Sắp truy thu thuế YouTuber
Tổng cục Thuế khẳng định cá nhân có hoạt động kinh doanh dù trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số như YouTube, Google... đều phải kê khai và đóng thuế
- 28-11-2020Nỗ lực tái thiết sản xuất nông nghiệp miền Trung sau thiên tai
- 28-11-2020Bị sếp xúc phạm nhân phẩm, quấy rối... nhân viên có quyền nghỉ việc ngay không cần báo trước
- 28-11-2020Hàng loạt doanh nghiệp, địa phương vào tầm ngắm thanh tra xây dựng năm 2021
Sau hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế - hải quan năm 2020 được tổ chức tại TP Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày 27-11 phối hợp Bộ Tài chính tiếp tục tổ chức hội nghị tương tự tại TP HCM để lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp (DN) phía Nam.
Tăng thuế xe công nghệ 2 bánh?
Tại hội nghị, đại diện Công ty TNHH Thương mại Công nghệ GoViet nêu ý kiến chung quanh việc thu thuế đối với loại hình xe công nghệ. Theo vị đại diện này, Luật Giao thông đường bộ không quy định dịch vụ xe công nghệ 2 bánh là dịch vụ kinh doanh vận tải, do vậy công ty này là DN công nghệ. Với vai trò là nền tảng công nghệ kết nối người dùng với người cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, hiện nay, GoViet chỉ đóng thuế GTGT 10% trên phần doanh thu được chia sẻ, còn đối tác (tài xế) nộp trực tiếp 3% trên phần thu nhập của họ. Trong khi đó, Nghị định 126 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế (có hiệu lực từ ngày 5-12-2020) lại yêu cầu các tổ chức có trách nhiệm khai báo thuế GTGT trên toàn bộ doanh thu. Đại diện GoViet đề nghị Tổng cục Thuế giải thích rõ điều này.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, giải thích theo quy định tại Nghị định 126, trong trường hợp này, trách nhiệm kê khai và nộp thuế thuộc về DN. Theo đó, DN phải kê khai thuế GTGT 10% trên tổng doanh thu và sẽ được khấu trừ đầu vào. Còn người lái xe 2 bánh chỉ phải chịu thuế thu nhập cá nhân 1,5% trên phần thu nhập được hưởng, trong trường hợp thu nhập chịu thuế trong năm từ 100 triệu đồng trở lên.
Chưa hài lòng với phần trả lời của lãnh đạo Tổng cục Thuế, bên lề hội nghị, đại diện GoViet tiếp tục truy vấn cơ quan chức năng: "Rõ ràng Nghị định 126 hơi ngược so với Luật Thuế GTGT và một số nghị định, thông tư khác về hướng dẫn thuế. Chúng tôi hiểu rõ hình thức kinh doanh xe công nghệ 4 bánh đã được quy định là kinh doanh dịch vụ vận tải. Còn xe công nghệ 2 bánh chưa được quy định là kinh doanh dịch vụ vận tải, tức vẫn là loại hình hợp tác kinh doanh. Như vậy, DN chỉ chịu 10% thuế GTGT trên phần doanh thu chia sẻ, còn tài xế phải chịu 3% trên thu nhập của họ".
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh một lần nữa nhấn mạnh trách nhiệm kê khai thuế GTGT thuộc về DN, bởi xét cho cùng, thuế GTGT là loại thuế tiêu dùng, đánh vào khách hàng chứ không phải đánh vào tài xế. Trong trường hợp có sự xuất hiện của DN thì DN phải chịu mức thuế 10% trên tổng doanh thu và được khấu trừ đầu vào để bảo đảm công bằng. "Hướng dẫn thuế theo quy định mới có sự kết hợp quy định giữa Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải. Đây là hoạt động kinh doanh vận tải có điều kiện. Nếu DN còn thắc mắc, có thể gửi câu hỏi tới cả 2 bộ liên quan để nhận được hướng dẫn cụ thể" - ông Minh chốt lại.
Kiểm soát chặt hơn thương mại điện tử
Một trong những quy định mới khiến không ít người thuộc đối tượng nộp thuế, nhất là YouTube r (người sản xuất nội dung trên kênh YouTube), người bán hàng online, người làm nghề tự do… bày tỏ lo lắng trước việc Nghị định 126 quy định ngân hàng thương mại có nghĩa vụ cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế. Theo đó, các cá nhân có thu nhập từ hoạt động trên các nền tảng xuyên biên giới sẽ bị truy thu phần thuế bị bỏ lọt lâu nay.
Chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động, một YouTuber cho biết hầu hết người sản xuất nội dung trên kênh YouTube nhận tiền qua dịch vụ Western Union (dịch vụ chuyển tiền nhanh quốc tế, có trụ sở chính tại Mỹ). Gần đây, đa phần YouTuber đều đã đóng thuế vì sợ bị truy thu sau này. Ngoài ra, vẫn có trường hợp những người có hoạt động trên nền tảng số xuyên biên giới nhận tiền thông qua công ty trung gian và các công ty này "ăn chia" phần trăm hỗ trợ theo thỏa thuận dựa trên doanh thu. Trong tình huống đó, thuế thu nhập do công ty trung gian kê khai.
Trước thực tế nguồn thu nhập thông qua nền tảng xuyên biên giới hiện khá lớn, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động bên lề hội nghị về việc quy định ngân hàng thương mại có cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế liệu có phải để hỗ trợ hoạt động rà soát, truy thu thuế, ông Đặng Ngọc Minh khẳng định: "Đó chính là mục tiêu mà ngành thuế đang hướng tới". Theo ông, luật pháp đã quy định rõ cá nhân có hoạt động kinh doanh dù trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số như YouTube, Google… hay kinh doanh truyền thống đều phải đăng ký và kê khai thuế. Do đó, mọi thu nhập đều cần được rà soát và thu thuế đúng quy định để bảo đảm công bằng.
Liên quan đến việc bảo mật khi cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế, ông Đặng Ngọc Minh thông tin thêm cơ quan thuế có trách nhiệm bảo mật rất lớn về tất cả nội dung thông tin của từng cá nhân, DN, bao gồm cả doanh thu, số thuế, thông tin riêng… chứ không riêng tài khoản ngân hàng. Mặt khác, việc yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng của người dùng là phù hợp với thông lệ quốc tế. "Ngân hàng không thể viện dẫn lý do bảo mật của khách hàng để né tránh trách nhiệm cung cấp thông tin cho ngành thuế bởi ngành thuế lấy thông tin để theo dõi công dân, DN thực hiện đúng nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước. Trước đây, các ngân hàng tại Thụy Sĩ bảo mật tuyệt đối đến 100% nhưng hiện nay đã không còn quy định này nữa" - ông Minh nói thêm.
Tiếp tục hỗ trợ giãn, giảm thuế
Cũng tại hội nghị, ông Chung Thành Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Kế toán Đồng Hưng, đặt câu hỏi: "Bộ Tài chính có giải pháp nào hỗ trợ DN trong năm 2021 khi tình hình kinh tế còn khó khăn?". Ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), trả lời trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội để đưa ra một loạt giải pháp hỗ trợ DN, người dân. Trong năm 2021, bộ sẽ tiếp tục bám sát tình hình thực tế, nghiên cứu để tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, nghiên cứu hướng mở rộng đối tượng gia hạn thuế. Với những ngành tiếp tục chịu ảnh hưởng sau dịch, Bộ Tài chính sẽ tham mưu Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường, cắt giảm các khoản phí khác để giảm chi phí đầu vào, tiếp tục đề xuất giảm thuế thu nhập DN...
Theo Người lao động