MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau 2 tháng được “cởi trói” về xử lý tài sản đảm bảo, tình hình nợ xấu biến chuyển đến đâu?

15-10-2017 - 15:25 PM | Tài chính - ngân hàng

6 ngân hàng được lựa chọn thí điểm xử lý nợ xấu đang ráo riết nhập cuộc. Agribank có lẽ là thành viên tích cực nhất khi liên tục thông báo về đấu giá, thu giữ tài sản trên website của mình.

Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã có hiệu lực được 2 tháng (từ 15/8/2017). Mặc dù chưa có số liệu nào thống kê chính xác về hiệu quả của việc xử lý nợ xấu mà các ngân hàng đã triển khai trong 2 tháng qua, song những chuyển động thông qua việc bán và thu giữ tài sản đảm bảo cho thấy tình hình có nhiều tín hiệu lạc quan hơn.

Để triển khai nghị quyết 42, VAMC cùng với 6 ngân hàng là Agribank, BIDV, Vietcombank, Sacombank, Techcombank và ACB được NHNN chọn làm thí điểm.

VAMC đã “nổ phát súng” đầu tiên khi tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo là dự án Sài Gòn One Tower của nhóm doanh nghiệp có tổng nợ xấu (nợ gốc và lãi) lên đến hơn 7.000 tỷ đồng. Được biết các khoản nợ này từng do DongABank và Maritime Bank bán cho VAMC. Đồng thời đây cũng là khoản nợ có tài sản đảm bảo lớn nhất mà VAMC đã mua và công ty này tin tưởng việc xử lý Sài Gòn One Tower sẽ giúp họ có kinh nghiệm để tiến hành xử lý các tài sản tiếp theo nhằm đẩy nhanh quá trình xử lý nợ.

Ngoài ra, VAMC cũng đang tìm đơn vị định giá 8 lô đất là tài sản đảm bảo cho khoản nợ xấu 2.400 tỷ đồng của 2 công ty thuộc Tập đoàn Hoàn Cầu. Khoản nợ này các công ty đã vay của Sacombank và Sacombank vừa bán lại cho VAMC hồi cuối tháng 8 vừa qua.

Bởi nghị quyết quy định, ít nhất 15 ngày trước ngày tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm là bất động sản, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu phải thực hiện công khai thông tin về thời gian, địa điểm thu giữ tài sản bảo đảm, tài sản bảo đảm được thu giữ, lý do thu giữ bằng việc công bố trên website của họ, thông báo cho bên có tài sản bị xử lý và phải thông báo tới địa phương nơi có tài sản bị xử lý, nên theo dõi 2 tháng qua cho thấy các ngân hàng trong nhóm được triển khai thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 cũng rất tích cực nhập cuộc.

Điển hình nhất là Agribank, có lẽ do số lượng nợ xấu của ngân hàng này rất lớn (theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước năm 2015 thì tổng nợ xấu và nợ đã bán cho VAMC lên đến hơn 73.000 tỷ) nên những thông tin về việc xử lý tài sản được Agribank cập nhật liên tục. Thống kê qua website của ngân hàng này cho thấy chỉ trong tháng 10, số lượng tài sản thông báo bán đấu giá cũng đã có giá khởi điểm lên đến hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó có tài sản giá nhỏ nhất là vài trăm triệu cho đến tài sản lớn nhất lên đến 300 tỷ đồng.

Và thống kê cũng cho thấy Agribank đang là website ngân hàng có sự minh bạch, rõ ràng nhất trong việc công bố thông tin về xử lý tài sản theo nghị quyết 42.

Sacombank cũng là thành viên tích cực tham gia xử lý nợ xấu thời gian qua. Không chỉ tự mình xử lý tài sản đảm bảo qua công ty xử lý nợ của ngân hàng và công bố rõ ràng trên website theo quy định, mà Sacombank còn kết hợp với VAMC để xử lý nhanh hơn tài sản đảm bảo. Hồi tháng 9 vừa qua, ngân hàng này đã ký thỏa thuận với VAMC để xử lý 15.000 – 20.000 tỷ đồng nợ xấu từ giờ đến cuối năm, trong đó riêng trong ngày ký kết đã bán hơn 2.800 tỷ đồng nợ xấu. Sau khi “ôm” Ngân hàng Phương Nam, Sacombank có tỷ lệ nợ xấu lên đến hơn 6% - nhiều nhất trong hệ thống các ngân hàng cổ phần hiện nay, và ngân hàng cũng đã có lộ trình 3-5 năm để xử lý dứt điểm số nợ ấy để tái cơ cấu hoạt động một cách toàn diện.

Vietcombank và Techcombank cũng vào cuộc ráo riết để xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu thông qua bán đấu giá, phát mại tài sản và công bố rộng rãi trên website về các tài sản sắp xử lý. Vietcombank là ngân hàng đầu tiên sạch nợ tại VAMC, các khoản nợ xấu đều do ngân hàng tự xử lý. Techcombank trong khi đó là ngân hàng đầu tiên đã trích lập hết dự phòng cho các khoản nợ đã bán cho VAMC (gần 3.000 tỷ) nên từ nay các tài sản thu hồi được từ những khoản nợ ấy sẽ được cộng vào lợi nhuận, bên cạnh việc tự xử lý nợ xấu được đẩy nhanh cũng mở ra triển vọng lạc quan hơn cho nhà băng này.

ACB là 1 thành viên được lựa chọn thí điểm, tuy nhiên ở thời điểm này không thể tìm kiếm được thông tin về tài sản bán đấu giá hoặc thu giữ, phát mại trên website của ngân hàng, có thể do ngân hàng chưa vào cuộc. Song nhà băng này đánh giá nghị quyết 42 chắc chắn là công cụ giúp ngân hàng xử lý nợ nhanh hơn, đặc biệt là trong việc thu giữ tài sản đảm bảo. Đến nay ngân hàng đã ban hành các nghị quyết cũng như điều chỉnh hết các văn bản có liên quan đến việc thu giữ tài sản đảm bảo cũng như đào tạo cho nhân sự liên quan đến nội dung của nghị quyết nhằm triển khai một cách triệt để.

Ngoài các thành viên thí điểm xử lý nợ theo quy định thì các ngân hàng khác cũng đã nhập cuộc Nghị quyết 42 khá rầm rộ, có thể kể đến như NCB, ABBank, Maritime Bank...Sự vào cuộc đồng bộ của các ngân hàng cùng những chính sách thoáng hơn về xử lý nợ xấu được kỳ vọng sẽ giúp hệ thống ngân hàng sớm đánh tan cục máu đông vốn đã làm tắc nghẽn mạch máu nền kinh tế những năm qua.

Ngọc Thảo

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên