Sáp nhập 631 xã, 16 huyện: Tránh “gom” cơ học cán bộ công chức
Bên lề hội nghị, Báo Giao thông trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn để làm rõ hơn một số vấn đề liên quan.
Ngày 26/3, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 653 của Ủy ban TVQH và lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về Kế hoạch sắp xếp, mẫu hồ sơ Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.
Đến nay có 631 đơn vị hành chính cấp xã và 16 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sáp nhập. Con số này đã phải là con số cuối cùng chưa, thưa ông?
Đây là các đơn vị hành chính chưa đạt cả 2 tiêu chuẩn, đều dưới 50% tiêu chuẩn quy định về dân số và diện tích. Con số này hiện nay đã chốt rồi, tuy nhiên vẫn khuyến khích ở các địa phương tiến hành sáp nhập nếu đảm bảo điều kiện thuận lợi, ổn định và được nhân dân ủng hộ.
Khi sắp xếp nhân sự, theo ông khó khăn nhất là gì?
Trong quá trình sắp xếp, nếu không kết hợp tinh giản biên chế, tạo điều kiện giải quyết số lượng cán bộ công chức dôi dư thì mục tiêu sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ không thể đạt được.
Để triển khai tốt vấn đề này thì trách nhiệm các cấp ủy Đảng và địa phương rất lớn, đặc biệt trách nhiệm người đứng đầu rất quan trọng trong triển khai đánh giá, phân loại cán bộ công chức để thực hiện tốt mục tiêu của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã lần này.
Nhưng vẫn có nhiều ý kiến lo ngại nếu việc sáp nhập theo kiểu cơ học sẽ không đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo của Bộ Chính trị, thưa ông?
Đối với vấn đề này phải bám sát quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như nguyên tắc quy định trong Nghị quyết 653, đó là việc sắp xếp phải gắn với việc thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, gắn với vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, tránh việc gom cơ học đội ngũ cán bộ công chức.
Vì vậy, phải thực hiện đánh giá phân loại. Bên cạnh đó, ngoài việc bố trí đội ngũ cán bộ công chức được bố trí, sắp xếp vào các đơn vị hành chính mới theo đề án thì cũng cần có thêm danh sách cán bộ dôi dư để có thể thực hiện tốt chính sách tinh giản biên chế. Ví dụ, với cán bộ không tái cử do không đủ điều kiện thì có thể thực hiện theo Nghị định 26 của Chính phủ về giải quyết chế độ chính sách cho người chờ hưởng hưu trí do không đủ điều kiện để tái cử.
Khi sáp nhập, việc “xếp ghế” lãnh đạo cũng gây nhiều tâm tư, ai là trưởng, ai là phó cũng là bài toán không đơn giản, thưa ông?
Đây là vấn đề mà Bộ Nội vụ sẽ cùng phối hợp với Ban Tổ chức T.Ư, Ban Công tác đại biểu có văn bản hướng dẫn để giải quyết các vấn đề mọi người quan tâm.
Vậy theo ông, bộ máy mới ở địa phương sau sáp nhập có đủ sức gánh vác và đảm đương trọng trách mới? Và làm thế nào xã hội hóa dịch vụ công ở những nơi mà 2-3 huyện, xã nhập làm một?
Nếu không sắp xếp lại mà vẫn để các đơn vị hành chính không đạt tiêu chuẩn theo quy định thì sẽ gây lãng phí nguồn lực từ ngân sách, không giảm được biên chế. Khi sáp nhập thì góp phần tinh giản biên chế, giảm được gánh nặng ngân sách.
Với việc sắp xếp, sáp nhập trong giai đoạn này tôi tin rằng bộ máy mới có thể đảm bảo gánh vác được nhiệm vụ, thực hiện tốt sứ mệnh lịch sử của mình.
Cảm ơn ông
Báo Giao thông