Sắp chấm dứt đặc quyền xe công
Việc sử dụng xe công là quá lỗi thời, trở thành gánh nặng rất lớn cho ngân sách
- 23-10-2017Bộ trưởng trở lên mới được mua xe công
- 19-10-2017Tổng cục Thuế "quên" thanh lý 12 xe công
- 27-07-2017Hệ lụy từ xe công thanh lý nhưng không sang tên, đổi biển
- 22-07-20177 bộ, cơ quan địa phương thừa xe công nhưng vẫn mua thêm
Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết bộ này đã hoàn thành dự thảo nghị định của Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức sử dụng ô tô, gửi các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị góp ý kiến. Nghị định này sẽ thay thế Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg sau hơn 2 năm thi hành, đồng thời là một trong những bước nhằm triển khai Luật Quản lý, Sử dụng tài sản công có hiệu lực vào đầu năm 2018.
Dự kiến số lượng xe công sẽ giảm 30-50% vào năm 2020 Ảnh: Tô Hà
Theo dự thảo, chỉ có 4 chức danh được sử dụng thường xuyên 1 xe công từ khi đương chức cho đến khi đã nghỉ hưu và không quy định mức giá cụ thể, gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội. Các chức danh được hưởng chế độ xe riêng đưa đón giảm đáng kể, chỉ cấp bộ trưởng trở lên mới được sử dụng xe chức danh với giá trị mua sắm tối đa 1,1 tỉ đồng. Từ cấp thứ trưởng, phó chủ tịch UBND tỉnh (phụ cấp 1,25) trở xuống sẽ không còn chế độ xe riêng, thay vào đó là nhận khoán kinh phí sử dụng xe.
Dự thảo cũng quy định cụ thể việc khoán kinh phí xác định theo từng công đoạn, bao gồm đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan (và ngược lại) đối với chức danh thứ trưởng; đi công tác đối với các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng ô tô phục vụ công tác chung.
Về định mức xe xác định theo biên chế, Bộ Tài chính đề xuất tại các cục, vụ và tổ chức tương đương thuộc bộ đều giảm định mức sử dụng xe công so với quy định hiện hành từ 2 xe/cục và 1 xe/vụ xuống còn 1 xe/đơn vị (đơn vị có số biên chế được duyệt từ 50 người trở lên) và 1 xe/2 đơn vị (đơn vị có số biên chế được duyệt dưới 50 người)… Việc quy định định mức ô tô căn cứ vào biên chế được giao nhằm hạn chế số lượng xe trang bị cho các đơn vị có số lượng công việc ít, biên chế thấp.
Trong một tính toán trước đây, ông Trần Đức Thắng cho biết áp dụng theo định mức, tiêu chuẩn mới, đến năm 2020 số ô tô phục vụ công tác chung có thể giảm từ 30%-50%, tương đương giảm trung bình 10.000 xe/năm. Riêng xe phục vụ chức danh giảm khoảng gần 700 xe. Tính theo thời điểm năm 2016, tổng kinh phí "nuôi" 1 chiếc xe công mỗi năm khoảng 320 triệu đồng (bao gồm cả lương lái xe) thì dự kiến ngân sách sẽ tiết kiệm khoảng 3.400 tỉ đồng/năm. Tổng số tiền ngân sách bỏ ra mỗi năm cho xe công hiện nay lên tới 12.800 tỉ đồng.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, cho biết Hải Dương đang góp ý cho dự thảo. Sở này hiện có 1 xe phục vụ giám đốc, 1 xe phục vụ 3 phó giám đốc và 1 xe 16 chỗ phục vụ công tác chung. Để vận hành, đơn vị có 3 lái xe thuộc biên chế.
"Chúng tôi tính trong vòng 5 năm, tiền sửa chữa, bảo dưỡng đã bằng tiền mua một xe mới nhưng vẫn không được mua. Đó là chưa kể bảo hiểm, đăng kiểm, xăng xe, trả lương lái xe là chi phí khổng lồ. Nếu tính chi tiết một năm đi công tác bao nhiêu lần rồi thuê xe cho anh chị em đi công tác thì tiết kiệm được rất nhiều so chi phí nuôi xe. Cho nên, mạnh dạn khoán xe là rất hợp lý, chỉ bất tiện lúc ban đầu, quen rồi sẽ thấy bình thường" - bà Nga nói.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (Đồng Nai) bình luận việc sử dụng xe công lâu nay ai cũng nhận thấy quá lỗi thời, trở thành gánh nặng rất lớn cho ngân sách. Đã nói khoán xe hàng chục năm rồi nhưng chưa thực hiện được vì trên danh nghĩa, xe công được coi là phương tiện nhưng thực chất là đặc quyền nên thường lạm quyền, khó bỏ. Chính phủ có thể tính phương án thành lập một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho chính các cơ quan trong Chính phủ trên cơ sở sử dụng lại phương tiện và lái xe dôi dư. Như vậy vừa giải quyết được vấn đề sắp xếp lại hàng ngàn lao động và phương tiện theo hướng thị trường hóa. Khi vào doanh nghiệp, họ sẽ tính toán hiệu quả kinh tế thay vì cơ chế hiện nay, lái xe đưa đón lãnh đạo đi họp rồi "chơi dài" chờ đón, rất lãng phí.
Cả nước có 37.286 xe công
Tính đến ngày 31-12-2016, cả nước có 37.286 xe công với tổng nguyên giá hơn 23.986 tỉ đồng (chiếm 2,3% tổng giá trị tài sản nhà nước). Trong đó, chủ yếu là xe phục vụ công tác chung (21.114 chiếc); xe phục vụ chức danh là 860 chiếc. Tính riêng năm 2016, cả nước mua mới và tiếp nhận 2.166 xe công với tổng nguyên giá hơn 2.015 tỉ đồng. Trong đó có 1.002 chiếc tăng do việc tiếp nhận, điều chuyển giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị, mua mới là 1.164 xe. Số xe công giảm do thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy là 2.085 chiếc với tổng nguyên giá hơn 1.094 tỉ đồng.
(Nguồn: Báo cáo của Bộ Tài chính)
Người lao động