MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sao Khuê 2020 “tiết lộ”: Rõ ràng Viettel không còn là công ty viễn thông

08-06-2020 - 17:30 PM | Doanh nghiệp

Những năm trước đây, Tập đoàn Viettel thường thể hiện định hướng một công ty viễn thông rất đậm nét ở các hoạt động, giải thưởng mà mình tham gia. Mọi việc đã thay đổi lớn thời gian gần đây và Sao Khuê 2020 đã "tiết lộ" một bức tranh rất khác.

"Một Viettel khác" nhìn từ Sao Khuê 2020

Với chủ đề "Xung kích chuyển đổi số - Kết nối và Chia sẻ", giải thưởng Sao Khuê 2020 thu hút sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp trên khắp cả nước. Năm nay, có 23 sản phẩm ứng dụng CNTT và chuyển đổi số thuộc 8 đơn vị của Tập đoàn Viettel tham gia đề cử giải thưởng Sao Khuê với 21 sản phẩm đạt giải.

Chiếm gần 20% trong tổng số 112 sản phẩm đoạt giải Sao Khuê năm 2020, Viettel tiếp tục là doanh nghiệp có nhiều sản phẩm nhất được vinh danh tại giải thưởng này. Điều thú vị là 21 giải thưởng này cho thấy một bức tranh khác về những sản phẩm chủ lực, định hình tương lai của Viettel mà không phải là viễn thông truyền thống.

Nhắc tới Viettel, nhiều người dân Việt Nam nghĩ ngay tới hình ảnh nhà mạng quân đội với những sản phẩm và dịch vụ tiên phong trong lĩnh vực viễn thông. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ các sản phẩm đạt giải Sao khuê 2020, hình ảnh này có sự thay đổi lớn.

Hai đại diện của Viettel nằm trong Top 10 Sao Khuê 2020 đều là những sản phẩm 4.0 điển hình: Nền tảng xây dựng tổng đài tự động Callbot cho doanh nghiệp Việt (Cyber Callbot) và Giải pháp giám sát bất thường trên máy trạm (Viettel Endpoint Detection & Response) đều không phải những sản phẩm trong lĩnh vực viễn thông. Trí thông minh nhân tạo với xử lý ngôn ngữ tiếng Việt tự nhiên và đảm bảo an toàn trong không gian mạng cho người dùng cũng là 2 nhân tố cơ bản trong việc kiến tạo một xã hội số - sứ mệnh mới mà Viettel đang theo đuổi sau khi đã có những thành tựu trong lĩnh vực viễn thông.

Thậm chí, ngay cả với sản phẩm đoạt giải Sao Khuê 2020 mang hình bóng viễn thông của Viettel – yếu tố 4.0 cũng được thể hiện rất rõ: Hệ thống định danh khách hàng tập trung và quản lý chương trình khách hàng thân thiết (thường được biết với cái tên Viettel++). Đây là hệ thống đang tạo ra một cuộc cách mạng về chăm sóc khách hàng trong lĩnh vực viễn thông với việc số hoá toàn bộ hoạt động này và cá nhân hoá dịch vụ tới từng khách hàng – điều được coi là không thể trước đây.

Trong tổng số 21 sản phẩm nhận giải Sao khuê năm nay, ngoài 2 ứng dụng như Viettel++, 19 sản phẩm còn lại đều nằm trong các lĩnh vực then chốt khi xây dựng xã hội 4.0 như Chính phủ điện tử, an ninh mạng, thanh toán số… Nó tiết lộ "một Viettel khác" trong tương lai, không còn là hình ảnh của một tập đoàn viễn thông truyền thống mà một tập đoàn của dịch vụ số.

Tuy nhiên, một thành viên ban giám khảo Sao Khuê 2020 – ông Nguyễn Việt Hải – Phó Viện trưởng Viện KHCN VINASSA, có nhận xét khá thú vị về các sản phẩm của Viettel năm nay. Ông Hải nói: "Viettel rất thực tế, đầu tư cho sản phẩm đúng yêu cầu với chi phí hợp lý chứ không đẩy lên cao quá. Nói chính xác thì họ làm sản phẩm mang tính thực tiễn, đầu tư cho công nghệ mới một cách hợp lý chứ không phải để lấy tiếng".

Sứ mênh mới của "một Viettel khác"

Sao Khuê 2020 “tiết lộ”: Rõ ràng Viettel không còn là công ty viễn thông - Ảnh 1.

Các sản phẩm, dịch vụ số thời 4.0 sẽ là xu hướng chủ đạo trong tương lai.

Trả lời truyền thông hồi đầu năm, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, cho biết: "Giữa năm 2018, Viettel tuyên bố bước vào giai đoạn thứ tư trong lịch sử phát triển của mình: Giai đoạn toàn cầu và 4.0. Từ đó, chúng tôi cũng nhận về mình sứ mệnh kiến tạo xã hội số".

Để thực hiện sứ mệnh này, theo ông Lê Đăng Dũng, trước hết Viettel chuyển đổi chính mình trở thành một tổ chức số, được vận hành trên nền tảng số. Hàng loạt các ứng dụng chuyển đổi số đã được ra đời nhằm giải quyết chính những vấn đề mà Viettel đang gặp phải. Viettel cũng tham gia mạnh mẽ vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi số để thực sự hình thành xã hội số ở Việt Nam.

Chuẩn bị cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nền tảng viễn thông và CNTT được xem là điều kiện tiên quyết. Hiện tại, Viettel nằm trong số ít những doanh nghiệp trên thế giới đã thử nghiệm 5G thành công và sẵn sàng đưa vào khai thác. Với những thành tựu trong chuyển đổi số, năm 2020, Brand Finance đánh giá Viettel là nhà mạng có giá trị thương hiệu số 1 Đông Nam Á, nằm trong top 30 toàn cầu và có nhiều triển vọng lọt vào Top 20 trong thời gian không xa.

Bên cạnh việc chuyển đổi số cho chính mình, Viettel cũng đang đóng vai trò tiên phong phát triển và cung cấp các ứng dụng, dịch vụ số, đáp ứng đa dạng các nhu cầu từ quản lý nhà nước tới vận hành của doanh nghiệp hay phục vụ người dân.

Giải Sao Khuê năm nay đã vinh danh 3 ứng dụng của Viettel, ra đời nhằm giúp việc cho Chính phủ trước những đòi hỏi mới của CMCN 4.0. Những giải thưởng này một lần nữa ghi nhận vai trò của Hệ thống Một cửa Quốc gia; Hệ thống Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc (vOffice) và Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (eCabinet) với sự phát triển của Chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy các nhu cầu về dịch vụ số đang phát triển mạnh nhưng chưa có các sản phẩm được tối ưu hoá cũng như đảm bảo an toàn cho người Việt Nam, Viettel đã tấn công vào những lĩnh vực mới. Giải pháp Giám sát An ninh mạng (VCS-CyM); Dịch vụ cơ sở dữ liệu StartDB hay Giải pháp bảo vệ website trên nền Cloud (Cloudrity)… là những sản phẩm số "Make in Vietnam" được Viettel dày công xây dựng và cung cấp.

Số lượng giải thưởng kỷ lục của Tập đoàn Viettel tại Sao Khuê 2020 không chỉ nói lên các kết quả mà công ty này đạt được trong lĩnh vực chuyển đổi số, nó cho thấy khát vọng kiến tạo xã hội số mạnh mẽ mà Viettel quyết tâm thực hiện. Trước đây, Viettel từng tạo ra nhiều thay đổi lớn trong lĩnh vực viễn thông, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam thì giờ đây, công ty này đang khao khát làm được điều tương tự ở kỷ nguyên 4.0.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên