MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau 3 năm chăm bố U85, tôi quyết đưa ông vào viện dưỡng lão: Cả làng nói là bất hiếu nhưng bố lại vui ra mặt

21-03-2024 - 00:00 AM | Sống

"Ở thời điểm đưa bố vào viện dưỡng lão tôi bị nhiều người nói những điều không hay", người đàn ông Trung Quốc chia sẻ.

Bài viết dưới đây là lơi tự bạch của anh Trần (Nam Ninh, Trung Quốc) sau quãng thời gian chăm sóc người bố 83 tuổi của mình.

Mẹ mất vì bạo bệnh từ năm 2012. Kể từ đó bố tôi sống một mình trong căn nhà cũ. Nhiều lúc tôi ngỏ ý đón bố lên thành phố sống cùng nhưng ông nhất quyết từ chối.

Giai đoạn 2020, do bận công việc nên hiếm khi tôi có thời gian về thăm bố. Thỉnh thoảng gọi điện về nghe giọng ông thều thào, tôi càng cảm thấy có lỗi vì đã không thể chăm lo chu đáo được cho bố.

Nhận thấy không thể để ông sống như vậy được, cuối năm 2021, tôi quyết định xin nghỉ hưu sớm để trở về nhà chăm sóc bố. Từ tận đáy lòng, tôi muốn ông được sống khỏe mạnh và yên vui thay vì vật vã chống chọi với nỗi cô đơn tuổi già.

Sau 3 năm chăm bố U85, tôi quyết đưa ông vào viện dưỡng lão: Cả làng nói là bất hiếu nhưng bố lại vui ra mặt- Ảnh 1.

Ở những ngày đầu, tôi cố gắng làm quen với những công việc mà bố cần hỗ trợ như nhớ giờ uống thuốc, tắm rửa, nấu cơm… Do tuổi đã cao, chân và đầu gối của bố đã tê cứng nên phần lớn thời gian chỉ ngồi trên xe lăn. Mỗi chiều tôi sẽ đưa ông ra ngoài để gặp gỡ và giao lưu với mọi người.

Thời gian đầu, tôi thấy những công việc này không có gì nặng nhọc. Tôi vẫn có thể làm tốt. Đặc biệt, được gần bố đối với tôi đã là niềm hạnh phúc.

Tuy nhiên, sau 2 tháng, tôi nhận thấy tính cách của bố ngày càng trở nên cáu kỉnh. Ông luôn la mắng nếu tôi cố tình làm trái ý dẫu việc đó tốt cho chính ông. Tôi hoàn toàn hiểu nên bỏ ngoài tai tất cả.

Điều ông mong chờ nhất mỗi ngày là được nghe tôi đọc báo. Đôi khi tôi cảm thấy thực sự mệt mỏi bởi chỉ cần dừng lại nghỉ 1 chút, bố lập tức hỏi tại sao. Những lúc như vậy, tôi không còn cách nào khác ngoài thở dài và tiếp tục đọc.

Nhiều đêm tôi thường trằn trọc và suy nghĩ mình là người thân duy nhất của bố. Tôi không thể nào đưa ông vào viện dưỡng lão được. Tuy nhiên, nhìn lại sức khỏe của bản thân, tôi dần lo lắng không biết mình có thể gánh nổi trách nhiệm nặng nề này hay không.

Một ngày nọ, sau khi tắm cho bố như thường lệ, tôi dìu ông vào giường. Do sàn nhà trơn trượt, cả 2 bố con tôi bị ngã. Trong khi, tôi vội vã đỡ bố dậy thì ông lại tuyệt nhiên đẩy tay tôi ra xa và quát rằng đứa con bất hiếu.

Nghe vậy, tôi tức giận đến mức chạy ra ngoài cửa. Vừa chạy, tôi vừa khóc nấc lên. Sau khi dịu lại, tôi nhận ra sống trong sự đau đớn và bất lực của thân thể, có lẽ bố còn đau khổ và tuyệt vọng hơn tôi.

Kể từ lần đó, tôi học cách điều chỉnh tâm lý và đối mặt với những thử thách trong việc chăm sóc bố bằng thái độ tích cực và lạc quan hơn. Tôi luôn tự động viên bản thân phải kiên trì. Bởi tôi là chỗ dựa duy nhất của bố nên không thể làm khác đi được.

Dẫu đã cố gắng song sau 3 năm tôi nhận ra tình trạng thể chất của bố ngày càng trở nên tồi tệ. Bản thân tôi cũng cảm thấy mệt mỏi.

Vào thời điểm đó, tôi đã đưa ra quyết định vô cùng đau đớn là đưa bố vào viện dưỡng lão. Tôi và vợ đã phải đi khảo sát đến 10 địa điểm nhằm chọn cho bố chỗ nghỉ ngơi tốt nhất.

Ngày đưa bố vào viện dưỡng lão, cả bố và tôi đều khóc. Thậm chí ông còn liên tục nói tôi với những điều không hay. Mọi người thân biết chuyện cũng nói vợ chồng tôi là đứa con bất hiếu. Chính tôi cũng day dứt trong lòng bởi không thể chăm sóc được cho ông.

Sau khi chuyển cuộc sống vào viện dưỡng lão, ở 2-3 tháng đầu, bố tôi khá chật vật với việc làm quen. Ông thường tỏ ra không vui, bất hợp tác với các y tá. Dù cảm thấy buồn song tôi hiểu rằng ông cần thời gian để thích nghi.

Sau 3 năm chăm bố U85, tôi quyết đưa ông vào viện dưỡng lão: Cả làng nói là bất hiếu nhưng bố lại vui ra mặt- Ảnh 2.

Để những ngày tháng trong viện dưỡng lão của ông bớt tẻ nhạt, tuần nào, gia đình chúng tôi cũng vào thăm. Vợ tôi thường chuẩn bị những món ăn ông thích và cả những câu chuyện thú vị để khích lệ tinh thần.

Đến tháng thứ 5, tôi dần thấy tâm trạng của bố đã được cải thiện. Bố đã học được cách trò chuyện với những người bạn già trong đây, tham gia các hoạt động văn nghệ. Nét mặt của ông không còn u ám và gắt gỏng như trước. Nhân viên trong viện dưỡng lão cũng đánh giá thể trạng của bố tôi dần tốt lên so với thời điểm. Nhìn thấy ông dần lấy lại nụ cười, tôi cũng yên tâm hơn với quyết định của mình.

Giờ đây không thể thường xuyên kề cận bên bố như trước nhưng mỗi khi có dịp gặp nhau cả gia đình tôi đều tràn ngập tiếng cười. Dẫu người ngoài nhìn vào có thể nói tôi không hay. Nhưng tôi biết rằng quyết định này là vì hạnh phúc và bình yên của bố. Tôi tin chắc rằng dù ở bất kỳ nơi nào, chỉ cần chúng ta vẫn quan tâm đến nhau bằng cách này hay cách khác thì sợi dây tình cảm sẽ không bao giờ đứt đoạn.

Đinh Anh

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên