MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sao lại ép lãnh đạo doanh nghiệp phải có bằng?

Thật vô lý khi bắt hàng ngàn lãnh đạo của các công ty du lịch phải đi học để có bằng.

Thông tư 06/2017 của Bộ VH-TT&DL quy định các lãnh đạo công ty du lịch phải có bằng chuyên ngành lữ hành.

Anh bạn chí cốt của tôi là người sáng lập một công ty du lịch , đang tham gia giảng dạy về lữ hành ở các trường cao đẳng và đại học nhưng đọc xong thông tư này vẫn không hiểu Bộ VH-TT&DL muốn gì. Anh bảo: “Các thuật ngữ rối beng và rất lộn xộn”.

Nhưng điều gây bức xúc nhất cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) du lịch là khi nó buộc lãnh đạo các DN phải đi… học lại. Cơ quan quản lý du lịch từng lập luận rằng du lịch là ngành dịch vụ đặc thù nên cần có những quy định ràng buộc về chứng chỉ chuyên môn, bằng cấp. Nhưng quy định thì thiếu thực tế nên không có tính khả thi.

Đặc biệt, từ thực tiễn cho thấy quy định này là không cần thiết, chỉ làm những người kinh doanh tốn thêm thời gian, tiền bạc đi học để lấy bằng.

Đáng nói, nội dung các khóa học để cấp chứng chỉ loại này có khi chỉ là những bài học về nghiệp vụ lữ hành, những nội dung mà lãnh đạo DN đã học hoặc từ kinh nghiệm thực tế đã nắm từ lâu. Đó là chưa kể rất nhiều lãnh đạo DN đang điều hành công ty làm ăn rất hiệu quả, chấp hành rất tốt pháp luật dù không có bằng cấp chuyên ngành.

Mặt khác, trách nhiệm của DN, quyền lợi của khách hàng đã có nhiều quy định ràng buộc. Chẳng hạn để mở một công ty du lịch phải đáp ứng những yêu cầu của Luật DN, quy định của Luật Du lịch.

Mục đích của kinh doanh là lợi nhuận. Các DN chân chính sẽ không ai dám thuê những người tay ngang, thiếu kinh nghiệm và khả năng quản lý dù thừa bằng cấp cả vì trước sau cũng thua lỗ và sạt nghiệp. Kinh nghiệm, năng lực điều hành thực tế và ý tưởng kinh doanh tốt còn giúp lãnh đạo DN điều hành công ty tốt hơn là chỉ học để có bằng cấp.

Thế nên trong điều kiện hiện nay, thay vì quy định máy móc về bằng cấp thì hãy siết chặt việc quản lý bằng cách xử phạt thật nghiêm các vi phạm. Đồng thời mở các lớp quản lý ngắn ngày, khuyến khích các DN cử người đi học, tránh ép buộc.

Trong muôn vàn khó khăn hiện nay, nếu chưa giúp các DN tháo gỡ hoặc tiếp sức thêm cho họ, xin đừng làm khó DN thêm bằng những quy định vô lý, “trói tay buộc chân” kiểu “quân ta hại quân mình” như Thông tư 06/2017.

Đừng để quy định thiếu thực tế này cản trở kinh doanh và tạo ra sự nghi ngờ về sự minh bạch của một chủ trương.


Theo Trần Trung

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên