Sản lượng gạo chất lượng cao của Thái Lan giảm mạnh lần nhất trong một thập kỷ
Sản lượng gạo Hương nhài giảm 40% và đồng baht tăng giá có thể sẽ khiến Thái Lan mất nhiều thị phần gạo chất lượng cao về tay các nước xuất khẩu khác, trong đó có Việt Nam.
- 20-03-2018Xuất khẩu gạo khởi sắc: Vừa mừng vừa lo
- 16-03-2018Cơ hội xuất khẩu gạo đang mở
- 16-03-2018Thị trường hàng hóa ngày 16/3: Cao su và dầu tăng tiếp; nhôm, vàng, đường giảm mạnh, gạo biến động
Loại gạo trắng ngon hảo hạng của Thái Lan – hạt dài, hương thơm có tên Hom mali, hay còn gọi là gạo Hương nhài – thường được bán ở những nhà hàng sang trọng tại Trung Quốc lục địa, Singapore, và Hongkong (Trung Quốc), cũng như một số nhà hàng Thái Lan ở châu Âu.
Tuy nhiên, sản lượng loại gạo chất lượng cao này của Thái Lan năm nay dự báo sẽ giảm lần đầu tiên kể từ khi nước này bắt đầu mở rộng diện tích trồng các giống lúa chất lượng cao, cách đây một thập kỷ. Lý do chính bởi chính sách của ngành nông nghiệp nỗ lực chuyển đổi sang những sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao hơn. Ngoài ra, thời tiết bất lợi cũng ảnh hưởng tới sản lượng gạo chất lượng cao.
Theo Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan dựa trên kết quả khảo sát hồi đầu tháng 3, tổng sản lượng lúa chất lượng cao của nước này năm 2018 dự báo sẽ giảm khoảng 40% xuống chỉ khoảng 4 triệu tấn, từ mức 6,1 triệu tấn của năm 2017. Hiệp hội thường đưa ra dự báo khá chính xác về sản lượng hàng năm.
Mục tiêu ban đầu của Chính phủ Thái Lan là sản xuất khoảng 5 triệu tấn lúa thơm trong năm nay. Sản lượng gạo ngon giảm mạnh sẽ có ảnh hưởng tới xuất khẩu gạo nói chung trong năm 2018, trong bối cảnh đồng baht tăng so với USD vốn đã gây bất lợi cho gạo xuất khẩu của Thái Lan trên thị trường quốc tế.
Cho tới năm 2016, sản lượng lúa chất lượng cao của Thái Lan vẫn tăng, khi đó đạt 6,1 triệu tấn, và gần như không thay đổi trong năm 2017. Nông dân thường xuống giống lúa Hương nhài vào tháng 5 khi bắt đầu mùa mưa, và thu hoạch vào tháng 10 hoặc tháng 11.
Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái, ông Charoen Laothamatas, cho biết Thái Lan đang phải "cạnh tranh khốc liệt", đúng lúc đồng baht tăng giá so với USD khiến giá gạo Thái càng giảm sức hấp dẫn so với những đối thủ khác, trong đó có Ấn Độ và Việt Nam. Theo ông, sản lượng giảm bởi mưa quá nhiều vào đúng lúc thu hoạch khiến cho năng suất bị sụt giảm.
Ông Charoen cho biết, giá gạo Hương nhài của Thái Lan đang tăng nhanh, cách đây một tuần là 1.150 USD/tấn, hiện khoảng 1.150 – 1.200 USD/tấn, cao hơn 50% so với mức 750 USD/tấn cùng kỳ năm ngoái. Đồng baht mạnh khiến tình hình càng trầm trọng. Đồng tiền Thái Lan đã tăng giá 9% so với USD trong năm vừa qua, và tăng tiếp 3,9% từ đầu năm đến nay.
Nếu so sánh thì giá gạo Thái đắt hơn rất nhiều so với gạo cùng loại của các nước khác. Hiện gạo Hương nhài Việt Nam và Campuchia giá khoảng khoảng 800 – 900 USD/tấn.
Do gạo Hương nhài chiếm khoảng 30-40% tổng khối lượng xuất khẩu gạo hàng năm của nước này – khoảng 8 đến 10 triệu tấn (quy xay) - nên sản lượng loại này giảm và giá tăng lên có thể khiến cho tổng xuất khẩu gạo Thái Lan giảm mạnh trong năm nay.
Sản lượng giảm cũng có một phần nguyên nhân do chính sách của chính phủ hiện tại, theo đó giảm diện tích trồng lúa. So với giai đoạn 2011-2013, tổng diện tích lúa của Thái Lan đã giảm 10%, từ mức hơn 65 triệu rai xuống 58 triệu rai năm nay (1 rai = 1.600m2). Trước kia, cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra khuyến khích nông dân trồng càng nhiều lúa càng tốt.
Thái Lan là nước xuất khẩu lúa lớn nhất thế giới trong suốt 3 thập kỷ cho tới thời bà Yingluck lên nắm quyền đẩy giá gạo Thái tăng làm giảm sức cạnh tranh. Ấn Độ đã soán ngôi của Thái Lan từ năm 2012.
Chính sách khuyến khích trồng lúa của bà Yingluck đã khiến lượng gạo dự trữ của Chính phủ Thái Lan tăng vọt lên mức cao kỷ lục 18 triệu tấn (quy xay), và chính phủ quân sự hiện tại phải mất 2 năm để giải quyết "núi" gạo đó. Rút kinh nghiệm từ đó, chính sách của Thái hiện khuyến khích nông dân trồng thêm các loại cây thay thế khác, bao gồm mía, sắn và ngô.
Dự báo năm 2018 Thái Lan sẽ vẫn giữ vị trí nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới với 10,2 triệu tấn, sau Ấn Độ (13 triệu tấn) và trước Việt Nam (6,7 triệu tấn), theo nhận định mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ.