm soát tới 250% trong chưa đây 2 ngày, sau đó hủy bỏ các giao dịch trị giá 3,9 tỷ USD. Khi họ nỗ lực mở cửa lại hoạt động giao dịch niken vào tuần trước, hệ thống liên tục gặp trục trặc.

Nhà đầu tư giận dữ, LME hứng chịu những lời chỉ trích nặng nề

Vì LME đóng vai trò quan trọng trong hoạt động mua và bán các kim loại công nghiệp nên nhà đầu tư và các trader ít có lựa chọn thay thế. Tuy nhiên, hậu quả từ đợt "ép mua" với giao dịch nike sẽ tạo ra cái bóng lớn, khiến LME vướng vào các cuộc điều tra và kiện tụng trong nhiều năm, đồng thời đặt ra các câu hỏi về cấu trúc, quyền sở hữu và khả năng giám sát của họ.

Mark Thompson – giám đốc điều hành bộ phận khai thác và cựu trader kim loại tại Trafigura Group, cho hay: "Đột nhiên, LME dường như không có đủ khả năng để điều hành các giao dịch này. Họ cần phải cải cách sâu rộng."

CEO của LME - Matthew Chamberlain, cho biết trong 1 cuộc phỏng vấn: "2 tuần qua là thời gian vô cùng thử thách đối với thị trường niken." Ông cũng đang nỗ lực để đảm bảo rằng sự kiện tương tự sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Ưu tiên trước mắt của ông là đưa hoạt động giao dịch niken bình thường trở lại. Sự cố xảy ra vào tuần trước đã được khắc phục vào cuối tuần và sàn sẽ nới biên độ giao dịch vào ngày 21/3, cho phép giá giảm tới 15%.

Sàn hàng hóa lớn nhất nhì thế giới đứng trước tương lai mịt mù: Cuộc khủng hoảng niken vẫn dai dẳng, khả năng vướng vào kiện tụng trong nhiều năm vì mất kiểm soát - Ảnh 1.

Khối lượng giao dịch hàng năm của LME (triệu hợp đồng).

LME được thành lập năm 1877 và hiện thuộc sở hữu của Hong Kong Exchanges & Clearing Ltd. Đối với ngành kim loại, đây là một "địa điểm" thiết yếu để tạo ra mức giá để gắn với hầu hết mọi hợp đồng. Còn với nhà đầu tư, ngân hàng và công ty môi giới, đây là nơi để kiếm tiền.

Ông Chamberlain đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để thu hút những nhà đầu tư mới như các quỹ phòng hộ, mà không xao nhãng khỏi những nhà đầu tư cốt lõi trong mảng giao dịch kim loại vật chất.

Vào ngày 8/3, khi giá niken tăng vọt lên hơn 100.000 USD/tấn, sự căng thẳng đã lên tới đỉnh điểm. Khi LME quyết định hủy bỏ giao dịch vào ngày hôm đó và chỉ tính giá đóng cửa phiên 7/3 là 48.078 USD, thì rõ ràng rằng LME đã lựa chọn mảng kim loại vật chất thay vì các quỹ. Trên thực tế, quyết định này của LME lại là "phao cứu sinh" cho "ông trùm" niken Trung Quốc Xiang Guangda và các ngân hàng môi giới cho ông như JPMorgan. LME cũng "cứu" các trader niken quy mô nhỏ khác cùng các bên môi giới của họ.

Bloomberg nhận định, nếu sự việc xảy ra ngày 8/3 được coi là có độ kịch tính cao thì những gì diễn ra vào tuần trước thực sự là một trò hề. Dự kiến, hoạt động giao dịch niken sẽ được tiếp tục vào 8 giờ sáng ngày 16/3, nhưng lại bị trì hoãn vài giờ do trục trặc phần mềm. Nhiều giao dịch đã bị hủy bỏ. Nhưng sự cố tương tự lại tái diễn trong 2 ngày sau đó.

Sàn hàng hóa lớn nhất nhì thế giới đứng trước tương lai mịt mù: Cuộc khủng hoảng niken vẫn dai dẳng, khả năng vướng vào kiện tụng trong nhiều năm vì mất kiểm soát - Ảnh 2.

Các trader "hét lệnh", giao dịch trực tiếp tại ghế băng màu đỏ củaLME - một hoạt động đặc trưng ở sàn này.

Chamberlain cho biết "lỗi này xảy ra do phần mềm của bên thứ 3" mà sàn LME đã bỏ sót khi đưa ra biên độ giao dịch mới. Theo ông, vì chờ đợi lỗi này được khắc phục nên họ phải trì hoãn hoạt động giao dịch niken. Sự cố liên tục diễn ra đã khiến các kế hoạch mà HKEX dự định thực hiện với LME bị xáo trộn. Trong khoảng 10 năm qua, LME đặt mục tiêu tăng trưởng vào việc thu hút các quỹ phòng hộ và nhà đầu tư trong ngành tài chính khác.

Năm ngoái, Chamberlain đã có mâu thuẫn với các trader truyền thống của LME về những thay đổi nhằm giúp sàn này trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư tài chính, bao gồm việc ngừng hoạt động "hét lệnh" trực tiếp trên sàn – được coi là đặc trưng của LME. Giờ đây, nhiều nhà đầu tư khác cho biết họ có thể sẽ từ bỏ LME. Theo nguồn tin thân cận, một số cho biết họ đang theo đuổi các vụ kiện ở Mỹ và Anh.

Một giám đốc quản lý danh mục đầu tư ở quỹ phòng hộ lớn cho biết ông đã ngừng giao dịch với mọi hợp đồng trên sàn LME – đặt cược vào chênh lệch giá hàng hóa, cổ phiếu và tiền tệ. Trong khi đó, Alex Gerko – nhà sáng lập của XTX Markets, quỹ giao dịch định lượng lớn, nhận định LME là "Sàn giao dịch Kim loại thời Liên Xô".

Theo đó, Chamberlain thừa nhận rằng LME sẽ phải nỗ lực để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.

Tương lai của LME sẽ ra sao?

Song, ngay cả trước cuộc khủng hoảng niken xảy ra, LME đã nỗ lực tăng hiệu suất hoạt động nhưng không hiệu quả. Khối lượng giao dịch sụt giảm và lợi nhuận lại đi ngang. Kể từ cuộc khủng hoảng mới nhất này, khối lượng giao dịch tăng bùng nổ đối với thị trường niken, trong khi hoạt động đối với các hợp đồng khác lại đi xuống.

Đối với Chamberlain, đây là một giai đoạn không mấy vui vẻ khi ông chuẩn bị nói lời tạm biệt với LME sau 1 thập kỷ vào tháng 4. Tuy nhiên, Chamberlain từ chối xác nhận liệu ông có rời đi hay không. Ông nói: "Tôi vẫn ở đây và sẽ làm bất kỳ điều gì để giải quyết tình hình."

Sàn hàng hóa lớn nhất nhì thế giới đứng trước tương lai mịt mù: Cuộc khủng hoảng niken vẫn dai dẳng, khả năng vướng vào kiện tụng trong nhiều năm vì mất kiểm soát - Ảnh 3.

Lãi trước thuế của LME và LME Clear.

Nhiệm vụ này chính là đảm bảo tương lai của sàn giao dịch. Với biên độ giá được áp để ngăn chặn những biến động quá mạnh có thể xảy ra, Chamberlain đang chuyển trong tâm sang thị trường OTC – nơi các ngân hàng thực hiện giao dịch song song liên kết với LME nhưng không có sự giám sát của sàn. Phần lớn vị thế bán khống niken của Xiang được thực hiện qua các giao dịch như vậy. Ông cũng cho biết, sàn sẽ đưa ra những giới hạn đối với vị thế chặt chẽ hơn đối với các trader có vị thế bán khống lớn.

Khi các nhà đầu tư tài chính nói về việc từ bỏ LME, một rủi ro khác với sàn này là cả ngành kim loại vật chất cũng "quay lưng" với họ. Trong 2 tuần giao dịch niken bị ngưng trệ, các nhà sản xuất và đại lý đã gặp gián đoạn lớn. Nhà sản xuất thép không gỉ Tây Ban Nha Acerinox hiện đã ngừng nhận đơn đặt hàng mới.

Sau cuộc khủng hoảng này, một câu hỏi được đặt ra là liệu các sàn khác có thể tận dụng cơ hội hay không. Tuy nhiên, có rất ít sàn có thể thay thế LME đối với các giao dịch kim loại như niken, nhôm và kẽm. CME – sàn nổi tiếng với giao dịch đồng, dang tìm kiếm cơ hội với niken nhưng chưa có động thái vội vàng nào, theo nguồn tin thân cận.

Sàn giao dịch kim loại lớn khác – Sàn giao dịch Hợp đồng tương lai Thượng Hải, cũng ít có khả năng tiếp cận với trader quốc tế. Nhưng khi LME "đóng băng" giao dịch niken, nhà đầu tư đang hướng đến Thượng Hải.

Duncan Hobbs – giám đốc nghiên cứu tại trading house Concord Resources, cho biết: "Viễn cảnh LME không còn là sàn giao dịch toàn cầu trong 5-10 năm nữa là điều có thể. Thượng Hải sẽ là ‘người anh em’ của LME."

Cuộc khủng hoảng này cũng đặt ra câu hỏi về kế hoạch của HKEX. CEO mới của HKEX – Nicholas Aguzin, vẫn chưa đưa ra tầm nhìn cho LME. Trong khi đó, khi HKEX mua lại LME vào năm 2012, nhiều doanh nghiệp khác cũng đưa ra đề nghị tương tự cho sàn này. Bởi vậy, Mark Thompson nhận định sự kiện xảy ra trong 2 tuần qua cho thấy HKEX là "chủ sở hữu sai lầm" của LME.

Tham khảo Bloomberg

https://cafef.vn/san-hang-hoa-lon-nhat-nhi-the-gioi-dung-truoc-tuong-lai-mit-mu-cuoc-khung-hoang-niken-van-dai-dang-kha-nang-vuong-vao-kien-tung-trong-nhieu-nam-vi-mat-kiem-soat-20220321142628614.chn

Chi Lan

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên