MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sàn Nasdaq "phiên bản Trung Quốc" có gì đặc biệt?

23-07-2019 - 09:10 AM | Tài chính quốc tế

Dù là "quê nhà" của một số công ty công nghệ lớn nhất thế giới, nhưng đa số các công ty của Trung Quốc vẫn chọn thị trường Mỹ và Hồng Kông để niêm yết.

Trước đây, Trung Quốc đã thúc đẩy các công ty quay trở lại bằng chứng chỉ lưu ký Trung Quốc (CDR), cho phép các nhà đầu tư trong nước nắm giữ cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại nước ngoài. Còn hiện tại, một sàn giao dịch mới tại Thượng Hải vừa được ra mắt nhằm giúp các công ty công nghệ cao tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Sàn giao dịch mới cũng nới lỏng những quy tắc về niêm yết và giao dịch, hiện thực hoá điều các nhà lãnh đạo Trung Quốc mong muốn đó là mở rộng thêm các sàn giao dịch khác.

Kế hoạch của Trung Quốc

Nhóm đầu tiên "lên sàn" SSE STAR Market, thuộc Shanghai Stock Exchange, gồm 25 công ty. Theo hệ thống giao dịch mới được đơn giản hoá dành cho nhóm công nghệ, các công ty không phải đối mặt với nhiều quy định rắc rối phải được thông qua để niêm yết. Sự thay đổi này có mục đích giảm thời gian chờ đợi xuống còn 3 tháng so với nhiều năm như trước đây. Quy định đối với sàn giao dịch mới cũng loại bỏ giới hạn về chi phí IPO và đà tăng trong ngày đầu tiên.

Tại sao Trung Quốc lại triển khai cách thức này?

Các nhà quan sát thị trường đã giải thích rằng đây là một món quà dành cho Thượng Hải đến từ Chủ tịch Tập Cận Bình - ông đã công bố kế hoạch này vào tháng 11, phù hợp với mục tiêu rộng lớn hơn của ông là nâng cao vị thế của thành phố này để có thể trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu. Đây cũng được coi là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc để ngăn các công ty ra nước ngoài niêm yết, đặc biệt là khi thị trường Hồng Kông mở rộng cánh cửa cho các công ty công nghệ sinh học cũng như khuyến khích các cổ phiếu công nghệ 2 tầng. Động thái mới của Trung Quốc có thể được coi là chính phủ muốn đưa các nhà đầu tư về với mục tiêu của ông Tập - đưa các công ty công nghệ Trung Quốc lên vị thế dẫn đầu.

Kết quả ban đầu

Sàn Nasdaq phiên bản Trung Quốc có gì đặc biệt? - Ảnh 1.

Cổ phiếu vốn hoá thấp và cổ phiếu công nghệ Trung Quốc chứng kiến diễn biến vượt trội trong năm qua.

Phản ứng của thị trường cực kỳ tích cực. 25 công ty này huy động được số tiền lớn hơn 20% con số dự tính cho lần chào bán đầu tiên ra công chúng. Giá khớp lệnh trung bình ở mức 53 lần thu nhập, cao hơn gấp đôi so với mức trần bất thành văn là 23 lần. Sàn giao dịch mới đã chấp nhận đơn đăng ký từ hơn 140 công ty tính đến ngày 18/7, hầu hết trong số đó là các công ty nhỏ hoặc start-up công nghệ. Một số nhà phân tích nhận thấy nhu cầu mạnh mẽ đối với sàn giao dịch mới bởi Trung Quốc có một lượng lớn các start-up công nghệ. Riêng Quận Hải Điến của Bắc Kinh có tới 148.600 công ty công nghệ và dự kiến sẽ đạt doanh thu hơn 2 nghìn tỷ NDT vào năm 2020, theo Minsheng Securities Co.

Các cổ phiếu công nghệ sẽ được giao dịch thế nào?

Các sàn giao dịch chính trong nước cho những công ty công nghệ Trung Quốc là ChiNext (được gọi là Nasdaq của Trung Quốc) tại Thâm Quyến và NEEQ ở Bắc Kinh. ChiNext có 760 thành viên và hầu hết là các công ty công nghệ nhỏ với mức lợi nhuận không nhiều ở thời điểm niêm yết. Ví dụ điển hình của một cổ phiếu thuộc ChiNext là Contemporary Amperex Technology - nhà cung cấp pin lớn cho các công ty sản xuất ô tô điện. 

NEEQ đặt tiêu chuẩn giao dịch thấp hơn nhiều so với ChiNext, không có yêu cầu gì về lợi nhuận. Đây là thị trường OTC lớn nhất Trung Quốc với khoảng 9.800 công ty, nhưng doanh thu giao dịch lại rất nhỏ. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ phải có ít nhất 5 triệu NDT cổ phiếu mới được tham gia.

Chuyện gì đã xảy ra với CDR?

Chương trình thử nghiệm được bắt đầu vào năm 2018, cho phép các công ty công nghệ lớn niêm yết ở nước ngoài bán cổ phiếu được định danh bằng đồng NDT ở Trung Quốc, nhưng cho đến nay vẫn chưa có công ty nào thực hiện. Alibaba và JD.com đã tạm dừng kế hoạch phát hành CDR và Xiaomi cũng chọn Hồng Kông là nơi phát hành cổ phiếu. Hồi tháng 4, chính phủ đã thông báo về việc miễn một số loại thuế đối với các nhà đầu tư vào CDR để khuyến khích số lượng tham gia. Ninebot, chủ sở hữu của nhà sản xuất scooter điện Segway, đã tìm cách để niêm yết tại sàn giao dịch mới cho các công ty công nghệ và sử dụng CDR, nhưng kế hoạch đó cũng bị trì hoãn.

Các quy tắc của sàn giao dịch mới là gì?

Các nhà đầu tư sẽ cần 500.000 NDT và 2 năm kinh nghiệm giao dịch để tham gia. Để có được những lợi ích của hệ thống IPO ít nghiêm ngặt hơn mà không sử dụng biện pháp gian lận tài chính, các nhà lập quy đã yêu cầu những bên bảo lãnh đầu tư vào các công ty chuẩn bị niêm yết trong một thời gian cố định. Dù các công ty chưa có lợi nhuận được phép niêm yết, nhưng họ vẫn phải đáp ứng những yêu cầu tối thiểu về vốn hoá, doanh thu, hoạt động R&D hoặc dòng tiền.

Hương Giang

Bloomberg

Trở lên trên