Sáng 15/3 VIB tổ chức ĐHCĐ 2023: Dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 35%, bầu HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới
Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ báo cáo tại Đại hội
Lãnh đạo VIB đề xuất chia cổ tức tỷ lệ 35%, trong đó tỷ lệ tiền mặt 15% và cổ phiếu 20%.
- 13-03-2023VIB: Hiệu quả kinh doanh top đầu, ĐHĐCĐ dự kiến duyệt kế hoạch cổ tức và tăng vốn
- 27-02-2023VIB: giao dịch qua các nền tảng số tăng trưởng 26 lần trong 5 năm
- 24-02-2023VIB dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15%, thưởng cổ phiếu 20% cho cổ đông trong năm nay
Sáng ngày 15/3 tại Tp. Hồ Chí Minh, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB, mã chứng khoán VIB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2023. Đây là ngân hàng đầu tiên trong hệ thống tổ chức đại hội cổ đông trong năm nay.
Theo báo cáo của Trưởng ban kiểm tra tư cách cổ đông, tham dự đại hội tại thời điểm khai mạc có 130 cổ đông đại diện cho 75,15% tổng số phiếu có quyền biểu quyết.
Ngoài các cổ đông, dự đại hội còn có lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, lãnh đạo Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam chi nhánh Tp. HCM.
Theo tài liệu gửi tới cổ đông, đại hội lần này của VIB sẽ thảo luận về một số nội dung chính bao gồm: 1) tổng kết tình hình kinh doanh của ngân hàng năm 2022 và phương án phân phối lợi nhuận; 2) kế hoạch kinh doanh năm 2023; 3) bầu thành viên HĐQT và BKS; 4) một số vấn đề khác liên quan đến tình hình hoạt động và an toàn của ngân hàng.
Tình hình kinh doanh năm 2022
Báo cáo tại đại hội, ông Đặng Khắc Vỹ, chủ tịch HĐQT VIB cho biết, năm 2022 Việt Nam bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch, hoạt động sản xuất kinh doanh được khôi phục và duy trì xuyên suốt. Mặc dù chịu tác động tiêu cực từ các xung đột địa chính trị cũng như các chính sách tiền tệ thắt chặt của các NHTƯ trên toàn cầu, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì khả quan nhờ các chính sách, chủ trương kịp thời từ Chính phủ và điều hành linh hoạt của NHNN. Kinh tế Việt Nam năm 2022 tăng trưởng hơn 8%, lạm phát chỉ 3,15%, là một trong những nền kinh tế có kết quả nổi bật nhất trên bản đồ kinh tế thế giới năm qua.
Về kết quả kinh doanh năm 2022 của VIB, lợi nhuận trước thuế đạt 10.581 tỷ, tăng 32,1% so với năm 2021, vượt kế hoạch đề ra. Vốn điều lệ đã tăng từ 15.531 lên mức 21.077 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 35,7%. Tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 342,799 nghìn tỷ, tăng 10,8% so với cuối năm 2021. Tổng dư nợ tín dụng đạt 239.920 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2021. Huy động tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá đạt 231.899 tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm trước. Nợ xấu khống chế ở mức 1,79%.
Theo đề xuất của ban lãnh đạo ngân hàng, với kết quả kinh doanh như trên, tổng mức cổ tức năm 2022 dự kiến chia tỷ lệ 35% - thực hiện chi trả trong năm 2023, trong đó 20% là cổ tức bằng cổ phiếu và 15% cổ tức tiền mặt. Đây là năm đầu tiên ngân hàng dự kiến chia cổ tức tiền mặt sau 3 năm thực hiện các chỉ đạo của NHNN về giữ lại lợi nhuận để củng cố an toàn hệ thống, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch.
Ông Đặng Khắc Vỹ báo cáo với cổ đông kết quả kinh doanh 2022
Kế hoạch kinh doanh năm 2023
Năm 2023 là năm thứ hai của giai đoạn 2 (2022-2026) của hành trình chuyển đổi chiến lược 10 năm 2017-2026. Trong giai đoạn này, ngân hàng sẽ tập trung vào: 1) đạt được 10 triệu khách hàng, 2) tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận kép (CAGR) đạt 20-30%/năm; 3) gia tăng bền vững vốn hóa thị trường.
Để hiện thực hóa những điều này, năm 2023, ngân hàng sẽ tập trung vào việc đưa ra các bộ sản phẩm toàn diện vượt trội; giải pháp sáng tạo, cá thể hóa cho khách hàng và đối tác; công nghệ và ngân hàng số xuất sắc; phát triển con người; thương hiệu hàng đầu; đi đầu trong các chuẩn mực quốc tế; quản trị rủi ro và tuân thủ vững mạnh.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, ban lãnh đạo VIB đề ra mức lợi nhuận mục tiêu là 12.200 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2022. Tổng tài sản đạt 428.500 tăng 25% so với năm 2022. Tổng dư nợ tín dụng tăng từ 233.920 tỷ đồng năm 2022 lên 292.500 tỷ vào cuối năm 2023 (tăng 25% tùy thuộc chỉ tiêu NHNN giao). Huy động vốn kỳ vọng đạt 292.600 tỷ đồng, tăng 26,2%; tỷ lệ nợ xấu khống chế dưới 3%.
