Sản lượng dầu thô của Nga giảm mạnh nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ
Sản lượng dầu thô của Nga trong tháng 4 đã giảm gần 9% so với tháng trước đó do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow, một báo cáo nội bộ của OPEC + hôm thứ Ba (17/5) cho thấy.
- 17-05-2022Thị trường ngày 17/5: Giá vàng, dầu, lúa mì, sắt thép đồng loạt tăng cao
- 16-05-2022Vì sao nói cấm vận của EU với dầu thô Nga chỉ như 'đánh bùn sang ao'
- 16-05-2022Nga 'bẻ lái' dòng chảy dầu thô, bản đồ năng lượng thế giới đang được vẽ lại?
Sản lượng dầu của Nga tháng 4/2022 ở mức 9,16 triệu thùng/ngày (bpd), giảm khoảng 860.000 thùng/ngày so với tháng 3 và thấp hơn gần 1,2 triệu thùng/ngày so với sản lượng của nước đồng minh trong OPEC + là Saudi Arabia.
Đây là mức sụt giảm mạnh nhất về sản lượng của nước này kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào những năm 1990, và khiến sản lượng của Nga thấp hơn 1,28 triệu thùng/ngày so với mức yêu cầu theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh, gọi là OPEC +.
Nhìn chung, OPEC + đã sản xuất thấp hơn 2,6 triệu thùng/ngày so với mục tiêu trong tháng 4, với sự tuân thủ tổng thể của nhóm trong kế hoạch cắt giảm tăng lên mức kỷ lục 220% từ 157% của tháng 3. Các nhà sản xuất Tây Phi Nigeria và Angola, những nước đang gặp khó khăn trong những năm gần đây với hạn chế về công suất, đã lần lượt sản xuất thấp hơn mục tiêu 413.000 thùng/ngày và 290.000 thùng/ngày trong tháng 4.
Mặc dù không đạt mục tiêu sản xuất và giảm giá bán thùng, nhưng đợt tăng giá dầu thô gần đây đã đẩy doanh thu từ dầu khí của Moscow lên 1,81 nghìn tỷ rúp (27,92 tỷ USD) trong tháng 4, so với tổng số 2,97 nghìn tỷ rúp trong ba tháng đầu năm, theo Bộ tài chính nước Nga.
Kết quả một nghiên cứu mới công bố của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) (một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Phần Lan) cho thấy Nga đã tăng gần gấp đôi doanh thu từ việc bán nhiên liệu hóa thạch cho EU trong hai tháng chiến tranh ở Ukraine, giúp cho nước này bù đắp những tổn thất về việc giảm khối lượng xuất khẩu.
CREA khẳng định Moscow tiếp tục hưởng lợi từ sự phụ thuộc năng lượng của châu Âu vào dầu của Nga bất chấp việc giảm doanh số bán hàng do các lệnh trừng phạt, và cho biết các biện pháp trừng phạt mới hứa hẹn sẽ đẩy giá tăng nhiều hơn nữa.
Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, Nga đã bán tài nguyên năng lượng trị giá 46 tỷ euro cho Liên minh châu Âu và con số này tiếp tục tăng lên. Theo CREA, con số này cao gấp đôi so với số lượng bán ra trong cùng kỳ năm 2021.
Mặc dù có sự sụt giảm về khối lượng bán ra, nhưng việc tăng giá dầu đã mang lại cho Moscow khoảng 63 tỷ euro (66 tỷ USD) đối với năng lượng xuất khẩu bằng tàu thủy và và thông qua đường ống kể từ khi Nga thực hiện "chiến dịch đặc biệt" ở Ukraine vào ngày 24/2.
Theo CREA, khối lượng dầu EU nhập khẩu của Nga giảm 20% và than giảm 40%. Tuy nhiên, nhập khẩu khí đốt đã tăng và Đức vẫn là nước mua chính. Trong hai tháng diễn ra chiến tranh, nước này đã nhập khẩu các sản phẩm năng lượng trị giá 9 tỷ euro.
Nghiên cứu của CREA được báo cáo khi tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga công bố lợi nhuận ròng tăng vọt trong năm ngoái, với lý do giá năng lượng cao là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng này.
Gazprom cho biết trong một tuyên bố rằng lợi nhuận ròng của họ đạt 2,09 nghìn tỷ rúp (29 tỷ USD) vào năm 2021, tăng từ 135 tỷ rúp ở năm trước đó - khi lợi nhuận sụt giảm do đại dịch trên toàn cầu và giá năng lượng giảm. "Yếu tố chính ảnh hưởng đến kết quả tài chính là sự gia tăng giá khí đốt và dầu", công ty do nhà nước kiểm soát cho biết trong một tuyên bố.
Các thành viên Liên minh châu Âu đang đàm phán về một đề xuất cấm vận dầu mỏ đối với Nga, nhưng các cuộc đàm phán cho đến nay vẫn thất bại vì sự phủ quyết từ Hungary, quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu của Nga.
Nghị viện châu Âu vào tháng 3 đã thông qua một nghị quyết kêu gọi cấm vận năng lượng Nga, nhưng cho đến nay Liên minh châu Âu mới chỉ thảo luận về một lệnh cấm vận như vậy. EU đã áp đặt lệnh cấm vận đối với than của Nga sẽ có hiệu lực từ tháng 8.
Chính phủ Đức đã bác bỏ lệnh cấm vận khí đốt vì những thiệt hại kinh tế mà nó sẽ gây ra, nhưng Thủ tướng Olaf Scholz ngày 28/4 cho biết Đức phải chuẩn bị cho việc Nga đình chỉ việc cung cấp khí đốt.
"Liệu chính phủ Nga sẽ đưa ra quyết định gì trong vấn đề này chỉ là suy đoán, nhưng ... người ta phải chuẩn bị cho nó", ông Scholz nói trong chuyến thăm Tokyo. Ông nói thêm rằng Chính phủ Đức đã bắt đầu chuẩn bị cho khả năng Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt.
Trong khối EU, một số quốc gia rất nỗ lực thúc đẩy một lệnh cấm như vậy. Lệnh cấm do Ủy ban châu Âu đề xuất vào đầu tháng 5 sẽ là biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất của nước này nhằm đáp trả cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 của Moscow nhưng cũng bao gồm các biện pháp khắc phục hậu quả cho các quốc gia EU phụ thuộc nhiều nhất vào dầu mỏ của Nga.
EU phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu khí đốt từ Nga, trong đó nhiều quốc gia phụ thuộc tới một nửa trong tổng lượng khí nhập khẩu.
Trong khi đó, Nga đã tăng cường bán dầu cho Trung Quốc và Ấn Độ, trong bối cảnh nước này phải vật lộn với các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với lĩnh vực tài chính của mình và bế tắc về yêu cầu các nước EU phải trả cho năng lượng bằng đồng rúp.
Moscow có thể chứng kiến sản lượng dầu của mình giảm mạnh tới 17% vào năm 2022 do các lệnh trừng phạt, Reuters dẫn thông tin từ một tài liệu của Bộ Kinh tế nước này đưa ra vào tháng trước,
Hôm 16/5, Bộ Tài chính Nga thông báo sẽ giảm thuế xuất khẩu dầu mỏ còn 44,8 USD/tấn vào tháng 6 tới, từ mức 49,6 USD trong tháng 5. Mức thuế do Bộ Tài chính tính toán và dựa trên việc giám sát giá dầu thô Urals vận chuyển bằng đường biển.
Giá năng lượng toàn cầu đã tăng vọt kể từ năm ngoái khi các nền kinh tế bắt đầu trỗi dậy sau các đợt đóng cửa kéo dài trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Giá dầu càng tăng thêm nữa sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Tham khảo: Reuters, Rferl