Sàn "Nasdaq Trung Quốc" trở thành "bom xịt" sau 3 tháng ra mắt
Hầu hết các cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán công nghệ STAR của Trung Quốc đều giao dịch ảm đạm, khiến nhiều nhà đầu tư chịu lỗ nặng...
Ba tháng sau khi sàn giao dịch STAR - được mệnh danh là "Nasdaq Trung Quốc" - ra mắt, hầu hết các cổ phiếu niêm yết trên sàn này đang rơi vào tình trạng ảm đạm.
Theo tờ Nikkei, số lượng cổ phiếu niêm yết trên STAR đã tăng từ 25 lên 34 kể từ khi sàn này ra mắt vào ngày 22/7. Dù tất cả cổ phiếu này đều đang giao dịch ở mức cao hơn giá chào sàn, nhưng có tới 27 cổ phiếu trong số này (tương đương 79%) hiện giao dịch thấp hơn giá trong phiên giao dịch đầu tiên.
Cổ phiếu Bright Power Semiconductor, vừa niêm yết ngày 14/10, đóng cửa phiên ngày ngày thứ Năm (24/10) ở mức 77,02 Nhân dân tệ, giảm gần 30% so với phiên giao dịch đầu tiên. Công ty này đã hoãn niêm yết sau khi bị kiện vì vi phạm quyền sở hữu bằng sáng chế bởi một công ty Trung Quốc khác vào tháng 7.
Sau khi niêm yết trên STAR, hầu hết cổ phiếu đều tăng giá và niềm tin rằng đầu tư vào cổ phiếu chào sàn (IPO) luôn có lãi vẫn được bảo toàn. Nhưng nhiều nhà đầu tư mua các cổ phiếu này sau IPO đang chịu lỗ nặng.
Giá trị giao dịch cổ phiếu hàng ngày cũng giảm mạnh, từ mức 48,5 tỷ Nhân dân tệ (6,86 tỷ USD) xuống còn trung bình 6 tỷ USD Nhân dân tệ (848 triệu USD) trong tháng 10.
Sàn STAR ra mắt chỉ 8 tháng sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố kế hoạch thành lập một sàn giao dịch chứng khoán dành cho các công ty công nghệ vào tháng 11/2018. Tuy nhiên, tiến độ ấn tượng này không đồng nghĩa rằng những công ty tiềm năng với năng lực đổi mới cũng xuất hiện.
Phương pháp chuẩn để xây dựng một sàn giao dịch là dành thời gian và tiền bạc để thu hút những công ty có năng lực. Tuy nhiên, theo Nikkei, các nhà chức trách Trung Quốc có vẻ quan tâm tới con số hơn. Xu Yilin, phó tổng giám đốc của Sàn Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải - đơn vị vận hành sàn STAR, cho biết số lượng công ty giao dịch trên sàn này có thể đạt 50 vào tháng 11 và 100 vào cuối năm nay.
Nikkei cho rằng cách tiếp cận của STAR không phục vụ cho lợi ích của nhà đầu tư. Thay vào đó, sàn này được xem như một công cụ để thu hút vốn đầu tư vào các ngành công nghiệp mà Bắc Kinh muốn phát triển.
Những startup thực sự có năng lực có thể đã niêm yết tại Mỹ, Hồng Kông hoặc các sàn chứng khoán lớn tại Trung Quốc đại lục. Nếu STAR có 100 công ty niêm yết chỉ một năm sau khi ra mắt nhưng giá cổ phiếu lẹt đẹt, nhiều khả năng sàn này sẽ bị chỉ trích vì thúc giục những công ty chưa đủ năng lực niêm yết cổ phiếu.
STAR là sàn giao dịch đầu tiên được một chủ tịch của Trung Quốc tuyên bố thành lập, phần nào cho thấy kỳ vọng của Bắc Kinh rằng sàn này sẽ giúp Trung Quốc trở thành cường quốc đi đầu về công nghệ trong tương lai. Trước đó, vào năm 2009 và 2013, nỗ lực tạo ra một sàn giao dịch cổ phiếu công nghệ để cạnh tranh với Nasdaq của Trung Quốc đều thất bại do thiếu các cổ phiếu chất lượng và thanh khoản hạn chế.
Các nhà lập pháp Trung Quốc đã đưa ra những thay đổi đáng kể cho sàn STAR. Đây là sàn chứng khoán đầu tiên của nước này cho phép các công ty đang lỗ được niêm yết. Đưa vào thí điểm hệ thống đăng ký IPO kiểu Mỹ, STAR cũng tinh giản quy trình đăng ký và cho các công ty niêm yết cũng như nhà đầu tư có quyền kiểm soát lớn hơn với về thời điểm IPO và việc định giá cổ phiếu.
VnEconomy