Ngân hàng cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 21.076 tỷ lên 25.368 tỷ đồng. Để thực hiện mục tiêu, VIB dự kiến sẽ phát hành hơn 421 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và 7 triệu cổ phiếu thưởng cho CBCNV.
Sau khi, việc huy động vốn diễn ra thuận lợi, ngân hàng sẽ dùng 4.091 tỷ để cấp tín dụng và đầu tư tài sản thanh khoản; 100 tỷ đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, sản phẩm, nhân sự; đầu tư nâng cấp mạng lưới chi nhánh 100 tỷ.
Nhân sự HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới 2023-2027
Nhiệm kỳ VIII (2019 – 2023) của HĐQT và BKS VIB sẽ kết thúc vào phiên họp ĐHĐCĐ 2023, do đó, VIB cần tiến hành bầu các thành viên HĐQT và thành viên BKS chuyên trách cho nhiệm kỳ IX (2023 – 2027) tại ĐHĐCĐ 2023.
HĐQT VIB nhiệm kỳ mới có cơ cấu gồm tổng số 05 thành viên, trong đó 04 thành viên thông thường, 01 thành viên độc lập.
Có 4 thành viên tiếp tục ứng cử bầu thành viên HĐQT nhiệm kỳ IX (2023 – 2027). Danh sách gồm ông Đặng Khắc Vỹ, nguyên chủ tịch HĐQT VIB; Đặng Văn Sơn, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT; ông Hàn Ngọc Vũ nguyên TV HĐQT kiêm Tổng giám đốc; ông Đỗ Xuân Hoàng, nguyên TVHĐQT.
Về phía ban kiểm soát ngân hàng, nhiệm kỳ VIII (2019 – 2023) của BKS VIB có 1 trưởng ban là bà Nguyễn Thùy Linh và 2 thành viên gồm ông Đỗ Quang Ngọc và bà Lương Thị Bích Thủy. 3 thành viên này tiếp tục ứng cử bầu thành viên BKS nhiệm kỳ IX (2023 – 2027).
Tuy nhiên, tại đại hội sáng 15/3, đại diện VIB cho biết, ngày 13/3 bà Nguyễn Thùy Linh, ứng viên bầu thành viên BKS đã có đơn xin rút khỏi danh sách bầu BKS nhiệm kỳ mới vì lý do cá nhân. Sau đó HĐQT đã thông qua việc rút khỏi danh sách của Bà Linh. Như vậy các ứng viên nhiệm kỳ mới của BKS sẽ chỉ còn 2 người. Theo điều lệ của VIB, để đảm bảo thành viên BKS phải có ít nhất 3 người, VIB sẽ bầu bổ sung thành viên BKS vào ĐHCĐ bất thường, dự kiến vào tháng 6 tới.
Thảo luận cổ đông
Cổ đông hỏi: Ngân hàng có kế hoạch chia cổ tức thế nào trong các năm tới?
Ông Đặng Khắc Vỹ: Trước Covid, VIB kiên định và nhất quán chia cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu. Trong 3 năm qua do chỉ đạo của NHNN để đảm bảo an toàn hoạt động và hỗ trợ nền kinh tế nên chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Với kết quả kinh doanh năm qua, VIB hoàn toàn có thể chia cổ tức tỷ lệ 38%, tuy nhiên để đảm bảo CAR thì chỉ quyết chia tỷ lệ 35%. Thực tế ban lãnh đạo rất quan tâm quyền lợi của cổ đông, Ngân hàng thường xuyên tham khảo chế độ chia cổ tức của các ngân hàng nước ngoài, đặc biệt là các cổ đông chiến lược. Năm sau, nếu không có sự giới hạn của NHNN thì có thể chia cổ tức trên 30% lợi nhuận sau thuế của năm 2023.
Cổ đông hỏi: thị trường BĐS khó khăn ảnh hưởng của việc giảm giá bất động sản đến chất lượng tài sản đảm bảo như thế nào. Trường hợp xấu nhất giảm 30% thì sao, có ảnh hưởng ngân hàng không?
Ông Đặng Khắc Vỹ: 2022 đã rất khó khăn và năm 2023 sẽ còn rất khó khăn. Theo báo cáo của Credit Suisse và Moody, hoạt động VIB vẫn đang rất khả quan. Trái phiếu chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng dư nợ, lại thuộc nhóm sản xuất kinh doanh và định chế tài chính. Chỉ có 3% trái phiếu và cho vay bất động sản - mức rất thấp trên thị trường.
Hiện 90% dư nợ của VIB là retail banking trong đó có 90% là có tài sản đảm bảo trong đó có 50% tài sản đảm bảo là bất động sản. Đối với các tài sản cho vay kinh doanh và sửa chữa nhà, nếu như thị trường BĐS giảm đến 57% mới bị ảnh hưởng, nếu chỉ giảm 30% thì vẫn hoàn toàn bình thường.
Cổ đông hỏi: NIM của VIB là 4,6% trong năm 2022, vậy 2023 NIM sẽ thế nào?
Ông Đặng Khắc Vỹ: Trong những tháng đầu năm 2023 NIM đang có sự tăng nhẹ, cao hơn 4,6%. Tuy nhiên, với các biện pháp của NHNN đang giảm lãi suất điều hành và hỗ trợ người tiêu dùng, doanh nghiệp giảm lãi suất cho vay nên NIM có thể sẽ 4,5-4,6%. Việc làm sao để giữ lợi nhuận còn liên quan đến trích lập dự phòng, quản trị nợ xấu.
Cổ đông hỏi: Việc cho vay nhà ở của VIB có rủi ro như thế nào trong bối cảnh BĐS đang khó khăn như hiện nay?
Ông Đặng Khắc Vỹ: Cho vay nhà ở của VIB khác với các ngân hàng khác, ngân hàng không cho vay các dự án đang triển khai, không cho vay condotel mà cho vay đúng nghĩa là cho vay tiêu dùng (có sổ hồng, sổ đỏ, mục đích sử dụng đa mục đích như một phần để kinh doanh, một phần để ở) nên rủi ro không có.
Cổ đông hỏi: Chính sách cổ tức bằng tiền mặt của VIB liệu có ảnh hưởng tới nguồn vốn hoạt động của ngân hàng?
Ông Đặng Khắc Vỹ: Về chính sách cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu, VIB đều so sánh với các ngân hàng lớn trên thế giới, ví dụ CBA, cổ đông đều có nhu cầu một phần tiền mặt – là nhu cầu chính đáng và tốt cho cổ đông.
Cổ đông nói chia cổ tức tiền mặt ảnh hưởng đến nguồn vốn của Ngân hàng thì tôi cho rằng không phải như vậy. Hiện CAR của ngân hàng là 12,8%, đảm bảo tốt hơn nhiều so với yêu cầu 8% của NHNN. Việc chia cổ tức của chúng ta vẫn còn khiêm tốn so với những gì chúng ta chia được.
Cổ đông hỏi: Mục tiêu tăng trưởng tín dụng tới 25% có cao quá không khi mức tăng chung của NHNN chỉ 14-15%?
Ông Đặng Khắc Vỹ: Để bảo đảm cho thị trường tín dụng Việt Nam không tăng trưởng nóng, NHNN thường xuyên quan sát chặt chẽ và nhận khuyến nghị từ các định chế trên thế giới, thì mức tăng trưởng tín dụng 14-15% là hợp lý. Việc ngân hàng có ROE cao như VIB (30%), để duy trì tăng trưởng tín dụng như kế hoạch là không có vấn đề gì.
Cổ đông hỏi: 9% dư nợ của VIB là thẻ, xin hỏi mức chi tiêu thẻ đang như thế nào, thị phần ra sao?
Ông Đặng Khắc Vỹ: VIB đang chiếm 6,25% thị phần thẻ tin dụng. 5 năm vừa qua VIB tăng gấp 9 lần, từ hơn 8.000 tỷ đến nay chi tiêu qua thẻ tín dụng của VIB đã đạt 78.000 tỷ. Mặc dù thị phần thẻ tương đối cao nhưng 2 đối thủ cạnh tranh đứng trên không tăng thị phần, năm 2023 VIB sẽ đóng dần khoảng cách so với các đối thủ cạnh tranh. Chiến lược thẻ của VIB thực sự đơn giản và rất tập trung. Chúng tôi đã ứng dụng rất nhiều công nghệ về AI, machine learning, đó là lí do tại sao được đánh giá dẫn đầu xu thế thẻ.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM phát biểu: Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM đánh giá cao những kết quả kinh doanh mà VIB đạt được. Đại diện NHNN hi vọng VIB năm nay tiếp tục phát triển và nằm trong top đầu các ngân hàng hoạt động hiệu quả.
Bỏ phiếu thông qua các tờ trình và bầu cử nhân sự nhiệm kỳ mới
Các cổ đông tham dự ĐH của VIB đã thông qua toàn bộ các tờ trình. Nhân sự nhiệm kỳ mới của HĐQT và Ban kiểm soát cũng được thông qua như danh sách ứng cử với tỷ lệ đồng thuận rất cao.
Nhịp sống thị trường