"Sáng nay, bạn mình đã qua đời" - Bài viết trên Threads về cái chết của người bạn 23 tuổi khiến cộng đồng bàng hoàng
Sau khi xuất hiện triệu chứng nghẹt mũi và hơi chóng mặt, chỉ sau 4 tuần, người này không may qua đời, theo lời kể của một người bạn.
- 20-09-2021Thời gian và tiền bạc điều gì quan trọng hơn? Đọc bài viết này bạn sẽ thấy mình đã quá lãng phí suốt bao năm qua
- 10-08-2021Bài viết đạt IELTS 9.0 của người Việt 16 năm trước: Nội dung gây choáng, chủ nhân càng khiến dân mạng há hốc vì quá đỉnh
- 03-08-2021Làm việc cốt để kiếm tiền hay vì hạnh phúc? Đọc xong bài viết này bạn sẽ thay đổi quan điểm 100%
Mới đây, trên mạng xã hội Thread xuất hiện một bài đăng thu hút được nhiều sự chú ý của cư dân mạng. Theo đó, chủ tài khoản đăng bài chia sẻ một người bạn (23 tuổi, người Việt) đang làm việc tại Mỹ vừa không may qua đời vào ngày 15/8.
Theo lời kể, cách đây 4 tuần, người này xuất hiện triệu chứng nghẹt mũi, hơi chóng mặt, lúc này người bệnh chỉ tưởng là đang bị dị ứng theo mùa. Tuy nhiên, sau 1 tuần triệu chứng không thuyên giảm nên người này đi khám bác sĩ nhưng không tìm ra bệnh, chỉ được phát thuốc giảm đau để uống.
2 tuần trước, người này tiếp tục đến gặp bác sĩ chuyên khoa thì được chẩn đoán bị viêm khớp dạng thấp. Sau đó 1 tuần, người bạn của chủ tài khoản nêu trên bắt đầu đau mỏi chân tay đến nổi không đi lại được. Và sáng ngày 15/8, chỉ đúng 4 tuần từ sau khi xuất hiện triệu chứng khó chịu, người này đã qua đời.
Viêm khớp dạng thấp là gì?
Theo BV ĐKQT Vinmec, viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý khớp viêm mạn tính với cơ chế tự miễn dịch, điều đó có nghĩa là hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể gây viêm (sưng, đau). Đặc điểm lâm sàng là điển hình là viêm nhiều khớp, thường là khớp ở bàn tay, khớp cổ tay, khớp gối đối xứng 2 bên kèm theo cứng khớp buổi sáng và sự có mặt của yếu tổ dạng thấp trong máu.
Bệnh gây tổn thương chủ yếu ở màng hoạt dịch khớp, tổn thương này có thể kéo dài gây viêm mạn tính, xen kẽ các đợt cấp tính và có thể dẫn đến biến dạng khớp, hủy khớp. Viêm khớp dạng thấp không chỉ phá hủy làm tổn thương đến hệ khớp của còn thể mà có thể làm tổn thương đến cả hệ thống cơ thể bao gồm da, mắt, phổi, tim và mạch máu.
Hiện chưa có biện pháp nào có thể phòng viêm khớp dạng thấp, nếu gia đình có người bị viêm khớp dạng thấp cần kiểm tra sức khỏe định kì để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Qua lời kể nêu trên, TS. BS. Hoàng Minh Đức cho biết: "Người này có vài triệu chứng và đã được chuẩn đoán viêm khớp dạng thấp, nếu diễn biến gây viêm cơ tim thì hoàn toàn có thể chết đột ngột".
Thực tế, các trường hợp tương tự không phải là hiếm. Bệnh viện Đại học Mohammed VI (Maroc) năm 2020 đã từng tiếp nhận một bệnh nhân nam 56 tuổi có tiền sử 6 năm mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Ông ta nhập viện vì khó thở kèm theo đau ngực vừa phải mà không có triệu chứng của hội chứng cúm. Chụp MRI tim cho thấy tình trạng giảm động toàn bộ thất trái với phân suất tống máu là 26%. Nó cũng cho thấy tình trạng tăng sinh và tăng cường gadolinium chậm ở thành bên, thành dưới đáy và thành trước đáy dưới màng ngoài tim, khẳng định có 2 trong 3 tiêu chuẩn MRI - thường được sử dụng để thiết lập chẩn đoán viêm cơ tim trong các trường hợp nghi ngờ.
Đây chỉ là một trong số nhiều trường hợp được các nhà khoa học trên thế giới đưa ra để khẳng định rằng viêm cơ tim (cấp) là một trong những biến chứng của viêm khớp dạng thấp.
Bệnh viêm cơ tim là gì?
