MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sắp hết cảnh "biển" người xếp hàng chen chúc bốc thăm mua nhà ở xã hội

18-04-2024 - 07:31 AM | Bất động sản

Cảnh người dân xếp hàng dài chờ bốc thăm xuất mua, thuê nhà ở xã hội NHS Trung Văn vào tháng 5/2023.

Cảnh người dân xếp hàng dài chờ bốc thăm xuất mua, thuê nhà ở xã hội NHS Trung Văn vào tháng 5/2023.

Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, nghị định tới đây quy định, ngoài bốc thăm trực tiếp, có thể bốc thăm trực tuyến, nên người dân không phải đến sớm xếp hàng vào bốc thăm mua nhà ở xã hội như trước.

Tại tọa đàm "Gỡ vướng phát triển nhà xã hội", ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: Quốc hội đã ban hành các luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai… có hiệu lực từ 1/1/2025.

Tuy nhiên, mới đây, Chính phủ có chỉ đạo các bộ, ngành, quyết tâm xây dựng các văn bản dưới luật sớm, trình Quốc hội để đưa các luật này có hiệu lực từ 1/7/2024 - tức là sớm hơn nửa năm.

Theo ông Hưng, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện dự thảo nghị định về phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), trong 1 – 2 tuần tới sẽ gửi Bộ Tư pháp thẩm định, hoàn thiện và trình xin ý kiến thành viên Chính phủ đầu tháng 5.

Sắp hết cảnh

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Ảnh: Tiền Phong)

Ông Hưng cho biết, trong nghị định này có nhiều nội dung mới.

Về quỹ đất, luật đã quy định UBND cấp tỉnh căn cứ vào mục tiêu nhu cầu NƠXH để bố trí quỹ đất đủ. Trong đó có hai loại quỹ đất, gồm quỹ đất độc lập và quỹ đất nhà ở 20% trong dự án nhà ở thương mại.

Về trình tự thủ tục đầu tư, cũng được rút ngắn so với trước với những quy định hướng dẫn rất cụ thể, làm cơ sở cho địa phương thực hiện một cách thống nhất, tránh tình trạng như thời gian qua mỗi địa phương thực hiện theo trình tự khác nhau. Trong đó đã có việc rút gọn các thủ tục hành chính. Cụ thể, chủ đầu tư đương nhiên được miễn tiền sử dụng đất, không phải đi trình xin miễn như trước nữa.

Về chính sách ưu đãi, Luật Nhà ở và nghị định quy định đã có sự sửa đổi theo hướng, phần đầu tư NƠXH thì chủ đầu tư được hưởng lợi nhuận 10%. Với 20% đất làm dịch vụ thương mại, chủ đầu tư được hưởng toàn bộ lợi nhuận phần kinh doanh thương mại này mà không phải hòa chung vào dự án, nên có sự khuyến khích ưu đãi hơn.

Về mức giá mua, thuê mua cũng được quy định rõ cơ cấu hình thành nên giá NƠXH.

Với trình tự thủ tục mua bán, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, nghị định tới đây quy định, ngoài bốc thăm trực tiếp, có thể bốc thăm trực tuyến, nên người dân không phải đến sớm xếp hàng vào bốc thăm như trước.

Về điều kiện để được mua, thuê mua, luật mới đã rút gọn điều kiện nhiều. Cụ thể, về đối tượng đã rút gọn 1 điều kiện và chỉ còn 2 điều kiện là nhà ở và thu nhập; còn đối tượng thuê thì lượt bỏ tất cả các điều kiện, chỉ cần thuộc nhóm đối tượng mà luật đã quy định cụ thể.

Về điều kiện thu nhập, Bộ đã nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến. Hiện dự thảo nghị định đang đề xuất theo hướng mới, tức là đối với người độc thân có mức thu nhập 15 triệu đồng. Đối với hộ gia đình, 2 vợ chồng tổng thu nhập không quá 30 triệu là đủ điều kiện mua. Mức thu nhập này chỉ cần cơ quan nơi công tác xác nhận mà không cần phải ra cơ quan thuế.

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, các địa phương cũng đã có sự vào cuộc tích cực. Nhiều tỉnh, thành đã quan tâm dành quỹ đất để đầu tư nhà ở xã hội. Cả nước đã quy hoạch 1.316 khu đất với 8.600ha để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trong đó nhiều địa phương dành quỹ đất lớn, như TP HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Long An, Hải Phòng…

Thứ trưởng Bộ Xây dựng thông tin, về kết quả đầu tư nhà ở xã hội, trên cả nước đang triển khai 499 dự án, quy mô 411.000 căn hộ. Kết quả này cho thấy hiệu quả bước đầu của sự vào cuộc của các cấp, các ngành và các địa phương.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cũng thẳng thắn cho rằng, trong quá trình triển khai phát triển nhà ở xã hội có một số khó khăn nhất định.

Đầu tiên là các doanh nghiệp, nhà đầu tư còn gặp khó khăn trong tiếp cận quỹ đất.

Thứ hai là các nguồn vốn, việc tiếp cận nguồn vốn còn khó khăn. Thủ tục hành chính, nhất là thủ tục trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, chọn chủ đầu tư, phê duyệt giá còn mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến quá trình đầu tư của doanh nghiệp. Hiệu quả đầu tư nhà ở xã hội còn thấp, chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Nhiều tỉnh, thành có nhu cầu lớn về nhà ở xã hội vì có nhiều khu công nghiệp, nhưng thực hiện các dự án rất thấp.

Việc giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đạt thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc một số dự án không đảm bảo yêu cầu, một số doanh nghiệp chưa đảm bảo các điều kiện về tín dụng.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, với thực trạng nêu trên, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có những chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp tích cực tham gia vào đầu tư các dự án nhà ở xã hội. Các bộ, ngành đã tích cực tháo gỡ hành lang pháp lý, thể chế liên quan các quy định pháp luật về đất đai, nhà ở. Liên quan nguồn vốn thì ngân hàng nhà nước cũng đang tích cực triển khai tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, dự án; tích cực khoanh nợ, giãn nợ, tổ chức hội nghị tháo gỡ để các doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận nguồn vốn, thúc đẩy đầu tư nhà ở xã hội.

Ông Sinh thông tin, Bộ Xây dựng cùng với các bộ, ngành đã tích cực làm việc với các địa phương để tháo gỡ, đôn đốc, cùng các địa phương tích cực triển khai các dự án nhà ở xã hội, hướng tới mục tiêu hoàn thành đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội. Ông Sinh cho biết, đã làm việc với các tỉnh Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, TP HCM, Hưng Yên, Thái Nguyên… Qua làm việc cho thấy, một số địa phương rất tích cực trong lĩnh vực này, sẽ hoàn thành chỉ tiêu đặt ra của năm 2024 theo Nghị quyết 01. Một số địa phương cần phải tích cực hơn nữa trong việc phát triển nhà ở xã hội.

Phương Hoàng

Đời sống Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên