Sát Tết Nguyên đán, lượng kiều hối về Việt Nam tăng cao, đạt kỷ lục 16 tỷ USD
Kinh tế toàn cầu khó khăn, song lượng kiều hối về Việt Nam vẫn đạt kỷ lục 16 tỷ USD, và tiếp tục tăng cao trong thời gian sát Tết Nguyên đán.
- 04-02-2024Hôm nay ngày Lập Xuân, gửi tiền vào ngân hàng sẽ tài lộc cả năm?
- 04-02-2024Nhân viên IT tại một ngân hàng vừa nhận thưởng Tết 100-150 triệu đồng, "leader" nhận thưởng gấp 3
- 04-02-2024Sát Tết Nguyên đán, một "ông lớn" ngân hàng siết nợ nhiều lô đất, nhà xưởng văn phòng của các doanh nghiệp
Lượng kiều hối đạt kỷ lục 16 tỷ USD
Mặc dù kinh tế toàn cầu khó khăn, nhưng dòng kiều hối về Việt Nam vẫn duy trì vị trí trong nhóm 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới. Đáng chú ý, năm 2023, dòng tiền này tăng mạnh, đạt con số kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Báo cáo của Công ty Kiều hối Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank-SBR) cho thấy, đến cuối năm 2023, lượng kiều hối qua Sacombank-SBR tăng gần 98% so với năm trước đó và là mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Còn ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, lượng kiều hối đổ về Việt Nam trong những ngày cuối năm 2023 tăng mạnh và tiếp tục tăng cao trong thời gian sát Tết Nguyên đán, khi kiều bào gửi tiền cho người thân ở Việt Nam chi tiêu trong dịp lễ lớn nhất trong năm.
Chia sẻ với báo giới, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Quản lý ngoại hối ( Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ) ước tính, lượng kiều hối chảy về cả nước năm 2023 đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm trước. Trong đó, địa phương đón nhận lượng kiều hối nhiều nhất tiếp tục là TP. Hồ Chí Minh với gần 9,5 tỷ USD, tức chiếm gần 60% của cả nước.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, lượng kiều hối chuyển về thành phố trong năm qua đạt mức tăng trưởng rất cao, với 9,46 tỷ USD, tăng 43,3% so với năm 2022. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm.
Lý giải nguyên nhân lượng kiều hối đổ về thành phố tăng mạnh trong năm nay, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết, hậu dịch Covid-19, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, các ngành nghề đều gặp phải sự sụt giảm nghiêm trọng về doanh thu. Vì thế, nhằm thúc đẩy sự hồi phục kinh tế, một số nước đã bắt đầu tháo gỡ các biện pháp thắt chặt về xuất nhập cảnh, các chính sách về y tế cũng dần được nới giãn. Điều này đã giúp lượng người Việt Nam đi xuất khẩu lao động tăng lên. Đây cũng là một phần lý do khiến lượng kiều hối tăng cao so với năm ngoái; đồng thời, dù kiều bào gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, song vẫn quan tâm, hướng về quê hương hỗ trợ giúp đỡ thân nhân và gia đình.
Ông Trần Minh Khoa, Chủ tịch Sacombank-SBR cho biết, năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi lao động, học tập tăng thêm hơn 158.000, tăng hơn 11% so với năm 2022. “Đây là yếu tố quan trọng góp phần tăng thêm nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam”, ông nói.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng cho hay, hiện nay có 6 triệu người Việt đang sinh sống ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, 80% là các nước phát triển. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, có khoảng 2,9 triệu kiều bào đang sinh sống, làm việc tại các nước.
Ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết, khu vực châu Á đóng góp hơn một nửa lượng kiều hối chảy về TP. Hồ Chí Minh và ghi nhận mức tăng trưởng trên 140% so với năm 2022. Lý giải về con số này ông Lệnh nói: “Châu Á là khu vực có sự ổn định về kinh tế, chính trị cùng với quan hệ kinh tế, hợp tác lao động ngày càng mở rộng. Do đó, đây sẽ là khu vực có tác động đến tăng trưởng kiều hối thời gian tới”.
Chung nhận định, ông Trần Minh Khoa đánh giá vai trò ngày càng quan trọng của khu vực châu Á đối với kiều hối, gồm 3 thị trường lao động lớn nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Theo thống kê, trong tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam hằng năm, Mỹ dẫn đầu do là quốc gia có số lượng người Việt nhập cư và sinh sống nhiều nhất; tiếp đó là Anh, Australia, Canada. Còn về xuất khẩu lao động, lượng kiều hối chủ yếu đến từ các thị trường xuất khẩu lao động chính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…
Bảo đảm quan hệ cung - cầu ngoại tệ
Trong 10 năm trở lại đây, lượng kiều hối trở thành điểm sáng của Việt Nam. Mặc dù chịu ảnh hưởng chung của nền kinh tế toàn cầu, dòng kiều hối về Việt Nam có năm cũng bị sụt giảm theo xu hướng chung của các nước, nhưng vẫn duy trì vị trí trong Top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới và trong Top 3 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, lượng kiều hối đổ về Việt Nam tăng mạnh là tín hiệu rất đáng mừng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp phải nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2023, suy thoái kinh tế diễn ra ở nhiều quốc gia. Điều này cho thấy sự tin tưởng của kiều bào ta ở nước ngoài vào tình hình kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi trong nước, cùng với cơ chế chính sách của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước về thu hút kiều hối. Ngoài ra, nhiều chính sách mới khuyến khích vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh cũng là một trong những yếu tố nền tảng để thu hút nguồn lực vàng này đổ về Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua, Chính phủ đã có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để kiều bào an tâm về quê đầu tư kinh doanh cũng như muốn chuyển tiền đầu tư hay hỗ trợ người thân. Đó là thủ tục liên quan đến kiều bào, kiều hối ngày càng thông thoáng; có những phản hồi, hỗ trợ kiều bào ở nước ngoài thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam ở các nước.
Để tăng cường thu hút “nguồn lực vàng” này, trong thời gian tới, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Chính phủ và các cơ quan quản lý cần tiếp tục tạo ra một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, chính sách đầu tư ngày càng thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính...
Đồng quan điểm, một chuyên gia kinh tế khuyến nghị, Việt Nam cần từng bước định hướng nâng cao chất lượng nguồn lao động, quán triệt tính kỷ luật cao cho người lao động làm việc ở nước ngoài. “Bên cạnh những việc đã và đang làm như ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, chúng tôi nghĩ rằng Chính phủ cần từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ cho hoạt động đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh để thấy được hiệu quả từ việc chuyển nguồn ngoại tệ về nước góp phần mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế và an sinh xã hội”, vị này lưu ý và đề xuất thêm, bên cạnh đó các ngân hàng cũng cần có những chính sách như hỗ trợ nguồn vốn cho người lao động, ưu đãi về biểu phí, tỷ giá, lãi suất tiết kiệm, ứng dụng công nghệ để đảm bảo giao dịch nhanh chóng, an toàn, bảo mật để tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào chuyển tiền về nước, góp phần hạn chế dòng tiền kiều hối qua các kênh không chính thống và khó kiểm soát.
“Kiều hối luôn được đánh giá là một trong những nguồn cung góp phần bảo đảm quan hệ cung - cầu ngoại tệ, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho chính sách tiền tệ, tỷ giá và thị trường ngoại hối”, vị chuyên gia khẳng định.
Báo Công thương