Sản xuất điện lỗ lớn
Giá các loại nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện tăng cao khiến chi phí sản xuất điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục ở mức cao và số tiền lỗ tiếp tục tăng lên.
- 07-11-2022Top 3 công ty sản xuất điện gió nhiều nhất ở Việt Nam hiện nay là những ai?
- 18-08-2022Việt Nam đang nổi lên với vai trò như một trung tâm sản xuất điện thoại toàn cầu
- 15-06-2022Nhờ đâu địa phương dẫn đầu tăng trưởng thu hút nhiều nhà đầu tư muốn rót chục tỷ USD vào sản xuất điện gió?
Sản xuất điện lỗ lớn - VTV.V
Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì khả năng số tiền lỗ của cả năm nay sẽ lên đến hơn 68.000 tỷ đồng.
Bộ Công Thương vừa công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2022 là trên 2.032 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm trước và cao hơn giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 168 đồng/kWh.
Điều này đã dẫn đến kết quả EVN bị lỗ trên 26.400 tỷ đồng trong năm 2022, mặc dù đơn vị này đã có nhiều giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất điện.
"Tiết kiệm chi phí thường xuyên là 10%, chi phí sửa chữa lớn cắt giảm 30%. Chi phí nhân công và các chi phí khác cũng tiết giảm. Tổng chi phí tiết giảm nỗ lực nội tại của EVN là gần 10.000 tỷ đồng, nhưng vì chi phí mua điện tăng đột biến khiến EVN mặc dù đã nỗ lực hết sức nhưng vẫn không thể cân bằng tài chính của năm 2022", ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cho biết.
Do giá nguyên liệu đầu vào vẫn tiếp tục tăng cao, nên EVN dự kiến lỗ lũy kế của năm 2022 và năm nay có thể lên tới trên 68.700 tỷ đồng, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng hoạt động của tập đoàn.
Chính phủ và các Bộ ngành đã tổ chức nhiều cuộc họp tìm cách tháo gỡ. Mặc dù mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô luôn là mục tiêu hàng đầu, nhưng có thể nhận thấy sự cần thiết phải điều chỉnh giá bán lẻ điện theo kịp với các chi phí đầu vào là yêu cầu cấp bách hiện nay.
"Năm 2022, giá than tăng 2,64 lần và giá xăng dầu tăng 1,43 lần so với năm 2021 làm chi phí sản xuất điện năm 2022 tăng 9,27% so với năm 2021. Vì vậy, thời điểm này là rất cần thiết để chúng ta điều chỉnh tăng giá bản lẻ điện", TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho hay.
"Giữ giá điện thấp tràn lan gây tổn thất rất lớn, không chỉ gây thất thu cho EVN, ngân sách suy giảm và còn khuyến khích tiêu dùng giá điện rẻ làm cho sản xuất chậm thay đổi về cải tiến công nghệ", TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đánh giá.
Giá điện tại Việt Nam hiện thấp hơn nhiều nước trên thế giới, nên việc tăng giá điện từng bước và làm nhiều lần vào các thời điểm thích hợp sẽ vẫn đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế ảnh hưởng lớn tới người dân.
VTV