MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau 1 năm quỹ đầu tư Mỹ rót vốn, doanh nghiệp organic Việt lên kế hoạch mở rộng ra Hà Nội, sẵn sàng gọi thêm nhà đầu tư nếu cần thiết

15-02-2020 - 10:18 AM | Doanh nghiệp

"Nếu ngày nào đó Organica thành công tôi có đi làm thuê cho Organica thì cũng không còn quan trọng. Hiện, tôi đã bán 30% cổ phần cho Seaf, thời gian đến nếu cần thêm vốn mở rộng sẽ sẵn sàng kêu gọi hợp tác", đại diện chuỗi tâm sự.

Thành lập vào năm 2013, khi khái niệm hữu cơ (organica) còn khá mới mẻ, Organica là một công ty khởi nghiệp với nguồn vốn cá nhân, tài sản hầu như không có gì. Các nhà sáng lập của Công ty đã phải bỏ tiền cá nhân để khởi nghiệp, thậm chí phải bán nhà để có tiền đầu tư vào trang trại sản xuất và nhập khẩu hàng hóa.

Công ty khởi đầu từ một cửa hàng bán khoảng 20 loại thực phẩm hữu cơ, đến nay Organica đã có 8 cửa hàng với số lượng sản phẩm lên đến hàng ngàn mặt hàng có chứng nhận hữu cơ.

Chia sẻ về tình hình kinh doanh so với năm 2018, đại diện chuỗi cho biết năm 2019 có tăng trưởng như không quá nhiều vì ngắn hạn Organica gặp nhiều khó khăn về chia nhỏ thị phần, tỷ lệ hư hao, chi phí logistic…

"Mặc dù được quỹ đầu tư Mỹ là Seaf rót vốn, tuy nhiên với tôi không kỳ vọng một sự đột phá ngay lập tức. Trong đó, Seaf sẽ là người đồng hành với Organica trong chiến lược dài hơi 3 năm tới", nhà sáng lập Phạm Phương Thảo cho hay.

Mức tăng trưởng tiêu dùng hữu cơ vẫn chưa thể đột biến

Sau 7 năm tham gia thị trường thực phẩm hữu cơ, bà Thảo chia sẻ nhìn lại thì giá trị luôn tăng nhưng chưa thực sự đột biến. Chỉ trong giai đoạn 2013-2015, Organica có một cú ‘hit’, đặc biệt cuối năm 2015 doanh số tăng vọt – đây cũng là thời điểm Organica có được chứng nhận tiêu chuẩn organic của châu Âu và Mỹ nên củng cố thêm được tin tưởng khách hàng.

Tuy nhiên, giai đoạn về sau lượng khách hàng trở lại trạng thái tăng từ từ một cách thận trọng nguyên nhân do hữu cơ vẫn là một thị trường khách và đối tượng khách hàng mục tiêu vẫn còn hạn chế. Trong đó, bản thân chuỗi nhận định cần đẩy mạnh hoạt động thông tin đến thị trường, làm rõ cho khách hàng nhận thức được chứng nhận organic khác gì so với chứng nhận khác.

Đồng thời, Organica cũng lên kế hoạch mở rộng danh mục sản phẩm, tăng thêm sự lựa chọn và tiện lợi cho người tiêu dùng. Hiện, Organica vẫn đang hướng đến mục tiêu đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của một gia đình Việt.

Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác khiến tiêu thụ hữu cơ chưa tăng đột biến, đó chính là sự tham gia của người cung cấp ngày càng nhiều, theo làn sóng truyền thông ngày càng mạnh mẽ hơn. Trong một tệp khách hàng ít tăng thêm, càng nhiều đơn vị tham gia kinh doanh organic khiến ‘miếng bánh’ ngày càng nhỏ.

Mặc dù vậy, với bà Thảo vấn đề cạnh tranh không đáng quan tâm trong bối cảnh hiện nay, thậm chí ngày càng nhiều người chuyển đổi sang bán sản phẩm hữu cơ lại là tín hiệu tốt vì sẽ khiến khái niệm organic trở nên phổ biến hơn, bởi dư địa của thị trường còn rất là lớn.

