MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sản lượng nhập khẩu HRC 6 tháng bằng 173% sản xuất trong nước

12-07-2024 - 06:36 AM | Thị trường

Theo dữ liệu Hải quan, tính riêng tháng 6/2024, Việt Nam nhập khẩu 886.000 tấn thép cuộn cán nóng (HRC), bằng 151% sản xuất trong nước. Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 77%.

Về giá HRC nhập khẩu, sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc rất thấp, bình quân 560 USD/tấn, thấp hơn các quốc gia khác từ 45-108 USD/tấn.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, sản lượng thép cán nóng nhập khẩu đạt gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ 2023. Lượng nhập khẩu này bằng 173% so với sản xuất trong nước. Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 74%, còn lại là từ Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia khác.

Giá trị kim ngạch nhập khẩu HRC 6 tháng đạt 3,46 tỷ USD, riêng Trung Quốc chiếm 2,5 tỷ USD.

Các mác thép nhập khẩu chủ yếu là Q195, Q235. Những mác thép này có giá thấp hơn ASTM, SPHC và các mác khác từ 74-97 USD/tấn.

Thép cuộn cán nóng (HRC) là thép nền - nguyên liệu đầu vào để sản xuất ống thép, tôn mạ, thép kết cấu, vỏ container và nhiều sản phẩm hạ nguồn khác.

Sản lượng nhập khẩu HRC 6 tháng bằng 173% sản xuất trong nước- Ảnh 1.

Ngày 30/6/2024, TTXVN dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan cho biết, tình trạng dư cung ở Trung Quốc dẫn tới việc nước này chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác như Indonesia. Nước này sẽ sớm áp dụng mức thuế nhập khẩu lên tới 200% đối với hàng hóa Trung Quốc để giảm thiểu tác động của cạnh tranh thương mại đang diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ. Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan cho biết chính sách này sẽ có hiệu lực sau khi quy định liên quan được ban hành.

Thái Lan và Indonesia có điều kiện kinh tế xã hội khá tương đồng với Việt Nam. Sản lượng sản xuất thép của hai quốc gia thấp hơn so với nhu cầu trong nước. Lượng sản xuất của Thái Lan, Indo chỉ đáp ứng lần lượt là 43% và 37% nhu cầu tiêu thụ nhưng từ 2019 hai quốc gia này đã có thuế chống bán phá giá bên cạnh thuế nhập khẩu MFN đang duy trì. Trong khi đó hiện nay Việt Nam năng lực sản xuất HRC đã đáp ứng 70% nhu cầu tiêu thụ (8,5/12 triệu tấn) và hiện nay không có thuế nhập khẩu MFN và chưa có hàng rào thuế quan nào khác để bảo vệ sản xuất trong nước.

Việt Nam hiện đang có vị thế dẫn đầu Đông Nam Á về sản xuất thép và đứng Top 12 quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới. Được biết, Bộ Công Thương đang thẩm định hồ sơ của các doanh nghiệp trong nước đề nghị điều tra áp thuế chống bán phá giá với thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ. Thời gian thẩm định theo quy định là 45 ngày kể từ ngày chính thức tiếp nhận hồ sơ đầy đủ (14/6/2024).


Theo Hà My

Đời sống Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên