MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sắp có hướng dẫn cụ thể về thí điểm xử lý nợ xấu

15-09-2017 - 18:09 PM | Tài chính - ngân hàng

Ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo 89 văn bản quy định chi tiết 13 luật, nghị quyết...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo 89 văn bản quy định chi tiết 13 luật, nghị quyết được Quốc hội khóa 14 thông qua tại kỳ họp thứ 3.

Theo danh mục, các bộ, ngành được giao soạn thảo 40 nghị định của Chính phủ, 4 Quyết định của Thủ tướng và 45 Thông tư để quy định chi tiết thi hành 13 luật, nghị quyết, gồm: Nghị quyết số 42/2017/NQ-QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Luật Quản lý ngoại thương; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Du lịch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015; Luật Đường sắt; Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Thủy lợi; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo 5 nghị định quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo 3 nghị định, Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo 1 nghị định quy định chi tiết Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo 14 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an mỗi bộ chủ trì soạn thảo 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Bộ Giao thông vận tải chủ trì soạn thảo 2 nghị định, 18 thông tư quy định chi tiết Luật Đường sắt (sửa đổi);...

Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo văn bản phải trực tiếp chỉ đạo, tập trung ưu tiên, bố trí nhân lực và kinh phí cho việc nghiên cứu soạn thảo các văn bản, bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Chính phủ, Thủ tướng theo quyết định này; đồng thời chủ động ban hành các thông tư quy định chi tiết các nội dung được luật, nghị quyết giao, bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, nghị quyết, không để tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản.

Cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với một số văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng được xác định cụ thể theo danh mục phân công; đối với các văn bản còn lại, căn cứ từng trường hợp cụ thể, cơ quan chủ trì soạn thảo có thể đề nghị Thủ tướng cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Các cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ trong quá trình xây dựng, ban hành đối với từng văn bản; thường xuyên đôn đốc, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và người đứng đầu được phân công trong việc xây dựng, trình ban hành văn bản công khai nội dung công việc, tiến độ, tên chuyên viên đơn vị theo dõi và lãnh đạo phụ trách, kết quả cụ thể từng giai đoạn.

Trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo văn bản, nếu có khó khăn, vướng mắc, cơ quan chủ trì soạn thảo phải chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan giải quyết hoặc kịp thời báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng hoặc Phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực.

Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ cử cán bộ, công chức tham gia soạn thảo, chỉnh lý và theo dõi ngay từ đầu, liên tục suốt quá trình xây dựng, trình ban hành các nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng; tiến hành thẩm định, tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ, trình các dự thảo nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quy chế làm việc của Chính phủ.

Định kỳ ngày 20 hằng tháng, cơ quan chủ trì soạn thảo cập nhật thông tin điện tử về tình hình, tiến độ soạn thảo và hằng quý, gửi báo cáo về tình hình xây dựng văn bản được phân công về Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ.

Theo Bảo Quyên

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên