Sẵn sàng bay quốc tế trở lại
Các hãng hàng không đang chuẩn bị cho kế hoạch bay quốc tế trở lại từ đầu năm 2022, sẵn sàng cho việc khôi phục giao thương, thúc đẩy đầu tư, du lịch...
- 22-12-2021Giải mã yếu tố khiến 1 tỉnh 'tái lập' phát triển thần tốc, vượt Hà Nội và TP. HCM dành vị trí đầu bảng về thu nhập bình quân, sắp khởi công dự án lớn của LEGO
- 22-12-2021Thu nhập của giáo viên lâu năm có bị giảm trong năm 2022?
- 20-12-2021Nikkei Asia: Thị trường edtech Việt Nam chạm mốc 3 tỷ USD, ngày càng nhiều 'ông lớn' và startup nhập cuộc
Ngày 22-12, đại diện nhiều hãng hàng không và doanh nghiệp (DN) du lịch cho hay đang khẩn trương làm việc với đối tác, lên kế hoạch sớm khai thác trở lại đường bay quốc tế thường lệ.
Sẽ nâng dần đường bay
Các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách sẽ được thí điểm trong giai đoạn đầu là Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco/Los Angeles (Mỹ). Thời gian thí điểm từ ngày 1-1-2022.
Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, nhận định việc mở lại đường bay quốc tế thể hiện quyết tâm khôi phục lại mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Trước mắt sẽ thí điểm những đường bay quốc tế trên tinh thần thực hiện từng bước, tránh gây tâm lý lo ngại, băn khoăn trong dư luận, để người dân yên tâm mở cửa lại an toàn và bền vững. Giai đoạn sau sẽ nâng dần số đường bay quốc tế.
Khẳng định việc mở lại đường bay quốc tế là giải pháp sống còn của Vietnam Airlines, vì trước đại dịch, các đường bay quốc tế chiếm 65% tổng doanh thu của hãng, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa xác nhận hãng đã chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng nguồn lực từ bán vé, tiếp viên, phi công… Thời gian qua, hãng cũng đã thực hiện một số chuyến bay thử nghiệm thành công, với việc phòng chống dịch Covid-19 trên các chuyến bay luôn được ưu tiên hàng đầu.
Vietnam Airlines đã chuẩn bị các điều kiện để bảo đảm chuyến bay cất cánh, đặc biệt là bay quốc tế. Hiện hãng vẫn duy trì đường bay thường lệ có lịch ổn định như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc phục vụ nhu cầu của khách từ Việt Nam sang các nước này; kết hợp vận chuyển hàng hóa với các đường bay, chuyến bay không thường lệ đi đến châu Âu.
Nằm trong kế hoạch tái khai thác các đường bay quốc tế, đại diện Bamboo Airways cho biết đối với khu vực Đông Bắc Á, từ ngày 1-1-2022, hãng sẽ khai thác đường bay thẳng thường lệ giữa Hà Nội với Narita (Nhật Bản), Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc). Hãng đang xúc tiến kế hoạch bay hằng ngày và tiến tới mở thêm nhiều tuyến bay mới như TP HCM - Tokyo, cũng như từ Hà Nội, TP HCM - Osaka (Nhật Bản) vào cuối năm 2022 ngay khi thị trường hồi phục.
Với khu vực châu Âu, trong tháng 1-2022, ngay khi các điều kiện cho phép, Bamboo Airways dự kiến khai thác bay thương mại thường lệ Hà Nội, TP HCM - London (Anh, qua sân bay Heathrow). Hãng cũng dự kiến đưa vào khai thác các đường bay Hà Nội, TP HCM - Frankfurt (Đức) với tần suất 2 chuyến khứ hồi/tuần; Hà Nội, TP HCM - Munich (Đức) với với tần suất 1 chuyến khứ hồi/tuần trong tương lai gần.
"Về tần suất khai thác, trong giai đoạn đầu, hãng khai thác theo phân bổ tần suất của Chính phủ. Khi thị trường phục hồi, hãng sẽ bay hằng ngày và tiến tới mở thêm nhiều tuyến bay mới kết nối Việt Nam với Mỹ, châu Âu, châu Úc, Đông Bắc Á, Đông Nam Á... ngay khi các điều kiện cho phép" - đại diện Bamboo Airways thông tin.
Với hãng hàng không "tân binh" trên thị trường là Vietravel Airlines, đại diện hãng cho hay ngay sau khi mở cửa lại sẽ triển khai các chuyến bay thường lệ và chuyến thuê bao (charter) đến các thị trường Đông Bắc Á và Đông Nam Á bao gồm Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc. Với các thị trường này, Vietravel Airlines sẽ tiến hành ký kết và chỉ định các tổng đại lý của hãng (GSA) trong tháng 1-2022. Theo kế hoạch của hãng, trong quý II/2022 sẽ nhập về Việt Nam thêm máy bay hiện đại dòng A321 Neo để phục vụ nhu cầu phát triển và phục vụ mạng đường bay quốc tế.
Sân bay và các hãng hàng không đã sẵn sàng cho kế hoạch bay quốc tế trở lại từ đầu năm 2022. Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Kiến nghị mở rộng mạng lưới bay quốc tế
Theo Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, hãng đã xây dựng nhiều phương án kịch bản điều hành khác nhau căn cứ trên phương án phòng chống dịch của các nước và Việt Nam. Hiện các đường bay quốc tế chỉ đạt 1,5%-1,9% so với giai đoạn 2019 và thực tế bay quốc tế chưa có khách. Dự báo nửa cuối năm 2022, ở kịch bản khả quan nhất, thị trường khách quốc tế qua đường hàng không sẽ phục hồi bằng 25% so với trước khi có dịch, tăng dần vào cuối năm, tới năm 2024 mới phục hồi bằng thời điểm khi chưa có dịch.
Từ cuối tháng 11-2021, Vietnam Airlines đã mở đường bay thẳng TP HCM - Mỹ, đặt mục tiêu cạnh tranh và thu hút khách để tăng cơ hội khai thác... Sự mở trở lại đường bay quốc tế đã được hãng chuẩn bị và sẵn sàng cho các thị trường Đông Bắc Á, Mỹ. Hãng tiếp tục xem xét mở rộng thêm đường bay đi các nước châu Âu, Úc vốn được kiểm soát dịch tốt và dung lượng thị trường lớn, người Việt ở đó nhiều, nhu cầu về nước cao, nhất là sát dịp Tết Nguyên đán.
Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa cho rằng kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ trong giai đoạn 1 - giai đoạn thí điểm sẽ tập trung vào các thị trường Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Mỹ; chưa khai thác các đường bay đi/đến châu Âu, Úc.
"Trên cơ sở nhu cầu về nước trước Tết Nguyên đán rất lớn của kiều bào, cũng như dịch bệnh khu vực trên được kiểm soát tốt, việc sớm mở lại các đường bay đi đến châu Âu và Úc sẽ đáp ứng được các yêu cầu này" - ông Đặng Ngọc Hòa nói. Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải xem xét sớm cho phép khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ đến châu Âu, Úc để phục vụ nhu cầu về quê ăn Tết của người Việt cũng như giúp Vietnam Airlines nhanh chóng mở rộng khai thác trở lại.
Cùng với sự chuẩn bị của hãng hàng không, các sân bay cũng đã sẵn sàng phục vụ lượng khách quốc tế từ những chuyến bay thường lệ.
Theo đại diện Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, sân bay vẫn đang đón một số chuyến bay quốc tế đến, bên cạnh các chuyến bay giải cứu về Việt Nam nên các hoạt động khai thác ở nhà ga quốc tế vẫn diễn ra bình thường. Để chuẩn bị cho việc khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ trở lại, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) trong công tác phòng chống dịch.
Lãnh đạo Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cũng đã có sự chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và luôn trong tâm thế sẵn sàng phục vụ bay an toàn. Ngay từ đầu tháng 10-2021, cảng đã ban hành phương án khai thác nhà ga hành khách T1, T2 và công tác phòng chống dịch trong tình hình mới, tính toán kỹ các phương án khai thác.
"Với những nỗ lực của cảng và các đơn vị trong dây chuyền phục vụ, chúng tôi đã sẵn sàng đáp ứng phục vụ bay thương mại nội địa và quốc tế" - lãnh đạo Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài khẳng định.
Năm 2023 hàng không mới phục hồi
Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, trong đó có Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), thị trường hàng không sẽ phục hồi vào năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi của các thị trường khác nhau, phụ thuộc vào quá trình tiêm vắc-xin và kế hoạch mở cửa của các quốc gia. IATA cũng dự báo đến năm 2022, khu vực châu Á cũng sẽ phục hồi dần, tuy nhiên tốc độ sẽ chậm hơn châu Âu và Bắc Mỹ.
Tại Việt Nam, các chuyên gia nhận định việc đẩy mạnh tiêm chủng là cơ sở quan trọng để Chính phủ mở cửa, tái khởi động hoạt động kinh tế. Một điểm tích cực, theo các tổ chức lớn trên thế giới dự báo, là khách du lịch và thăm thân sẽ là đối tượng khách hồi phục sớm nhất. Trên cơ sở đó, ngành hàng không, du lịch sẽ có nhiều cơ hội để phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Sớm mở lại tour đưa khách Việt xuất ngoại
Không chỉ hãng hàng không, nhiều DN du lịch cũng đang cấp tập chuẩn bị tour tuyến, sản phẩm, làm việc với đối tác để sớm đón khách quốc tế trở lại Việt Nam, cũng như đưa khách Việt du lịch nước ngoài.
Ông Từ Quý Thành, Tổng Giám đốc Liên Bang Travel (chuyên phục vụ khách outbound - người Việt đi du lịch nước ngoài), cho biết thông tin mở lại đường bay quốc tế thường lệ là cơ hội rất lớn cho du lịch outbound trở lại, sau 2 năm đóng băng vì dịch. Công ty đã chuẩn bị sẵn chương trình, liên hệ với các đối tác ở những thị trường dự kiến khai thác bay quốc tế trở lại.
"Chúng tôi đang chờ lịch bay cụ thể của từng đường bay, giá vé máy bay để cập nhật giá tour là có thể bán và khai thác sản phẩm du lịch đưa khách đi nước ngoài trở lại. Kiến nghị của DN lúc này là sớm có quy định về y tế dành cho khách xuất cảnh áp dụng "hộ chiếu vắc-xin", điều kiện nhập cảnh sau khi đi tour về, để DN biết triển khai và khách cũng yên tâm" - ông Từ Quý Thành nói.
Công ty Vietravel cho biết trước thông tin mở lại đường bay thương mại quốc tế thường lệ từ đầu năm 2022, DN sẽ bắt đầu triển khai các sản phẩm du lịch, tour nước ngoài đến những quốc gia có độ an toàn cao và không bị điều kiện hạn chế cách ly với du khách như Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Thái Lan, châu Âu, Mỹ...
Người lao động