MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sắp có Liên minh các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam

Đại dịch Covid-19 gây ra khó khăn trong việc di chuyển khiến dòng vốn đầu tư vào startup Việt Nam bị chững lại, nhưng các quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn đánh giá Việt Nam là thị trường ưu tiên hàng đầu tại Đông Nam Á trong năm 2021 tới.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm các thị trường thay thế. Việt Nam, với GDP bình quân 5 năm gần nhất, từ 2015-2019, đạt 6.76% và kiểm soát tốt sự lây lan của dịch bệnh, đang trở thành điểm đến tiềm năng cho các nhà đầu tư quốc tế.

“Các nhà đầu tư đang có sự tin tưởng rất lớn vào tiềm năng của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam và kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành thị trường đầu tư lớn trong khu vực và thế giới,” bà Hoàng Thị Kim Dung, Trưởng đại diện quỹ đầu tư Nhật Bản Genesia Ventures tại Việt Nam chia sẻ tại hội thảo “Thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” ngày 23 tháng 10 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng theo báo cáo của Do Ventures năm 2020, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore và Indonesia.

Cần chuẩn bị kỹ càng và có kế hoạch cụ thể trước khi gọi vốn đầu tư

Đứng trước cơ hội này, startup Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận làn sóng đầu tư trong thời gian tới.

“Các startup cần chuẩn bị tài liệu cho nhiều hoàn cảnh khác nhau. Cuộc gặp với nhà đầu tư có thể kéo dài 10 phút, 2-3 tiếng hay 30 giây trong thang máy, do đó cần chuẩn bị sẵn sàng, đặc biệt là phải tóm tắt được công việc kinh doanh của mình trong một câu ngắn gọn để thu hút sự chú ý của nhà đầu tư,” ông Nguyễn Xuân Đông, đồng sáng lập Ecomobi chia sẻ tại hội thảo.

Tuy vậy, startup không nên gọi vốn bằng mọi giá. “Phải xác định rõ mục tiêu gọi vốn chứ không phải gọi vốn theo phong trào. Đừng gọi vốn cho vui, đừng thấy doanh nghiệp đang cạnh tranh với mình gọi vốn thì mình cũng gọi vốn,” ông Đông góp ý.

Pháp lý cũng là vấn đề mà các startup cần lưu ý khi gọi vốn.

“Hiện tại chưa có quá nhiều startup ở Việt Nam quan tâm đến vấn đề về luật, đôi lúc dẫn đến vấn đề hậu đầu tư gặp nhiều vấn đề và quá trình nhận vốn đầu tư tốn nhiều thời gian,” ông Bùi Thành Đô, giám đốc và đồng sáng lập Thinkzone Ventures, chia sẻ. Theo ông, startup thường chưa thực sự coi trọng vấn đề về các điều khoản trong hợp đồng, dẫn đến các thương vụ đầu tư thường có lợi cho nhà đầu tư một cách không công bằng.

The KAfe là một ví dụ tiêu biểu trong trường hợp này. Do hết vốn nên The KAfe phải huy động từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên do thời điểm gọi vốn muộn nên chuỗi cửa hàng này bị ép giá, cùng với đó là các điều khoản có lợi cho nhà đầu tư. Đến khi công việc kinh doanh có vấn đề thì các điều khoản này được kích hoạt, khiến cổ phần của bà Đào Chi Anh, người sáng lập The KAfe liên tục giảm đi, và cuối cùng bà đã phải rời chiếc ghế CEO của công ty.

Văn hóa người Á Đông trường tránh né những sự va chạm, đặc biệt trong quá trình nhạy cảm như hoàn thiện hợp đồng gọi vốn. “Tuy nhiên phần lớn kết thúc là cái giá phải trả vô cùng đau thương dành cho startup,” ông Hoàng Minh Đức, Luật sư cấp cao tại Duane Morris chia sẻ. Do đó, cần thiết startup phải hiểu nội hàm, hiểu bản chất của các điều khoản trong hợp đồng, từ đó có định hướng nhất định để xử lý nếu có vấn đề phát sinh.

Tuy nhiên chi phí để thuê luật sư đồng hành trong các thương vụ gọi vốn là điều không phải startup nào cũng có khả năng chi trả. “Các bạn startup cần phải tích cực tìm hiểu thông tin trên mạng, đồng thời có thể tranh thủ đến các hội thảo chuyên môn để trao đổi thông tin và nhận được tư vấn từ các luật sư,” ông Đức chia sẻ một số phương án.

Lựa chọn nhà đầu tư vì các giá trị khác ngoài tiền

Chia sẻ tại hội thảo, Bà Dung và ông Nguyễn Hoàng Việt, Giám đốc đầu tư tại VIGroup đã chỉ ra những sự khác biệt cơ bản giữa quỹ nội và quỹ ngoại. Theo đó, quỹ ngoại thường có mạng lưới đối tác ở rất nhiều quốc gia khác nhau, do đó có thể hỗ trợ startup nhiều trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh ra các thị trường khác. Trong khi đó, quỹ nội thường có sự am hiểu sâu rộng về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, có đội ngũ nhân lực sẵn sàng hỗ trợ startup về các vấn đề pháp lý, kế toán, tài chính.

Theo thống kê của Văn phòng Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844), trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam hiện nay có khoảng gần 100 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, trong đó có khoảng 20 quỹ nội. Mỗi quỹ đầu tư lại có khẩu vị, mạng lưới, thế mạnh khác nhau, do đó startup cần tìm hiểu thật kỹ và phân nhóm nhà đầu tư tiềm năng theo định hướng và mục tiêu phát triển của mình.

“Sự hỗ trợ của các quỹ đầu tư mạo hiểm phụ thuộc rất lớn vào nguồn lực của quỹ hiện diện tại thị trường Việt Nam,” ông Việt kết luận.

Bà Dung cũng nhấn mạnh “quỹ nội và quỹ ngoại có xu hướng kết hợp nguồn lực với nhau để cùng đầu tư cho startup Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh Covid khi nhà đầu tư ngoại bị hạn chế di chuyển thì hình thức hợp tác này càng được đẩy mạnh”.

Startup cần có sự tìm hiểu kỹ càng về các nhà đầu tư sẽ tham gia vào vòng gọi vốn tiếp theo của mình. Ngoài ra, do mỗi nhà đầu tư đều có một vài startup trong danh mục đầu tư của mình, nên “startup cùng được đầu tư bởi một nhà đầu tư cần có sự kết nối chặt chẽ với nhau, hướng tới hình thành các cộng đồng nhỏ để có thể thường xuyên trao đổi thông tin,” ông Việt nhận định.

Sắp có Liên minh các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam - Ảnh 1.

Tọa đàm với chủ đề: Làm thế nào để tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho thị trường Việt Nam

Hướng tới hình thành Liên minh các quỹ đầu tư Việt Nam

Bà Dung chia sẻ “Do không thống nhất được giữa các nhà đầu tư nội, nhà đầu tư ngoại và nhà đầu tư thiên thần nên quá trình giải ngân cho startup sau khi đã ra quyết định đầu tư mất đến hơn 6 tháng, cộng với thời gian startup chuẩn bị gọi vốn khoảng 12 tháng trước đó. Tổng thời gian để cả thương vụ diễn ra là gần 18 tháng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của startup”.

Do đó cần thiết phải có một nền tảng chung để tất cả các nhà đầu tư nội, ngoại, nhà đầu tư thiên thần hay tất cả các hình thức đầu tư khác có thể trao đổi, thống nhất, giảm thiểu tối đa thời gian để cho các startup có thể nhanh chóng kết thúc hoạt động gọi vốn và tập trung vào phát triển kinh doanh.

“Việc quan trọng nhất khi gọi vốn là phải chuẩn bị kỹ. Nhưng lưu ý là đừng dành toàn bộ thời gian vào việc đi tiếp xúc với nhà đầu tư để gọi vốn mà phần lớn thời gian nên dành vào việc phát triển hoạt động, đảm bảo công việc kinh doanh không bị gián đoạn. Một trong những lỗi rất lớn và startup hay gặp phải là không đạt được KPIs như trong bản thuyết minh gọi vốn, khiến startup bị đánh giá không tốt ở nội dung này và dẫn đến kết quả không gọi được vốn thành công,” ông Đông chia sẻ.

Trong phiên thảo luận tại hội thảo, Ông Bùi Thành Đô, giám đốc và đồng sáng lập Thinkzone Ventures cho biết ông đang trong quá trình kêu gọi các quỹ đầu tư, công ty luật tham gia vào Liên minh các quỹ đầu tư, với mục tiêu đem tiếng nói, nguyện vọng của thị trường đến cho những nhà hoạch định chính sách, để từ đó từng bước cải thiện môi trường đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam. Đồng thời Liên minh cũng là nơi để mọi người chia sẻ thông tin về các thương vụ đầu tư, startup tiềm năng, từ đó thúc đẩy quá trình trao đổi thông tin trong hệ sinh thái.

“Liên minh sẽ phối hợp chặt chẽ với Đề án 844 để cùng nhau thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam,” ông Đô kết luận.

Hội thảo “Thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” do Văn phòng Đề án 844 phối hợp với UPGen Việt Nam, Thinkzone Ventures, Công ty cổ phần Netnam và công ty DQN tổ chức vào ngày 23/10/2020. Hội thảo nằm trong chuỗi các sự kiện bên lề hướng đến "Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Techfest 2020", sự kiện thường niên lớn nhất dành cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cả nước.

Techfest quốc gia 2020 sẽ được tổ chức từ ngày 27-29/11 tại Đại học Kinh tế Quốc dân, thành phố Hà Nội, hứa hẹn sẽ là nơi gặp gỡ, trao đổi của gần 500 startup, 250 nhà đầu tư và chuyên gia, hơn 200 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, trường đại học, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.

Đề án Hỗ trợ Hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo (Đề án 844)

Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (gọi tắt là Đề án 844) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành vào ngày 18/5/2016 giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện. Đề án có mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thiết lập được Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp.

H.S

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên