Sau 2 quý lỗ lớn, Xây dựng Hòa Bình tuyên bố đã giải quyết hoàn toàn vấn đề nội bộ, hứa có báo cáo tài chính kiểm toán 2022 trước tháng 6/2023
Xây dựng Hòa Bình cho biết, các vấn đề quản trị nội bộ đã khiến công ty phải dồn toàn lực giải quyết, ảnh hưởng đến các hoạt động xuyên suốt và không hoàn thành báo cáo tài chính đúng hạn. Công ty cho biết các vấn đề nội bộ đã được giải quyết hoàn toàn.
- 04-05-2023Vì sao ông Đặng Lê Nguyên Vũ chi vài trăm tỷ cho siêu xe, Hoa hậu nhưng chỉ đi đôi giày 70.000 đồng?
- 04-05-2023Diễn biến vụ công ty Việt Nam khởi kiện Amazon số tiền 280 triệu USD: Đã qua được bước quan trọng nhất
- 04-05-2023Mark Mobius - "Bố già" của thị trường mới nổi: Ngưỡng mộ tham vọng của VinFast, đánh giá ngang ngửa xe Tesla
Ngày 10/4/2023 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) đã đưa cổ phiếu HBC của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vào diện kiểm soát do chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán.
Giải trình vấn đề này, Xây dựng Hòa Bình cho biết, trong thời gian vừa qua, công tác quản trị nội bộ của công ty đã phát sinh một số vấn đề. Ban điều hành cùng toàn thể công nhân viên phải tập trung toàn lực để giải quyết các vấn đề trên. Điều này ảnh hưởng đến các hoạt động xuyên suốt của công ty, trong đó có việc hoàn thành báo cáo tài chính năm theo đúng thời hạn.
Hòa Bình khẳng định, hiện nay các vấn đề về quản trị nội bộ của tập đoàn đã được giải quyết hoàn toàn, công ty đang phối hợp chặt chẽ với đơn vị kiểm toán để sớm hoàn thành và công bố báo cáo tài chính, dự kiến chậm nhất là ngày 30/5/2023.
Hòa Bình còn cam kết thêm rằng, trong năm 2024 sẽ nghiêm chỉnh chấp hành quy định về việc công bố báo cáo tài chính năm 2023 theo đúng thời hạn.
Theo báo cáo tự lập, Hòa Bình lỗ đột biến 1.200 tỷ đồng quý 4/2022, khiến kết quả cả năm thua lỗ 1.141 tỷ đồng, xóa hết sạch lợi nhuận chưa phân phối và chuyển sang lỗ lũy kế 688,5 tỷ đồng.
Sang quý 1/2023, Hòa Bình vừa tiếp tục báo lỗ thêm 445 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên trên 1.100 tỷ đồng.
Sóng gió tại Hòa Bình bắt đầu nổi lên từ những ngày cuối năm 2022. Khi đó, Hòa Bình sau khi bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú làm Chủ tịch bất ngờ phát đi thông báo hủy bỏ quyết định, giữ nguyên ông Lê Viết Hải làm Chủ tịch.
Ông Phú và một số thành viên khác trong Hội đồng quản trị đã lên tiếng phản đối các quyết định này, đồng thời cho rằng ông Lê Viết Hải điều hành yếu kém nhiều năm khiến Hòa Bình đối diện muôn vàn khó khăn, trong đó có vấn đề tài chính.
Sau những phát ngôn của ông Phú, ông Hải đã tuyên bố gửi đơn tố giác lên cơ quan điều tra, đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự của hai ông Nguyễn Công Phú và Dương Văn Hùng và các cá nhân đã tiếp tay, giúp sức cho hai cá nhân này.
Đến thời điểm hiện tại, ông Lê Viết Hải vẫn là Chủ tịch của Hòa Bình, sau khi có quyết định của Cục trưởng Cục thi hành án dân sự TPHCM về việc tạm dừng thi hành các nghị quyết của Hội đồng quản trị Hòa Bình.
Thời gian gần đây, nhiều lãnh đạo của Hòa Bình đã liên tục từ nhiệm như ông Nguyễn Công Phú, ông Albert Antoine rời Hội đồng quản trị; ông Lê Quốc Duy và ông Dương Đình Thanh rời Ban Tổng giám đốc.
Nhịp sống thị trường