MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau 4 tháng chững lại, dòng tiền từ Thái Lan lại “ồ ạt” mua gom chứng khoán Việt Nam

Sau 4 tháng chững lại, dòng tiền từ Thái Lan lại “ồ ạt” mua gom chứng khoán Việt Nam

Động thái mua gom “ồ ạt” chứng chỉ quỹ ETF qua kênh DR cho thấy nhà đầu tư Thái Lan đang đánh giá cao khả năng tăng trưởng của chứng khoán Việt Nam tuy nhiên vẫn có sự phân hóa nhất định giữa các ETF chủ yếu do sự khác biệt về danh mục.

Theo tin từ Sở GDCK Thái Lan (SET), tính đến cuối tháng 10/2022, lượng chứng chỉ lưu ký DR FUEVFVND (FUEVFVND01) dựa trên chứng chỉ quỹ DCVFM VNDiamond ETF do Bualuang Securities phát hành đã tăng vọt lên 110,7 triệu đơn vị. Giá trị vốn hóa tương ứng 3,76 tỷ Bath (~2.500 tỷ đồng), tăng 21% so với cuối tháng 9.

Tỷ lệ chuyển đổi giữa DR và chứng chỉ quỹ cơ sở là 1:1 đồng nghĩa với việc nhà đầu tư Thái Lan đang gián tiếp sở hữu 110,7 triệu chứng chỉ FUEVFVND tại thời điểm cuối tháng 10. Con số này đã tăng đến 31,8 triệu đơn vị so với tháng trước và là mức cao nhất kể từ khi DR FUEVFVND ra mắt vào tháng 3 năm nay.

Sau 4 tháng chững lại, dòng tiền từ Thái Lan lại “ồ ạt” mua gom chứng khoán Việt Nam - Ảnh 1.

Nhà đầu tư Thái Lan gom mạnh Diamond ETF qua kênh DR

Tương tự, nhà đầu tư Thái Lan cũng mạnh tay gom chứng chỉ quỹ DCVFM VN30 ETF thông qua kênh DR. Trong tháng 10, lượng DR E1VFVN30 (E1VFVN3001) do Bualuang Securities phát hành đã tăng thêm 22,3 triệu đơn vị lên mức 202,8 triệu đơn vị. Giá trị vốn hóa đạt gần 5,37 tỷ Bath (3.500 tỷ đồng), giảm 6% so với cuối tháng trước.

Tỷ lệ chuyển đổi giữa DR và chứng chỉ quỹ cơ sở cũng là 1:1 đồng nghĩa với việc nhà đầu tư Thái Lan đang gián tiếp nắm giữ 202,8 triệu chứng chỉ E1VFVN30. Đây cũng là mức kỷ lục kể từ khi sản phẩm DR E1VFVN30 ra mắt vào năm 2018.

Sau 4 tháng chững lại, dòng tiền từ Thái Lan lại “ồ ạt” mua gom chứng khoán Việt Nam - Ảnh 2.

Lượng DR E1VFVN30 cũng tăng vọt

Như vậy, sau khoảng 4 tháng chững lại, dòng tiền từ Thái Lan lại “ồ ạt” đổ vào Việt Nam qua kênh ETF. Động thái đã góp phần đảo chiều dòng vốn vào Diamond ETF và VN30 ETF sau 3 tháng liên tiếp bị rút ròng mạnh trong quý 3 trước đó.

Theo thống kê, dòng tiền vào Diamond ETF trong tháng 10 lên đến 835 tỷ đồng trong khi VN30 ETF có tháng hút ròng mạnh nhất từ đầu năm với giá trị 566 tỷ đồng. Xu hướng này vẫn đang tiếp diễn trong những ngày đầu tháng 11. Tính từ đầu năm đến nay, Diamond ETF đang là một trong những ETF hút tiền mạnh nhất thị trường với giá trị gần 4.900 tỷ đồng trong khi dòng vốn vào VN30 ETF vẫn âm gần 1.100 tỷ đồng.

Sau 4 tháng chững lại, dòng tiền từ Thái Lan lại “ồ ạt” mua gom chứng khoán Việt Nam - Ảnh 3.

Dòng vốn vào Diamond ETF và VN30 ETF đảo chiều sau 3 tháng liên tiếp bị rút ròng

Trong tháng 10, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có nhiều biến động mạnh theo chiều hướng không thuận lợi. VN-Index giảm 9,2% trong tháng kéo theo hàng loạt Bluechips xuống đáy dài hạn. Đây có thể là một trong những nguyên nhân thúc đẩy dòng tiền từ Thái Lan trở lại khi nhiều cổ phiếu chất lượng đã chiết khấu đủ hấp dẫn.

Động thái trên phần nào cho thấy nhà đầu tư Thái Lan đang đánh giá cao khả năng tăng trưởng của chứng khoán Việt Nam tuy nhiên vẫn có sự phân hóa nhất định giữa các ETF chủ yếu do sự khác biệt về danh mục. Diamond ETF với danh mục gồm các cổ phiếu hết room, đầu ngành “hot” như bán lẻ, công nghệ, năng lượng, tiện ích,... chiếm tỷ trọng lớn vẫn cho thấy sức hút đáng nể. Trong khi đó, danh mục của VN30 ETF với một số cổ phiếu đã qua chu kỳ tăng trưởng có thể sẽ hút tiền yếu hơn đôi chút.

Ảnh hưởng bởi tỷ giá

DR - Depositary Receipt là một loại chứng khoán có thể chuyển nhượng, được giao dịch trên sàn chứng khoán của nước sở tại nhưng đại diện cho một chứng khoán khác được phát hành bởi một công ty đại chúng đang niêm yết ở một quốc gia khác. DR chịu rủi ro về tỷ giá khi đồng tiền của nước sở tại tăng giá so với đồng tiền tại quốc gia mà chứng khoán được DR đại diện đang niêm yết.

Trước áp lực từ sự leo thang của USD do động thái tăng tốc hút tiền của Fed, vào ngày 25/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có lần thứ 2 trong một tháng tăng một loạt lãi suất điều hành thêm 1%. Tuy nhiên, VND vẫn mất giá so với THB 3,1% trong tháng 10 và điều này đã ảnh hưởng đến hiệu suất của các chứng chỉ lưu ký trên.

Theo báo cáo, DR FUEVFVND giảm 13,9% mạnh hơn so với mức 9% của Diamond ETF chủ yếu do tỷ giá VND/THB giảm. Bên cạnh đó, từ ngày 7/11, VNDiamond đẽ thêm mới cổ phiếu bất động sản NLG (​​tỷ trọng 2%) và loại cổ phiếu dệt may TCM (tỷ trọng 0,2%). Điều này khiến định giá P/E của FUEVFVND giảm xuống 9,x do P/E forward 2023 của NLG là 6 lần trong khi TCM là 13 lần.

Tương tự, DR E1VFVN30 giảm 15,9% cũng mạnh hơn so với mức 10,7% của VN30 ETF cũng do VND mất giá so với THB. Ngoài ra, cổ phiếu HPG (tỷ trọng 5% trong chỉ số VN30) đã giảm 26,2% sau khi công bố sản lượng giao tháng 9 giảm và cổ phiếu tiêu dùng MSN (tỷ trọng 5%) giảm 13,6% sau khi tiết lộ lợi nhuận quý 3 giảm 53% cũng đã ảnh hưởng đến hiệu suất của chứng chỉ lưu ký này.

Hà Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên