Sẵn sàng '3 tại chỗ' khi dịch bùng phát
Tại các khu công nghiệp của Hà Nội, Ban quản lý đang yêu cầu các doanh nghiệp (DN) lên phương án “3 tại chỗ” trong trường hợp dịch bùng phát mạnh.
- 29-07-2021Covid-19 thúc đẩy những thói quen mới của người tiêu dùng Đông Nam Á như thế nào?
- 29-07-2021Chuyên gia nói gì về chiến lược vaccine của Việt Nam và việc phát tiền mặt cho người dân?
- 29-07-2021Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 2,64% so với cùng kỳ vì xăng dầu, điện, thực phẩm
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, các quận, huyện có khu, cụm công nghiệp đóng trên địa bàn đang tăng cường kiểm tra, giám sát từng DN về công tác phòng, chống dịch; đồng thời, xây dựng các phương án đảm bảo hoạt động, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, phân phối vì dịch bệnh.
Đại diện Cty TNHH Canon Việt Nam cho biết, hiện 12 tổ phòng chống COVID-19 cùng hàng trăm tổ nhỏ tại các phân xưởng, phòng, ban trong toàn Cty đã được kích hoạt nhằm giám sát, bảo đảm an toàn cho hơn 7.600 công nhân. “Từng vị trí ngồi trên xe đưa đón, vị trí ngồi ăn trưa đều được DN sắp xếp cẩn thận, cùng với đó là việc sẵn sàng truy vết khi phát hiện ca bệnh”, vị này cho hay.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến mong muốn các doanh nghiệp đồng hành, chia sẻ với thành phố, chấp hành nghiêm các quy định mới ban hành nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.
Bà Hải Yến, đại diện Cty TNHH Goshi Thăng Long cho biết, về phòng chống dịch, DN hiện đang tuân thủ, thực hiện nghiêm các phương án phòng chống dịch theo phương châm 5K của Bộ Y tế. Các trường hợp F2 của Cty được cách ly tại nhà, nhận đủ lương và hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên theo bà Yến, do Cty sản xuất linh kiện xe máy cho hãng Honda, chủ yếu cấp hàng đến các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nam nhưng hiện nay hàng hóa không lưu thông được, xe chưa được cấp thẻ xanh để lưu thông nên sản lượng giảm, công nhân phải nghỉ nhiều. “Hiện các công nhân đa số đều nghỉ do không có việc làm và nhận 75% lương hỗ trợ”, đại diện doanh nghiệp cho hay.
Đa số các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Thăng Long đều đã chuẩn bị đủ vật tư (khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tay…) phục vụ công tác phòng dịch trong thời gian từ 1 - 2 tháng. Bên cạnh đó, bố trí phòng cách ly tạm thời đối với trường hợp người lao động có biểu hiện sốt, ho, khó thở trong quá trình làm việc; bố trí đầy đủ khu vực rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn tại các vị trí trước, trong và sau khi vào làm việc.
Lên phương án “3 tại chỗ”
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, hiện nay đơn vị đang yêu cầu các DN rà soát xem xét năng lực để công nhân thực hiện ăn ở, sinh hoạt, sản xuất tại chỗ trong trường hợp dịch bệnh bùng phát mạnh. Nhà máy sẽ được lấy làm nơi cách ly, phong tỏa, doanh nghiệp tùy tình hình để tiếp tục sản xuất, đáp ứng các đơn hàng. Trong trường hợp không có phương án bảo đảm “3 tại chỗ”, doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về việc dừng hoạt động sản xuất khi có dịch bệnh xảy ra.
Ban Quản lý cũng cho biết, đơn vị đã yêu cầu các DN tăng cường thực hiện 5K của Bộ Y tế, chia nhóm nhỏ các ca ăn tại bếp ăn tập thể theo dây chuyền, tổ, đội, phân xưởng sản xuất, bảo đảm giãn cách tối đa có thể và lắp vách ngăn giữa các vị trí ngồi ăn, có thể bố trí ngồi cùng một hướng hoặc so le; sau mỗi ca ăn, cần vệ sinh, khử khuẩn bề mặt các vị trí ngồi ăn... “Hiện nay, cơ bản các DN đều đáp ứng đưa đón công nhân đảm bảo an toàn”, ông Tuấn cho hay.
Ngày 26/7, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cũng đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn huyện Đông Anh.
Lưu ý sự nguy hiểm của đại dịch COVID-19 và tốc độ lây nhiễm của biến chủng Delta, bà Tuyến đề nghị các doanh nghiệp bố trí giãn cách an toàn tại khu vực nghỉ trưa; trang bị kính chống giọt bắn cho toàn bộ người lao động. Đồng thời, các doanh nghiệp thực hiện nghiêm nguyên tắc “1 cung đường, 2 điểm đến” trong quá trình đưa đón công nhân; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của cán bộ, người lao động trong việc thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh.
Tiền phong