MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sáng nay Ban tiếp xúc công dân Quận 2 gặp gỡ người dân Thủ Thiêm

20-07-2019 - 08:55 AM | Xã hội

Theo giấy mời, ngày 20/7, người dân Thủ Thiêm sẽ gặp gỡ với Ban tiếp xúc công dân Quận 2 để ban này lắng nghe, ghi nhận các ý kiến, nguyện vọng của bà con. Tiền Phong ghi nhận một số ý kiến của người dân nơi đây.

“10 năm rồi tôi chưa nhận được đồng bồi thường nào” (Bà Phạm Thị Tầm, 75 tuổi, cán bộ hưu trí, 50 tuổi Đảng, khu phố 1, phường Bình An, Quận 2)

Đất của gia đình tôi có khoảng 200m2, cách đây 10 năm đang có 7 phòng trọ cho thuê. Giá mỗi phòng là 1 triệu đồng/tháng, có thu nhập vị chi là 7 triệu/tháng. Đất của gia đình tôi là ngoài ranh quy hoạch 4,3ha. Năm 2011, chúng tôi được thông báo là phải giải tỏa nhưng chính quyền quận 2 không thông báo rõ ràng là chúng tôi phải đi đâu và giá đền bù giải tỏa là bao nhiêu.

Sáng nay Ban tiếp xúc công dân Quận 2 gặp gỡ người dân Thủ Thiêm - Ảnh 1.

Bà Phạm Thị Tầm và giấy mời ghi nhận ý kiến người dân vào ngày 20/7 của UBND quận 2

Chúng tôi không đồng ý thì địa phương có cử người đến đưa quyết định cưỡng chế, giải tỏa (tất cả là 3 quyết định). Rồi chính quyền đưa lực lượng xuống cưỡng chế, đập hết nhà chúng tôi và cả 7 phòng trọ đang cho thuê. Từ đó cho đến nay, suốt gần 10 năm, gia đình tôi chưa nhận một đồng tiền đền bù nào. Coi như mất trắng đất lẫn kế sinh nhai của cả gia đình 3 con, 4 cháu của tôi. Còn một miếng đất nhỏ phía sau, gia đình tôi cất mái nhà tạm để chui ra, chui vào và bán tạp hóa nhì nhằng sống qua ngày. Cái nhà này không có hộ khẩu, địa chỉ, điện nước gì cả, tất cả giấy tờ đều bị “treo” lại hết.

Chúng tôi sống lay lắt như vậy gần 10 năm rồi, chịu bao khổ cực. Bây giờ, tôi chỉ muốn được đền bù thỏa đáng gần 200m2 đất. Rồi chúng tôi tái định cư tại chỗ bằng đất nền cho yên bề, ổn định cuộc sống. Chính quyền khi đền bù cũng phải làm rõ những mất mát, thiệt thòi về tinh thần mà gần 10 năm qua, chúng tôi đã phải cắn răng chịu đựng.

“Chúng tôi đã quá mệt mỏi rồi” (Bà Hồ Thị Phụng Anh, 69 tuổi, khu phố 1, phường Bình An, quận 2)

Căn nhà của chúng tôi nằm ngoài ranh, đã bị đập 2/3 từ cách đây 10 năm rồi. Hiện chúng tôi cất một căn nhà tạm phía sau để có chỗ trú mưa, trú nắng. Căn nhà này không được xây kiên cố nên tường đã bị hỏng phải trám lại. Còn mưa như mấy bữa nay nước ngập vô nhà đến đầu gối, mọi sinh hoạt đều bị đảo lộn. Đất của chúng tôi có 182m2, hồi đó áp giá đền bù chỉ có 180 triệu.

Gia đình tôi khiếu nại, mãi được nâng lên 200 triệu đồng. Nhà nước lấy đất của người dân để phục vụ phát triển chúng tôi đồng ý, nhưng phải có giá đền bù cho vừa lòng dân, phải hợp lý và thỏa đáng. Chúng tôi đã quá mệt mỏi rồi, chỉ muốn ổn định cuộc sống. Giải tỏa, di dời chúng tôi đi chỗ khác thì phải cho hợp lý, phải tương xứng với giá trị đất đai của chúng tôi.

“Chúng tôi cần ổn định cuộc sống” (Ông Nguyễn Văn Hơn, 57 tuổi, phường An Lợi Đông, Quận 2)

Tôi là “thợ đụng” (đụng đâu làm đó, ai kêu gì cũng làm) kể từ ngày bị đập nhà. Từ đó, cả gia đình vất vưởng, vợ, con trai, con gái và mấy đứa cháu sống trong căn nhà bị đập loang lổ, nham nhở. Cả chục năm nay, gia đình tôi mưu sinh nhờ vào chiếc ghe đi chài cá, quăng lưới dọc theo các nhánh sông Sài Gòn. Cá, tôm càng ngày càng “hẻo” nên bữa đói, bữa no. Vậy mà cũng không yên, lâu lâu phường, quận lại kêu lên vận động chúng tôi đi tái định cư ở đâu tít Quận 9 mà giá đền bù, di dời thì không chấp nhận được chút nào. Rồi nào là họp lên, họp xuống để nghe chính quyền giải thích, đối thoại.

Cán bộ giải thích nhưng họ nói dân nghe không lọt, còn đối thoại thì chúng tôi chỉ có thoại mà chẳng một ai đối đáp cho chúng tôi thông. Thôi thì đi thì đi, mặc dù mảnh đất này đã gắn bó với gia đình tôi đến nay là 3 đời, rồi bà con chòm xóm đến nay cũng đã tứ tán cả, chẳng còn một ai thân thích. Nhưng đi cũng phải tái định cư cho chúng tôi thật tương xứng với diện tích và giá trị miếng đất (hơn 400m2) mà chúng tôi đã mất đi, chứ với giá quá bèo không đủ mua một căn chung cư hay nhà ở xã hội thì ai mà chịu cho được. Rồi còn mưu sinh hàng ngày nữa.

Vô ở chung cư, nhà ở xã hội nghĩa là cuộc mưu sinh, buôn bán nhỏ của chúng tôi mất trắng, làm sao sống nổi. Người dân ở đây, hầu hết là nông dân chân lấm tay bùn, buôn bán độ nhật, chẳng có một ai tham lam hay ham muốn cao sang, giàu có gì, họ chỉ muốn sống an lành, bình thường, yên ổn như bao đời người dân đã sống ở đây.

Sáng nay Ban tiếp xúc công dân Quận 2 gặp gỡ người dân Thủ Thiêm - Ảnh 2.

Con trai bà Hồ Thị Phụng Anh chỉ vào bức tường bị xé rách trong căn nhà tạm của gia đình nhưng không được sửa chữa.

Theo Đình Du

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên