MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sắp tới, email, số điện thoại cá nhân sẽ được thu thập vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư

09-01-2024 - 07:45 AM | Kinh tế số

Theo quy định mới, từ 1/7 tới đây, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ gồm 26 nhóm thông tin.

26 nhóm thông tin sẽ được thu nhập vào Cơ sở dữ liệu

Luật Căn cước công dân hiện nay quy định 15 trường thông tin được thu thập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, luật Căn cước sắp có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, số thông tin được thu thập, cập nhật tăng lên 26:

Các nhóm thông tin bắt buộc gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh. Đây là nhóm thông tin để tạo lập số định danh cá nhân, giúp phân biệt người này với người khác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ công tác quản lý dân cư. Nếu thiếu bất kỳ thông tin nào trong 4 nhóm này thì công dân không được ghi nhận trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Sắp tới, email, số điện thoại cá nhân sẽ được thu thập vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư - Ảnh 1.

Email, số điện thoại cá nhân sẽ được thu thập vào cơ sở dữ liệu từ 1/7. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Báo Cần Thơ

Các nhóm thông tin khác gồm: Quê quán; dân tộc, tôn giáo; nơi thường trú; nơi tạm trú; nơi ở hiện tại; nhóm máu; số định danh cá nhân; họ tên khác; số chứng minh nhân dân 9 số; số điện thoại di động; email (hòm thư điện tử)… Các nhóm thông tin này để phục vụ các mục tiêu sau:

- Xác định thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính, thông tin địa vị pháp lý, quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân.

- Phục vụ công tác cấp cứu, xây dựng nguồn máu dự phòng, nghiên cứu khoa học, xây dựng kế hoạch phát triển, dự phòng y tế.

- Thích ứng với công tác chuyển đổi số trong từng thời kỳ, xây dựng Chính phủ số, công dân số.

- Trong đó, việc thu thập số điện thoại và email cá nhân nhằm bảo đảm sự liên lạc giữa cơ quan nhà nước với người dân; cũng như thực hiện xác thực khi tạo lập, sử dụng căn cước điện tử hoặc thực hiện giao dịch với cơ quan nhà nước. Ngoài ra, việc thu thập 2 trường thông tin trên còn phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, tuyên truyền chính sách, cung cấp tin tức phòng chống tội phạm, xử lý tình huống đột xuất, phức tạp về quốc phòng, an ninh.

Thông tin được đảm bảo tính bảo mật, an toàn

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu duy nhất của nhà nước được quản lý, giám sát bởi đội ngũ cán bộ chuyên môn về công nghệ thông tin, an ninh mạng.

Cơ sở dữ liệu này là cơ sở dữ liệu dùng chung của cơ quan nhà nước, được kết nối, chia sẻ, phân cấp, phân quyền khai thác, sử dụng thông tin tới toàn bộ các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương.

Sắp tới, email, số điện thoại cá nhân sẽ được thu thập vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư - Ảnh 2.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu dùng chung của cơ quan nhà nước. Ảnh: Công an nhân dân

Việc truy xuất thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, nhanh chóng, thuận lợi nhưng vẫn bảo đảm tính bảo mật, an toàn thông tin.

Theo Bộ Công an, nếu không lưu trữ các thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà sử dụng phương thức truy xuất từ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác thì sẽ dẫn đến các khó khăn, bất cập như: Không bảo đảm hiệu quả về kinh tế, khi nhà nước phải tốn nhiều chi phí để đầu tư xây dựng, phát triển các cơ sở dữ liệu khác đáp ứng được yêu cầu về kết nối, chia sẻ, khai thác, bảo mật.

Đồng thời, không bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất trong việc thu thập, cập nhật, chuẩn hóa thông tin của người dân. Có tình trạng thông tin của 1 người dân trong các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành là khác nhau, không thống nhất. Do vậy, chỉ có thông qua việc đồng bộ, chuẩn hóa khi thu thập, cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau) mới có cơ sở để kiểm tra, xác minh, chuẩn hóa, làm sạch dữ liệu của công dân.




Theo Duy Anh

Đời sống Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên