SARS-CoV-2 lây qua mắt cao gấp 100 lần so với SARS
Mắt là một con đường quan trọng để virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể, Đại học Hong Kong (Trung Quốc) cho biết.
- 05-05-2020Nghiên cứu của TQ: Phát hiện SARS-CoV-2 trong không khí tại các bệnh viện Vũ Hán
- 04-05-2020Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ có vaccine phòng virus SARS-CoV-2 vào cuối năm nay
- 30-04-2020Bộ phận cơ thể nào của người mắc Covid-19 bị virus Sars-CoV-2 gây tổn thương kinh khủng nhất?
Các thí nghiệm đã tiết lộ rằng "mức độ virus" SARS-CoV-2 tại khu vực khí quản phía trên và kết mạc - lớp tế bào che phủ toàn bộ bề mặt nhãn cầu và mặt trong mi mắt, lớn hơn nhiều so với lượng virus gây nên dịch SARS tại những khu vực này.
Nghiên cứu trên do Tiến sĩ Michael Chan Chi-wai thuộc trường Y tế Cộng đồng, Đại học Hong Kong (Trung Quốc) dẫn đầu. Chuyên gia này là một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên trên thế giới cung cấp bằng chứng cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm sang con người thông qua các bộ phận như mắt, mũi, miệng sau khi công bố phát biện này trên tạp chí The Lancet Respiratory Medicine.
"Chúng tôi đã nuôi cấy các tế bào trong đường hô hấp và mắt của con người trong phòng thí nghiệm và ứng dụng chúng vào việc nghiên cứu virus SARS-CoV-2, so với các virus gây nên dịch SARS và H5N1. Chúng tôi đã phát hiện ra rằng SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm thông qua kết mạc và đường thở khí quản phía trên của con người cao hơn nhiều so với SARS, với mức độ tập trung virus có thể cao hơn từ 80 - 100 lần", Tiến sĩ Chan cho biết.
"Điều này giải thích vì sao dịch Covid-19 có khả năng lây nhiễm cao hơn SARS. Nghiên cứu này cũng nhấn mạnh một sự thật là mắt là một con đường quan trọng gây ra sự lây nhiễm SARS-CoV-2 ở con người".
Nghiên cứu này cũng củng cố thêm các khuyến cáo hiện nay về việc không nên chạm tay vào mắt và cần phải rửa tay thường xuyên để tránh lây nhiễm Covid-19 sau khi các nhà nghiên cứu thuộc Đại học này trước đó đã phát hiện ra rằng, virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại tới 7 ngày trên các bề mặt thép không gỉ và nhựa.
Chuyên gia Chan khẳng định: "Mặc dù có những dấu hiệu cho thấy dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát ổn định ở Hong Kong (Trung Quốc) nhưng tình hình dịch bệnh ở những nơi khác trên thế giới vẫn nghiêm trọng. Có nhiều ca mắc được ghi nhận hàng ngày ở Nga và châu Âu. Chúng ta không thể lơ là cảnh giác".
Các phát hiện từ đội ngũ của chuyên gia Chan và các nhà nghiên cứu khác đặt ra thách thức mới về những khuyến cáo phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng Covid-19, theo đó các nhân viên y tế đã được bảo vệ phù hợp bằng khẩu trang N95 và trang phục bảo hộ mà không cần các loại kính chuyên dụng.
Cuối tháng 1, chuyên gia về hô hấp tại Bệnh viện Đại học Bắc Kinh Wang Guangfa cho biết ông đã bị sốt và viêm họng, khoảng 3 tiếng sau khi mắt ông có các triệu chứng viêm màng kết sau khi trở về Bắc Kinh từ Vũ Hán. Ông Wang sau đó đã được xác nhận mắc Covid-19 với được chẩn đoán rằng mắt của ông có thể là con đường khiến ông lây nhiễm dịch bệnh này.
Dịch Covid-19 ghi nhận các ca mắc đầu tiên tại thành phố Vũ Hán vào cuối tháng 12 năm ngoái. Dịch bệnh này hiện đã khiến hơn 3,9 triệu người mắc trên toàn cầu và hơn 270.000 người tử vong.
VOV