MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SAP: Khi phòng nhân sự là “đồng minh” chứ không phải “kẻ thù” luôn tìm cơ hội để ép lương

26-11-2017 - 17:43 PM | Doanh nghiệp

SAP tạo ra một Tổng đài HR điện tử, nơi tiếp nhận tức thì các thắc mắc, góp ý hay bất kỳ phản hồi nào từ nhân viên của mình.

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu series "Văn hóa công ty". Series là tập hợp những câu chuyện, bài học và chia sẻ của các doanh nhân về văn hóa công ty của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Mời quý độc giả đón đọc và đóng góp nội dung để series thêm phong phú.

Tuy là thương hiệu hàng đầu về các giải pháp và sản phẩm công nghệ nhưng chiến lược nhân sự của SAP vẫn đảm bảo hướng tiếp cận cực kỳ “con người”. Phòng nhân sự của SAP luôn hướng tới việc trở thành một “đồng minh” thân cận của mỗi nhân viên, luôn tổ chức các hoạt động lắng nghe, chia sẻ và trao đổi thẳng thắn để loại bỏ hoàn toàn ý nghĩ “Phòng nhân sự chỉ muốn giảm lương nhân viên càng nhiều càng tốt để có lợi cho công ty.”

Hỏi nhiều hơn, hiểu sâu hơn

Mô hình “hỏi nhiều hơn, hiểu sâu hơn” được xem là một trong những ý tưởng thành công nhất của bộ phận nhân sự tại SAP trong việc nắm bắt tâm tư của nhân viên và có những quyết sách nhân sự phù hợp để phát triển nguồn lực.

Cụ thể, cấp quản lý có trách nhiệm lắng nghe từ các nhân viên nhiều hơn (ít nhất một quý/ lần) nhằm tìm được “lời giải” cho 3 câu hỏi: (1) Điều gì nhân viên đang làm tốt; (2) Điều gì cần được điều chỉnh trong thời gian tới và (3) Mục tiêu sắp tới trong công việc mà nhân viên mong muốn là gì.

Theo bà Megawaty Khie, Phó chủ tịch phụ trách Chỉ số Thành công khu vực Đông Nam Á của SAP, “Những thay đổi của chúng tôi ở cả việc ứng dụng công nghệ lẫn tầm nhìn chiến lược trong công tác nhân sự đã mang đến nhiều thay đổi tích cực. Mức độ gắn kết của nhân viên SAP những năm gần đây đã tăng lên 24%, với tổng số năm làm việc trung bình của một nhân viên là 5 năm. Đây là một trong những chỉ số giúp chúng tôi công tâm và dễ hình dung được “chất lượng” thực hiện công tác quản trị nhân lực của mình.”

Đặc biệt, để tăng chất lượng tương tác của nhân viên, SAP cũng tạo ra một Tổng đài HR điện tử, nơi tiếp nhận tức thì các thắc mắc, góp ý hay bất kỳ phản hồi nào từ nhân viên của mình. Sau khi ghi nhận nội dung được nhân viên gửi đi, thông tin sẽ được xử lý và chuyển đến những đối tượng chuyên trách liên quan để giải quyết mọi việc một cách nhanh nhất và tốt nhất.

Theo đại diện từ SAP, “Tổng đài” này trước hết cho phép cả người gửi lẫn người tiếp nhận thông tin (phòng Nhân sự) có thể chủ động hơn trong việc điều hành quỹ thời gian làm việc của mình. Từ đó có thể tối ưu hóa năng suất làm việc một cách hợp lý nhất.”

Quản lý nhân sự thời công nghệ

SAP luôn đề cao sức khỏe là một trong những yếu tố hàng đầu mà họ theo đuổi và cam kết mang đến cho nhân viên của mình thông qua các ý tưởng sáng tạo.

Công ty này đưa vào vận hành chương trình “Bác sĩ điện tử” với độ cập nhật và chuẩn y tế chuyên nghiệp. Nhân viên có thể thăm khám tức thì sức khỏe của mình khi có nhu cầu và nhận cố vấn chuyên môn một cách nhanh chóng thay vì phải tự tìm hiểu trên Google mà không biết là đúng hay sai.

Đối với SAP, kiến tạo các không gian giao lưu và quan tâm đến sức khỏe của nhân viên và gia đình thông qua các ứng dụng di động và các mạng lưới kết nối toàn cầu chính là xu hướng chung cho tất cả các chi nhánh khắp thế giới.

Làm việc. Vui chơi. Sống

Tại SAP, có đến 19% nhân sự được cấp trên duyệt cho làm việc tại nhà, trong đó đa phần là các bà mẹ trẻ. Đây là một hướng đi rất táo bạo và đã đem lại lợi ích cho cả hai bên. Một mặt SAP trở nên thu hút hơn đối với các nhân sự mong muốn làm việc tại nhà, điều mà hiện nay ít công ty nào hỗ trợ. Mặt khác, những nhân sự tại nhà này luôn rất hạnh phúc với sự hỗ trợ của SAP và từ đó hiệu quả làm việc của họ cao hơn hẳn lúc trước.

Trích một đoạn tâm sự của Caroleigh Deneen, nhân viên SAP đồng thời là bà mẹ với 4 con nhỏ đang làm việc tại nhà.

“Có thể nói, các bà mẹ là những người làm việc hiệu quả nhất công ty. Hằng ngày tôi phải dậy sớm để giặt 2 thau đồ lớn, đóng gói 4 bữa trưa, chăm sóc 2 con chó ở nhà và tiễn 4 đứa con yêu dấu lên xe bus khi hầu hết các nhân viên toàn thời gian khác còn chưa bắt đầu công việc. Sau khi những đứa trẻ đã đi khỏi, hình ảnh những nụ cười và cái vẫy tay của chúng là một động lực to lớn để tôi có thể bắt đầu ngày làm việc của mình.

Làm việc tại nhà không hề dễ, tôi phải tập trung hết công suất trên mỗi giây vì cứ làm trễ phút nào là thời gian dành cho con của tôi sẽ ngắn lại phút đó. Tôi phải học các sắp xếp ưu tiên công việc, tổ chức các buổi họp hiệu quả, tối giản hóa mọi vấn đề phát sinh để hoàn thành tốt tất cả công việc trong thời gian ngắn nhất. Làm việc tại nhà cho phép tôi thật sự nghỉ ngơi vào những lúc cần thiết, vui chơi và chăm sóc những đứa trẻ, đón và ôm chúng mỗi khi đi học về.

Vì là một công ty công nghệ, các ứng dụng như Lync, họp trực tuyến và các hệ thống hiện đại luôn cho phép tôi kết nối với đồng nghiệp trong lúc ở nhà, nó tạo cảm giác rằng tôi đang thật sự sống.”

Với những cải tiến đó, nhiều năm liền SAP được xướng danh “Nơi làm việc tốt nhất” trên khắp thế giới. Chỉ tính riêng năm 2016, SAP đã giành được 159 giải thưởng về nhân sự và hiệu quả nhân lực tại hơn 36 nước khác nhau.

Theo Lê Thanh Sang

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên