Sàng lọc dự án FDI
Bộ công cụ sàng lọc các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam sẽ giúp sàng lọc để chọn ra các dự án đầu tư chất lượng, các nhà đầu tư, kinh doanh có trách nhiệm…
- 21-11-2022Một tỉnh xếp trên cả Bình Dương, TP. HCM, Hà Nội... về thu nhập bình quân lao động
- 21-11-2022156.000 tỷ đồng phát triển cao tốc kết nối vùng Tây nguyên
- 21-11-2022Chỉ còn hơn 1 tháng là hết năm 2022, nhìn lại toàn cảnh tăng trưởng ASEAN-6
Đây là chia sẻ của ông Trương Đức Trọng – Chuyên gia Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Được biết, vừa qua VCCI phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) triển khai xây dựng và hoàn thiện công cụ sàng lọc dự án đầu tư tại Việt Nam, xin ông chia sẻ thêm về sự cần thiết của Bộ công cụ này?
Không thể phủ nhận, các lợi ích mà dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mang lại cho nền kinh tế trên nhiều phương diện trong suốt hơn 30 năm qua. Tuy nhiên, các dự án mà dòng vốn này mang lại cũng nảy sinh các bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro đáng quan ngại.
Theo báo cáo của cơ quan thuế, luôn có tình trạng một số doanh nghiệp FDI chuyển giá và trốn thuế tại Việt Nam, một số doanh nghiệp chưa tuân thủ tốt các quy định về môi trường của pháp luật Việt Nam, tạo ra nhiều hệ quả cho xã hội như vụ việc tại biển miền Trung năm 2016 hay xa hơn là vụ việc xả thải ra sông Thị Vải năm 2009 là những lời nhắc nhở về những rủi ro tiềm tàng đối với môi trường mà các dự án FDI có thể gây ra nếu không được quản lý, giám sát tốt.
Với chính sách thu hút FDI cởi mở, Việt Nam cần có công cụ thực hiện phù hợp để đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia, trong đó, tác động về xã hội, kinh tế và môi trường cần được chú trọng như nhau.
Bộ công cụ sàng lọc dự án đầu tư, sẽ hỗ trợ chính quyền các tỉnh, thành phố trong quá trình thẩm định dự án đầu tư nước ngoài để xác định được các dự án có đặc điểm kinh doanh có trách nhiệm hoặc các dự án đáp ứng các ưu tiên phát triển kinh tế, xã hội và môi trường của địa phương, giảm thiểu rủi ro khi phê duyệt các dự án tiềm ẩn nhiều rủi ro ngoài mong muốn.
Nếu cả chính quyền địa phương và nhà đầu tư nước ngoài cùng sử dụng bộ công cụ này thì có thể góp phần thúc đẩy các thực hành đầu tư có trách nhiệm trong khu vực tư nhân, từ đó góp phần hỗ trợ các tỉnh thành phố đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, Bộ công cụ sàng lọc dự án đầu tư tại Việt Nam còn hiện thực hóa những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thể hiện tại Nghị quyết số 50-NQ/TW năm 2019 về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030” của Bộ Chính trị và Nghị quyết 58/NQ-CP hướng dẫn thực hiện nghị quyết 50-NQ/TW của Chính phủ.
- Đang còn tình trạng “dễ dãi” trong lựa chọn dự án do chú trọng đến số lượng nhiều hơn chất lượng, vì cạnh tranh trong thu hút FDI giữa các địa phương. Bộ công cụ sàng lọc có giải quyết được bất cập này không, thưa ông?
Cấu trúc Bộ công cụ sàng lọc dự án đầu tư tại Việt Nam gồm các tiêu chí đánh giá được chia thành 3 nhóm.
Nhóm tiêu chí 1 - đánh giá sự hợp lệ, bao gồm các tiêu chí cơ bản mang tính bắt buộc mà nhà đầu tư cần tuân thủ và cung cấp bằng chứng về việc tuân thủ đó trong giai đoạn thẩm định dự án. Các tiêu chí này được xây dựng căn cứ theo pháp luật về đầu tư của Việt Nam. Đây là nhóm tiêu chí bắt buộc đầu tiên của Bộ công cụ, trong đó gồm các thông tin cơ bản: tên dự án, tên nhà đầu tư/doanh nghiệp, quốc tịch,…; danh mục kiểm tra sự hợp lệ: phân loại dự án theo ngành nghề kinh doanh, phân loại ngành nghề kinh doanh theo hệ thống ngành kinh tế Việt Nam,…; các điều kiện bắt buộc khác theo quy định của pháp luật Việt Nam,…
Nhóm tiêu chí 2 - đánh giá rủi ro, bao gồm các tiêu chí đánh giá các rủi ro tiềm tàng của dự án đầu tư và xác định xem liệu dự án có các chiến lược giảm thiểu rủi ro phù hợp hay không. Đây là nhóm tiêu chí mang tính chất bắt buộc để chính quyền địa phương có thể đánh giá tổng thể nhà đầu tư và dự án. Trong đó gồm các tiêu chí đánh giá về rủi ro kinh tế; rủi ro xã hội và rủi ro môi trường.
Nhóm tiêu chí 3 - đánh giá sự phù hợp, bao gồm các tiêu chí đánh giá mức độ phù hợp của dự án với các chính sách ưu tiên thu hút đầu tư của địa phương, mức độ phù hợp với các tiêu chí khuyến nghị theo chuẩn mực quốc tế về đầu tư có trách nhiệm. Nhóm tiêu chí này không mang tính bắt buộc song nhà đầu tư được khuyến khích đáp ứng các tiêu chí này bất cứ khi nào có thể, trong đó, là các tiêu chí về khía cạnh kinh tế, khía cạnh xã hội, khía cạnh môi trường.
Căn cứ theo những nhóm tiêu chí đã nêu, các địa phương có thể lập ban thẩm định để xem xét và đánh giá về dự án. Bộ công cụ sàng lọc dự án đầu tư nước ngoài mang tính mở, cho phép các địa phương điều chỉnh các tiêu chí để phù hợp với bối cảnh và các ưu tiên của địa phương. Công cụ này cũng khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài áp dụng thực hành kinh doanh có trách nhiệm vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Ưu tiên đầu tư nước ngoài có chất lượng, tạo lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam, nhưng quan trọng hơn là tạo ra cơ chế thúc đẩy sự thống nhất trong việc thực thi chính sách, thưa ông?
Bộ công cụ này không dành cho dự án từ một quốc gia cụ thể, bất kỳ dự án đầu tư từ bất kỳ quốc gia nào cũng có thể tiềm ẩn hoặc phát sinh các rủi ro về kinh tế, xã hội và môi trường. Vì vậy, công cụ này cần được sử dụng trên nguyên tắc không phân biệt đối xử với nhà đầu tư, việc sàng lọc dự án đầu tư nước ngoài dựa trên cơ sở duy nhất là đánh giá các rủi ro theo từng trường hợp nhằm đảm bảo sự phát triển dài hạn, đồng thời đảm bảo nhà đầu tư nước ngoài áp dụng các thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Chính quyền các tỉnh, thành phố thẩm định từng dự án để xác định các rủi ro tiềm tàng của dự án về phát triển bền vững của địa phương, bảo vệ các quyền cơ bản hoặc các rủi ro về an ninh. Nếu xác định dự án tiềm ẩn các rủi ro này, chính quyền địa phương cần yêu cầu dự án thực hiện các biện pháp phù hợp để giảm thiểu rủi ro. Việc bác bỏ dự án cần được cân nhắc chỉ trong các trường hợp không thể thực hiện các biện pháp ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro.
- Xin cảm ơn ông!
Diễn đàn doanh nghiệp