Để bà Phan Thị Mỹ Thanh thôi làm đại biểu Quốc hội có đúng quy trình?
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết việc cho thôi nhiệm với bà Thanh là thực hiện theo đúng quy trình. Riêng trường hợp của ông Đinh Thế Huynh, là cán bộ thuộc Bộ Chính trị quản lý. Khi nào các cơ quan của Bộ Chính trị có ý kiến thì sẽ thông báo.
Tại buổi họp báo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV sáng ngày 19/5, các phóng viên đã hỏi về công tác nhân sự của Quốc hội.
Liên quan đến trường hợp của bà Phan Thị Mỹ Thanh – đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, phóng viên hỏi quy trình cho bà Thanh thôi làm đại biểu có đúng quy trình không? Trường hợp của ông Đinh Thế Huynh 2 năm nay không tham gia vào các kỳ họp thì có còn đủ tư cách làm đại biểu Quốc hội nữa hay không?
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, thời điểm bà Thanh bị cách hết các chức vụ trong Đảng, theo quy định, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng xem xét bãi nhiệm hoặc cho thôi nhiệm. Tại thời điểm đó bà Thanh – có thể do sức khỏe giảm sút, tinh thần bị ảnh hưởng – cũng đã có đơn xin được thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
Ngoài ra, việc bà Thanh thôi làm đại biểu là có hồ sơ liên quan báo cáo của thường trực trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam, báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai…đều đồng thuận cho bà Thanh được thôi làm đại biểu Quốc hội.
Việc cho bà Thanh thôi nhiệm là thuộc quyền hạn của Quốc hội và ngay phiên khai mạc vào ngày 21/5, Ủy ban sẽ có báo cáo tới Quốc hội về việc thôi làm đại biểu của bà Thanh.
Về trường hợp của ông Đinh Thế Huynh, là cán bộ thuộc Bộ Chính trị quản lý. Khi nào các cơ quan của Bộ Chính trị có ý kiến thì sẽ thông báo.
Liên quan đến các trường hợp đại biểu có vi phạm, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết ai vi phạm, mức độ đến đâu đều phải xử lý và không ưu ái ai, không có vùng cấm nào, tất cả đều theo đúng quy định của pháp luật.
Phóng viên cũng hỏi Tổng thư ký Quốc hội về những vi phạm của các đại biểu Quốc hội vừa qua thì Quốc hội có rút ra kinh nghiệm gì để lựa chọn những ứng viên để đưa ra bầu vào Quốc hội thời gian tới hay không?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, qua các vụ việc cho thấy không thể phát hiện ra ngay được. Quá trình làm hồ sơ, kiểm tra là dưới cơ sở, cử tri giới thiệu lên, các cơ quan thẩm tra, xem xét. Song Quốc hội cũng ghi nhận ý kiến này và xem xét rút kinh nghiệm sâu sắc công tác chuẩn bị.
Việc thu hồi tài sản tham nhũng phải thu hồi được. Vậy trong kỳ họp lần này Quốc hội sẽ lưu ý gì khi thảo luận về vấn đề này?
Ông Hoàng Thanh Tùng, phó tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, Luật phòng chống tham nhũng là luật được dư luận quan tâm. Về nội dung này, trong Chính phủ là đơn vị trình lên cũng chưa thống nhất về quan điểm nên đưa ra hai phương án, một là thu thuế thu nhập 40% và phương án hai là xử phạt hành chính 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.
Ông Tùng cũng cho biết, nếu đó không phải là tài sản tham nhũng, không do vi phạm mà có, do một lý do nào đó mà người kê khai không trung thực thì không thể vì thế mà thu hồi tài sản của họ, mà phải có cách xử lý phù hợp. Cách xử lý ra sao thì sẽ xem xét, thảo luận tại kỳ họp lần này để tổng hợp, trình quốc hội kỳ họp thứ 6 thông qua.