MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sao chép đối thủ quá nhanh, Facebook bị cho là "vùi dập" sự sáng tạo ở thung lũng Silicon

13-08-2017 - 09:26 AM | Tài chính quốc tế

“Khi Facebook phát hiện ra một ứng dụng phổ biến, họ nhanh chóng tung ra một đội ngũ kĩ sư xây dựng phiên bản riêng của mình”, một nguồn tin am hiểu chiến lược của Facebook cho biết.

Cách đây 4 năm, Facebook chi trên 150 triệu USD cho một ứng dụng miễn phí được hàng triệu người sử dụng. Ngày nay, ứng dụng có tên là Onavo đó đã trở thành một “vũ khí” ít được biết đến trong chiến lược mở rộng khổng lồ của mạng xã hội này.Onavo giúp Facebook quyết định thứ gì đang được người dùng ưa chuộng, sau đó tung ra những sản phẩm tương tự.Dù ứng dụng Onavo Protect được quảng cáo là sẽ giấu kín các dữ liệu về thói quen của người dùng điện thoại thông minh, Facebook vẫn có thể nhìn thấu người dùng đang làm gì khi họ không sử dụng bộ các sản phẩm của nó gồm Facebook, Messenger, WhatsApp và Instagram.

Công nghệ cho thấy rằng Facebook sẵn lòng “làm mọi thứ”, như là một phần trong chiến lược của mình, để tiến vào những lĩnh vực mới bên ngoài mạng xã hội, thường là bằng cách nhanh chóng bắt chước các đặc tính thành công nhất trong những ứng dụng của các công ty đối thủ, mà “nạn nhân” điển hình gần đây nhất là Snapchat.

“Khi Facebook phát hiện ra một ứng dụng phổ biến, họ nhanh chóng tung ra một đội ngũ kĩ sư xây dựng phiên bản riêng của mình”, một nguồn tin am hiểu chiến lược của Facebook cho biết.

Không ai nói rằng những gì Facebook đang làm là phạm luật. Tuy nhiên, những cuộc phỏng vấn với 20 nhà đầu tư và doanh nhân hàng đầu cho thấy rằng điều đó đang có một tác động sâu sắc đến sự sáng tạo ở thung lũng Silicon, bởi nó làm nản lòng giới đầu tư và startup, khiến họ không còn dám mạo hiểm bỏ tiền bạc và công sức để tạo ra những sản phẩm mà có thể bị Facebook “nhái” (copy) lại.

“Đó là những gì chúng tôi đã làm ở Microsoft. Bất cứ khi nào chúng tôi thấy một mối đe dọa là chúng tôi ‘tấn công’ ngay”, Scott Sandell, giám đốc điều hành của New Enterprise Associates, một công ty đầu tư mạo hiểm đình đám và từng là giám đốc sản phẩm phụ trách mảng hệ điều hành Windows 95 cho đến năm 1995, nói. Năm 1998, tập đoàn này đã bị Bộ tư pháp Mỹ buộc tội vi phạm luật chống độc quyền.

Facebook đã từ chối đưa ra lời bình luận nhưng lưu ý rằng khoảng 100 triệu ứng dụng và doanh nghiệp đang sử dụng các công cụ lập trình của họ hoặc có 1 trang trên Facebook giúp khách hàng cài đặt các ứng dụng.

Mối lo về tầm ảnh hưởng của Facebook xảy ra khi sự cân bằng quyền lực ở thung lũng Silicon đang chuyển từ các startup vào tay của 4 gã khổng lồ Facebook, Apple, Amazon và Google.

Với các kho ứng dụng của mình, Facebook và Google – gần đây bị Liên minh châu Âu (EU) phạt 2,7 tỉ USD do vi phạm luật chống độc quyền – là những “kẻ gác cổng” đối với hàng triệu doanh nghiệp mới. Theo công ty nghiên cứu thị trường Slice Intelligence, 43% trong tổng doanh thu bán lẻ trực tuyến giờ đây chảy vào túi của Amazon và Facebook hiện có gần 1/3 dân số thế giới là người dùng của họ.

“Sự thống trị của những công ty này đang bóp nghẹt thế giới startup. Tôi đã giúp tạo ra một quái vật và tôi hối hận về điều đó”, Roger McNamee, một nhà đầu tư thuở ban đầu vào Google và Facebook, và hiện là nhà sáng lập của công ty đầu tư Elevation Partners, chia sẻ.

Nhiều người ở thung lũng Silicon cho rằng copy là một trò chơi công bằng và tranh luận rằng nó là bản chất của cạnh tranh và lịch sử kinh doanh Mỹ. Trong khi một số nhân vật thuộc giới học thuật bắt đầu đặt câu hỏi liệu có cần thêm luật mới để hạn chế sức mạnh của các ông lớn công nghệ không.

Hầu như không ai ở thung lũng Silicon nghĩ rằng Facebook nên được quản lý thêm nữa, khi một số người cho rằng điều đó bắt buộc các doanh nhân giỏi nhất phải sáng tạo hơn. Những người khác chỉ ra rằng Facebook rất nhanh trong việc copy, nhưng cũng thường xuyên thất bại, nên các công ty khác vẫn còn cơ hội.

Giới đầu tư giờ đây cũng nói rằng họ thích đầu tư vào những mạng “khép kín” mà họ nghĩ rằng Facebook sẽ không đặt chân vào, chẳng hạn như các ứng dụng xã hội dành cho những nhóm riêng biệt -như chuyên gia chăm sóc sức khỏe - hoặc các ý tưởng như blockchain, công nghệ giúp người tiêu dùng có thể chuyển thông tin mà không cho phép các công ty lớn có cơ hội trở thành trung tâm dữ liệu.

Quá gần mặt trời

Nếu mục đích ban đầu của Facebook là trở thành “quảng trường thành phố”, nơi mà mọi người gặp gỡ và chia sẻ những câu chuyện tán gẫu thì ngày nay họ muốn quảng trường náo nhiệt đó có nhiều hoạt động thương mại hơn. Khi các nhà đầu tư mạo hiểm nghe lời chào mời gọi vốn từ các doanh nhân, họ nói rằng một trong những câu hỏi đầu tiên mà họ đặt ra là: “Nó có dễ dàng bị Facebook copy không?”

Càng ngày đó càng là lý do khiến họ từ chối đầu tư, theo các cuộc phỏng vấn với hơn 10 nhà đầu tư hàng đầu, trong đó có cả những người đến từ các quỹ Sequoia Capital và Union Square Ventures.

Tại buổi họp mặt thường niên của Sequoia hồi tháng 3, tránh nói về Google và Facebook là chủ đề chính của các cuộc đàm thoại, Alfred Lin, đồng sở hữu của Sequoia, cho biết.

“Họ đang bóp nghẹt sự phân phối. Chúng tôi không động đến bất cứ điều gì quá gần với Facebook, Google hay Amazon. Nghĩa là, chúng tôi không nghĩ rằng các công ty của mình nên bay quá gần mặt trời”, ông chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.

Thanh Hải

Washington Post

Trở lên trên