Sau 30 tuổi: Bạn phải thừa nhận “thế giới này quá thực dụng” và sự thật luôn tàn khốc như vậy
Thay vì kêu than “Thế giới này thực tế đến thực dụng!”, sao bạn không tự hỏi “Thực tế có gì không tốt?” Ít nhất, thực tế sẽ giúp bạn mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn, dạy bạn cách vượt qua nghịch cảnh, trung thực với chính mình.
“Thế giới này quá thực dụng” và sự thật luôn tàn khốc như vậy
Sau 10 năm ra trường, tôi nhận được thư mời tham dự buổi họp lớp đại học, thú thực tôi không mấy hào hứng nhưng mấy thằng bạn thân gọi rủ nhiều lần quá nên đành tặc lưỡi tới đó.
Nếu được hỏi bạn là ai trong buổi họp lớp, không cần suy nghĩ nhiều tôi cũng biết mình thuộc loại ngày xưa cũng học hành giỏi giang đấy mà giờ sự nghiệp… chẳng tới đâu. Bạn hãy hình dung thế này, tới những buổi tụ tập bạn bè cũ là bạn sẽ phải gặp 2 thành phần chính là:
(1) Những đứa thành đạt khoe khoang. Đây là những nhân vật tiêu biểu nhất chúng ta hay gặp ở buổi họp lớp: “Tớ đang làm trưởng phòng ở…”, “Lương tao như vậy nè…”, “Ủa, biết công ty X không?”… Dù sao cũng khó trách được, lâu lâu người ta mới có dịp họp lớp mà.
(2) Phần còn lại thuộc dạng giống như tôi - những đứa xưa học cũng “có số có má” mà giờ sự nghiệp “làng nhàng”, không tới đâu. Tưởng rằng, khi gặp lại những đứa bạn hồi xưa thuộc dạng học “đỉnh” nhất lớp tụi nó nhất định sẽ phải trở thành bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học dữ dội lắm. Nhưng rồi lại “té ngửa” khi biết được sự nghiệp của họ “không tới đâu”, thậm chí là thất nghiệp. Quả là đường đời có nhiều bất ngờ.
Sau buổi họp lớp, tôi có thể khẳng định: Hội chứng “khủng hoảng sự nghiệp sau 30” là có thật. Chỉ cần nghĩ đến việc phải đối diện, trò chuyện và trả lời một đống câu hỏi liên quan đến nghề nghiệp, vị trí, thu nhập, nhà xe… là tôi đã muốn hủy bỏ tất cả những buổi họp lớp trên đời này.
Sau 30 tuổi, đừng để thiếu tiền chi tiêu cuộc sống, nếu thiếu đó là lỗi của bạn
Tôi đem chuyện này kể với một người bạn của mình, và nhận được câu nói khiến tôi sốc: “Mày bực dọc chẳng qua là vì sợ bản thân bị đem ra so sánh với những người bạn ưu tú hơn, có cuộc sống tốt đẹp hơn. Tại sao không coi đó là buổi gặp gỡ để nhìn lại bản thân, tại sao cùng một xuất phát điểm giáo dục mà họ thành công còn mày thì làng nhàng với công việc ngày 8 tiếng, lương ba cọc ba đồng”.
Thú thực là tôi có chút chạnh lòng, không thoải mái nhưng tôi nhận ra môt điều: “Thế giới này quá thực dụng” và sự thật luôn tàn khốc như vậy. Đừng đòi hỏi người khác phải thông cảm cho bạn khi mà bạn chưa cố gắng, nỗ lực như người ta.
Khi tôi kiếm tiền, tôi luôn luôn tiết kiệm. Nhưng tôi chưa bao giờ mạo hiểm đầu tư chúng để sinh lời. Tôi cũng chưa bao giờ đi gặp cố vấn tài chính.
Giờ đây, tôi đang phải nỗ lực chuẩn bị cho lúc nghỉ hưu khi cố gắng cân bằng chi tiêu hằng ngày. Trong khi bạn bè tôi phát triển rất nhanh, ở tuổi 35 họ đã mua nhà, mua xe, đầu tư, làm chủ doanh nghiệp thì tôi vẫn giữ nguyên mức lương của một công chức và chưa có kế hoạch có thêm nguồn thu nhập nào. Bài học rút ra là: Không bao giờ là quá sớm để nghĩ về giai đoạn tiếp theo của cuộc đời. Hãy luôn lên kế hoạch cho tương lai xa một chút.
Tôi đọc được đâu đó một câu nói rất đúng: Trưởng thành là khi chúng ta hiểu ra rằng, không thể sống quá thật thà, quá trong sáng giữa cuộc đời đầy biến cố này. Thay vì kêu than “Thế giới này thực tế đến thực dụng”, sao bạn không tự hỏi “Thực tế có gì không tốt?” Ít nhất, thực tế sẽ giúp bạn mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn, dạy bạn cách vượt qua nghịch cảnh, trung thực với chính mình.
Hãy luôn nhớ, 3 châm ngôn dẫn đến thành công bao gồm: Biết nhiều hơn người khác, Làm nhiều hơn người khác, Kỳ vọng ít hơn người khác.