Luôn tuân thủ kim chỉ nam là yếu tố giúp Organica vẫn còn ‘sống’!

Sau 1 năm quỹ đầu tư Mỹ rót vốn, doanh nghiệp organic Việt lên kế hoạch mở rộng ra Hà Nội, sẵn sàng gọi thêm nhà đầu tư nếu cần thiết - Ảnh 1.

Bà Thảo cùng nông dân tại trang trại.

Ngược lại, Organica xác định làm hữu cơ cần yếu tố dài hơi, và hàng năm Công ty luôn tái đánh giá chứng nhận để giữ vững niềm tin khách hàng. Song song, thời gian tiếp theo vẫn chấp nhận chi mạnh cho đầu tư, mục đích nhằm tiếp cận khách hàng, đồng thời đa dạng sản phẩm, tăng cường hoạt động ‘educate’ khách hàng.

"Đây cũng là khác biệt của Organica: luôn luôn đi đúng với định hướng ban đầu, và có lẽ có lẽ nhờ sự tuân thủ mà Organica đến nay vẫn còn sống", bà Thảo phân trần. Trong đó, 80% sản phẩm tại Organica sẽ có chứng nhận organic quốc tế; 20% còn lại là dòng sản phẩm đang chuyển đổi (bao bì sẽ chú thích là canh tác theo hướng hữu cơ).

Ngoài ra, trong số 20% còn lại, Organica cũng kinh doanh những sản phẩm tự nhiên, được khai thác theo tiêu chuẩn phát triển môi trường bền vững, ví dụ cá biển, ngêu hàng năm chỉ khai thác 2 mùa nước và không đánh bắt một cách triệt để. Hay các sản phẩm đặc trưng vùng miền, hỗ trợ cho đồng bào thiểu số được các tổ chức phi chính phủ đảm bảo canh tác bền vững, có xuất sứ nguồn gốc.

2020 mở rộng tại Hà Nội, sẵn sàng kêu gọi thêm vốn nếu cần thiết

Về lộ trình phát triển, 2019 là năm Organica tập trung đầu tư nhân sự, tuyển dụng thêm nhiều vị trí để đáp ứng được vấn đề minh bạch tài chính, đầu tư kho bãi để kiểm soát và quản lý tốt hơn. Về quy mô, Organica năm qua mở thêm được 2 cửa hàng tại khu vực quận 1 và quận 2.

Bước sang năm 2020, Organica chủ trưởng sẽ tập trung mở rộng thêm 2-3 cửa hàng khác tại Hà Nội, so với số lượng chỉ 1 đơn vị hiện nay. Được biết, năm 2019 Organica đã phát triển được thêm 2 trang trại với 2 nhóm nông dân tại Hà Nội và Lâm Đồng (nông dân liên kết là người kinh doanh quy mô nhỏ, có đất và chấp nhận chuyển đổi canh tác hoàn toàn sang không dùng hoá chất). Do đó, năm 2020 Công ty phải tập trung phát triển cửa hàng, đáp ứng đầu ra cho khu vực Hà Nội.

Liên quan đến đối tác chiến lược, đầu năm 2019 Seaf Women’s Opportunity Fund – SWOF – một quỹ đầu tư do Seaf quản lý – đã rót vốn đầu tư cho Organica ký nhằm phát triển hệ thống bán lẻ thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam sau 2 năm tìm hiểu.

"Trước khi đến với Seaf bản thân tôi lo lắng rất nhiều, lo sợ rủi ro mất công ty, bị kiểm soát… Tuy nhiên, sau 2 năm suy nghĩ kỹ thì cái mà mình muốn là Organica thành công, có mặt ở nhiều nơi và trở thành tên tuổi tin tưởng của người tiêu dùng. Nếu ngày nào đó Organica thành công tôi có đi làm thuê cho Organica thì cũng không còn quan trọng. Hiện, tôi đã bán 30% cổ phần cho Seaf, thời gian đến nếu cần thêm vốn mở rộng sẽ sẵn sàng kêu gọi hợp tác", bà Thảo cho hay.

Thảo Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên