MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sắp niêm yết cổ phiếu trên HoSE, SIP có gì?

SIP là một trong những công ty phát triển khu công nghiệp (KCN) niêm yết lớn nhất miền Nam với tổng diện tích đất công nghiệp gần 3.200ha.

SIP là một trong những công ty phát triển khu công nghiệp (KCN) niêm yết lớn nhất miền Nam với tổng diện tích đất công nghiệp gần 3.200ha.

Mới đây, Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG (UpCOM: SIP) đã nộp hồ sơ hồ niêm yết hơn 92,9 triệu cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).

Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/8, cổ phiếu SIP giao dịch trên UpCOM với giá 136.900 đồng/cổ phiếu. Như vậy tạm tính theo mức giá trên, vốn hóa của SIP đạt hơn 12.700 tỷ đồng.

Vào ngày 12/8 vừa qua, HoSE cũng đã có văn bản về việc nhận hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG. Theo đó, số lượng cổ phiếu đăng ký niêm yết là 92.904.146 cổ phiếu; Tổ chức tư vấn đăng ký niêm yết là Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.

SIP được thành lập năm 2007 bởi nhóm cổ đông sáng lập gồm Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR), Công ty CP Cao su Phước Hoà (HoSE: PHR), Công ty CP Đầu tư Xây dựng Cao su và các cá nhân khác. Tuy nhiên, tính tới tháng 12/2021, Công ty có 4 cổ đông lớn gồm Đầu tư và Phát triển đô thị An Lộc sở hữu 19,46% vốn điều lệ; ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT sở hữu 9,92% vốn điều lệ; Công ty CP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (HoSE: NTC) sở hữu 8,86% vốn điều lệ; ông Lư Thanh Nhã, Tổng giám đốc sở hữu 7,36% vốn điều lệ và còn lại 54,4% thuộc về nhóm cổ đông khác.

Về kết quả kinh doanh, trong quý II/2022, SIP ghi nhận doanh thu đạt 1.610,5 tỷ đồng, giảm 3,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 265,7 tỷ đồng, giảm 22,4% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 19,7% về còn 12,9%. Doanh nghiệp lý giải nguyên nhân biến động là do đơn vị không phát sinh khoản doanh thu đột biến trị giá 102,4 tỷ đồng từ hoạt động chuyển nhượng quyền thuê đất như quý II năm ngoái.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của SIP đi ngang ở mức gần 3.087 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 501 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ. Trong năm 2022, SIP đặt kế hoạch tổng doanh thu 5.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 835 tỷ đồng, lần lượt giảm 6,8% và 24,8% so với thực hiện trong năm 2021. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm 2022 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 619 tỷ đồng, công ty hoàn thành 74,2% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tại thời điểm cuối quý II, doanh thu chưa thực hiện của SIP đạt 8.061 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng so với đầu năm. Tất cả đầu là các khoản doanh thu nhận trước tiền thuê đất, nhà xưởng trong ngắn và dài hạn.

Sắp niêm yết cổ phiếu trên HoSE, SIP có gì? - Ảnh 1.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/8, cổ phiếu SIP giao dịch trên UpCOM với giá 136.900 đồng/cổ phiếu.

Một điểm đáng chú ý là qua các năm, dù vốn chủ sở hữu của SIP liên tục gia tăng nhưng cơ cấu nợ phải trả trong tổng tài sản của doanh nghiệp này vẫn chiếm tỷ lệ rất cao. Cụ thể, trong năm 2021, ghi nhận tổng tài sản của SIP đạt 17.817 tỷ đồng, trong khi Nợ phải trả chiếm tới 14.519 tỷ đồng, tương đương với 81,4%.

Ghi nhận tại thời điểm kết thúc quý II/2022, tỷ lệ nợ trong tổng tài sản của SIP vẫn chưa có tín hiệu cải thiện. Theo đó, tổng tài sản ghi nhận khi kết thúc ngày 30/06 là 18.922 tỷ đồng, nợ phải trả chiếm tới 15.342 tỷ đồng, vẫn chiếm tới 81,1%, cho thấy mức độ rủi ro tài chính cao trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, theo Chứng khoán ACBS, SIP là một trong những công ty phát triển khu công nghiệp (KCN) niêm yết lớn nhất miền Nam với tổng diện tích đất công nghiệp gần 3.200ha. Công ty hiện có 4 KCN và 4 khu đô thị liền kề các KCN tại TP.HCM , Đồng Nai và Tây Ninh. SIP khác với các công ty BĐS niêm yết khác vì là công ty duy nhất có thể phân phối điện, nước trực tiếp cho khách thuê với doanh thu chiếm xấp xỉ 80% tổng doanh thu. Do đó, hoạt động kinh doanh của SIP ổn định hơn và ít bị ảnh hưởng bởi biến động dòng vốn đầu tư vào các KCN so với các chủ đầu tư khác.

Cũng theo ACBS, mặc dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nhưng SIP vẫn có tốc độ CAGR giai đoạn 2016 - 2021 là 25% đối với doanh thu thuần, đạt 5.578 tỷ đồng năm 2021 và 42% đối với LNST của cổ đông công ty mẹ, đạt 833 tỷ đồng. ACBS cho rằng, kết quả tích cực này chủ yếu nhờ mức tiêu thụ điện, nước của khách thuê tăng mạnh, doanh thu tài chính tăng xấp xỉ 7 lần chủ yếu đến từ lãi tiền gửi và lãi cho vay và nhu cầu thuê đất công nghiệp cao.

"Động lực tăng trưởng chính của SIP trong tương lai là sự tăng trưởng liên tục của mảng phân phối điện, nước, dòng vốn đầu tư nhiều hơn vào phân khúc bất động sản công nghiệp sau COVID-19 và giá cổ phiếu hiện tại chưa phản ánh tiềm năng và giá trị nội tại của công ty", chuyên gia của ACBS đánh giá.

Theo Đình Đại

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên