Sau 4 năm thoái vốn khỏi thủy điện, Hoàng Anh Gia Lai lại góp gần 50 tỷ đồng thành lập một doanh nghiệp thủy điện mới
Sau khi bán các dự án thủy điện đã phát điện thì từ năm 2014 đến nay các dự án thuỷ điện không còn đóng góp doanh thu cho HAGL.
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc góp vốn thành lập CTCP Thủy điện Hoàng Anh Sài Gòn với giá trị góp vốn là 49,5 tỷ đồng. Ông Võ Trường Sơn – Tổng giám đốc của HAGL được giao là người đại diện phần vốn của HAGL tại công ty thủy điện này.
Vào năm 2013 tức cách đây hơn 4 năm, HAGL thực hiện quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, thoái vốn khỏi lĩnh vực thủy điện bằng cách bán đi toàn bộ các dự án thủy điện tại Việt Nam và chỉ giữ lại các dự án thủy điện đang xây dựng tại Lào. Tại Việt Nam, HAGL có 6 dự án thủy điện với tổng công suất 212MW. Tại thời điểm bán đi, 4 trong số 6 dự án đã phát điện và 2 dự án đang xây dựng.
Việc thoái khỏi các dự án Thủy điện lúc đó đã giúp HAGL thu về nguồn tiền khá lớn, vào khoảng 2.100 tỷ đồng đồng thời giảm được đáng kể nợ vay. Nhưng đến tận năm 2016, bên mua mới lộ diện và đó là CTCP Năng lượng Bitexco – Bitexco Power, nhánh đầu tư thủy điện của tập đoàn đa ngành Bitexco.
Sau khi bán các dự án thủy điện đã phát điện thì từ năm 2014 đến nay các dự án thuỷ điện không còn đóng góp doanh thu cho HAGL.
Theo BCTC quý 3/2017, tại thời điểm cuối quý, HAGL có 3.461 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang nằm tại nhà máy thuỷ điện.
Tại thời điểm cuối năm 2016, HAG vẫn còn nắm giữ 99,4% vốn tại CTCP Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai (thành lập năm 2007), Công ty TNHH Điện Nậm Kông 3 (thành lập năm 2013) và Công ty TNHH Điện Hoàng Anh Attapeu (thành lập tháng 11).
Trí Thức Trẻ