Viêm cơ tim (cấp) là căn bệnh có diễn biến nhanh, phức tạp, có thể dẫn đến suy tim, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Nó là tình trạng cơ tim bị viêm có thể khu trú hoặc lan tỏa trong cơ tim. Biểu hiện lâm sàng của bệnh khá đa dạng, không đặc hiệu, bao gồm khó thở, sốt, đau tức ngực, rối loạn nhịp tim, sốc tim, tử vong…
Bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng, trong đó, trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có sức đề kháng yếu là đối tượng có nguy cơ cao.
Triệu chứng của viêm cơ tim
Bệnh nhân bị viêm cơ tim cấp tính có thể nhận biết thông qua một số triệu chứng tim mạch như: Đau tức ở phần ngực trái; Có dấu hiệu của rối loạn nhịp tim như: tim đập nhanh bất thường, khó thở, đánh trống ngực, chóng mặt…; Tiếng cọ màng tim nếu có viêm màng ngoài tim kèm theo; Ngất hoặc suýt ngất.
Một số bệnh nhân xuất hiện thêm các triệu chứng toàn thân khi mắc viêm cơ tim cấp như: Sốt cao; Lạnh người; Đau nhức cơ; Da và môi tím tái lại; Phát ban dát sẩn, ban đỏ; Bệnh nhân mắc Chagas có thể kèm theo triệu chứng khó nuốt.
Tuy nhiên, ở những độ tuổi khác nhau thì triệu chứng viêm cơ tim cấp cũng sẽ không giống nhau. Biểu hiện lâm sàng của bệnh cũng có thể thay đổi nhanh.
Nguyên nhân gây viêm cơ tim
Nguyên nhân gây viêm cơ tim có 2 loại là truyền nhiễm và không truyền nhiễm.
- Nguyên nhân truyền nhiễm bao gồm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và xoắn khuẩn Borrelia burgdorferi. Trong đó, virus phổ biến nhất gây viêm cơ tim là Coxsackie và echoviruses. Ngoài ra, các mầm bệnh virus khác gây suy giảm hệ miễn dịch nghiêm trọng như HIV, viêm gan B, C, Parvovirus B19... Các vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể và gây ra các triệu chứng viêm cơ tim cấp điển hình là Clostridium, legionella, Salmonella, bệnh lao… Ký sinh trùng thường gặp là: Toxoplasma, trypanosoma cruzi, ký sinh trùng gây bệnh Chagas…
- Những nguyên nhân không truyền nhiễm gây bệnh viêm cơ tim bao gồm:
Bệnh viêm ruột hoặc viêm động mạch tế bào khổng lồ;
Viêm cơ tim tăng bạch cầu ái toan;
Bệnh mạch máu collagen;
Bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp hoặc lupus;
Do tiếp xúc với các hóa chất độc hại như hydrocarbon tia xạ hay kim loại nặng;
Các chất gây độc tim.
Làm gì để phòng chống viêm cơ tim?
Theo BV ĐKQT Vinmec, hiện nay, chưa có phương pháp phòng ngừa đặc hiệu cho viêm cơ tim, tuy nhiên, bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau đây để hạn chế nguy cơ mắc bệnh:
- Thực hiện dự phòng viêm cơ tim bằng cách vệ sinh sạch sẽ, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh nguy cơ nhiễm trùng.
- Loại bỏ các thuốc làm tăng nguy cơ bệnh và làm nặng thêm tình trạng bệnh (các thuốc độc với tim, rượu, bia, chất kích thích).
- Phòng tránh những hành vi nguy cơ cao gây nhiễm trùng cơ tim liên quan đến HIV (không dùng chung bơm kim tiêm, quan hệ tình dục an toàn và không sử dụng ma túy bất hợp pháp).
- Cần tránh tiếp xúc với côn trùng: Người bệnh nên hạn chế tối đa bộc lộ vùng da tiếp xúc với côn trùng ( Mặc áo sơ mi dài tay và quần dài để che phủ vùng da).
- Tránh những nơi bụi rậm, nếu đến khu vực rừng núi dùng thuốc diệt côn trùng.
- Tiêm vaccine phòng bệnh: Người bệnh nên được bác sĩ tư vấn tiêm các vaccin phòng bệnh, bao gồm cả những loại vaccine phòng rubella, vaccin phòng cúm, là những bệnh có thể gây viêm cơ tim.
- Cần hạn chế tiếp tiếp xúc với người mắc cúm hoặc nhiễm virus cho đến khi người đó hồi phục, đặc biệt những người suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý mạn tính.
- Cần đến ngay cơ sở y tế nếu bạn có triệu chứng đau ngực và khó thở khi đang có biểu hiện nhiễm trùng hoặc nhiễm virus. Nếu bạn có các triệu chứng nghiêm trọng, hãy đến ngay phòng cấp cứu hoặc gọi trợ giúp y tế khẩn cấp.
Thanh niên Việt