Sau 47 năm, "Em bé Napalm" tiết lộ ký ức đen tối, đau thương ám ảnh cả cuộc đời: "Tôi từng căm ghét các cô gái mặc áo ngắn tay"
Bị bạn bè hắt hủi, đau tưởng đến chết đi sống lại, cả tương lai bị hủy hoại - tất cả những điều đó đã khiến cho "em bé Napalm" trở nên tuyệt vọng, không ít lần nghĩ đến cái chết.
- 31-10-2019Tàn nhưng không phế: Cụt một chân sau tai nạn, nữ vận động viên 46 tuổi này vẫn chinh phục đường đua marathon xuyên sa mạc Sahara dài nhất thế giới
- 31-10-2019Hành trình 130 năm của bánh mì Việt Nam qua con mắt đầu bếp gốc Việt: Từ thức quà đường phố bình dân đến đại diện ẩm thực được thế giới yêu thích
- 31-10-2019Nhận Nút vàng YouTube sau 7 năm hoạt động, Bill Gates đăng ngay video "khui quà" ăn mừng, nhưng phản ứng của cư dân mạng mới đáng chú ý!
Gần đây, "Em bé Napalm" đã được bình chọn là bức ảnh có sức ảnh hưởng nhất lịch sử nhân loại. Được chụp vào năm 1972, bức ảnh này xuất hiện trên trang nhất của nhiều tờ báo quốc tế, khắc họa rõ nét sự khốc liệt của chiến tranh.
Khi ấy, Kim Phúc mới chỉ là một cô bé 9 tuổi, phải khỏa thân chạy trốn khỏi vụ thả bom napalm đã cướp đi sinh mang của hai người họ hàng. Bản thân Kim Phúc cũng bị bỏng độ ba ở tay, chân và lưng.
Gần 5 thập kỷ đã trôi qua, Kim Phúc - người xuất hiện trong bộ phim tài liệu "Photos That Changed The World" của kênh History Channel - tiết lộ rằng bà đã xấu hổ khi lần đầu thấy tấm ảnh Nick Út chụp mình, 14 tháng sau vụ ném bom.
"Tôi kêu: ‘Tại sao lại có người chụp mình như thế này. Tôi đang khỏa thân và đau đớn. Tôi đang khóc", bà cho biết.
"Khi ấy, tôi chỉ là một cô bé và cảm thấy xấu hổ. Tôi nghĩ mình thật xấu xí".
Bức ảnh "Em bé Napalm" nổi tiếng do phóng viên Nick Út chụp năm 1972. (Ảnh: AP)
Giờ đây ở tuổi 56, bà Kim Phúc đang sống tại Canada. Bà cảm thấy "may mắn" khi là làm "em bé Napalm" trong bức ảnh, dù phải sống với những vết sẹo lớn và cơn đau kéo dài.
Trong buổi phỏng vấn độc quyền với tờ The Sun Online, người phụ nữ này đã kể lại giây phút bố mẹ tìm thấy bà trong nhà xác bệnh viện sau vụ ném bom, cũng như khi bị người bạn thân hắt hủi sau nhiều tháng điều trị.
"Tôi bị bỏng. Tôi sẽ thật xấu xí"
Vui vẻ và cởi mở, bà Kim Phúc cười ngại ngùng khi kể về tuổi thơ hoàn hảo trước khi vụ ném bom xảy ra, khi bà còn "cảm thấy mình như một nàng công chúa".
Lớn lên trong một ngôi làng nhỏ ở Trảng Bàng, Tây Ninh cùng 8 anh chị em khác, bà cho biết: "Cuộc sống của tôi đã từng rất hạnh phúc, vô lo vô nghĩ. Tôi gần như có mọi thứ".
"Tôi đến trường, chơi với bạn bè và là đứa trẻ hạnh phúc, luôn cười cười nói nói".
Kim Phúc chụp ảnh cùng Nick Út 1 năm sau vụ ném bom. (Ảnh: AP)
Kể cả khi cuộc chiến diễn ra khốc liệt ở 2 miền Nam Bắc kể từ năm 1955, ngôi làng của bà vẫn không hề bị ảnh hưởng, cho tới cái ngày định mệnh 6/8/1972, khi cả gia đình được yêu cầu đi trốn tại một ngôi đền để tránh các cuộc không kích.
Bà Phúc cùng các anh chị em đang chơi xung quanh chỗ trú bom thì nghe thấy vài người lính hét lên, kêu lũ trẻ chạy đi.
"Rồi tôi thấy máy bay, rất ồn và nhanh", bà nhớ lại. "Tôi ngẩng đầu lên và thấy 4 quả bom được thả xuống và lửa ở khắp mọi nơi".
"Quần áo tôi đột nhiên bốc cháy và cánh tay trái thì bị bỏng. Tôi nhớ rằng khi đó mình đã nghĩ: ‘Trời ơi, mình bị bỏng rồi. Mình sẽ trở nên xấu xí’".
"Mẹ đã chuẩn bị đem chôn tôi"
Hoảng sợ và đau đớn vì vết thương, cô bé 9 tuổi cứ cắm đầu xuyên qua đám cháy và tiếp tục vừa chạy vừa khóc cùng vài anh chị em khác, cho tới khi bà không thể chạy được nữa.
Một người lính mang nước tới nhưng Kim Phúc hét lên "nóng quá". Sau khi được mớm vài giọt nước, cô bé ngất xỉu.
Thấy vậy, Nick Út - phóng viên ảnh trẻ tuổi đã chụp lại được khoảnh khắc kinh hoàng đó - đã lái xe đưa Kim Phúc tới bệnh viện gần nhất.
Tuy nhiên, sau hàng giờ cấp cứu, các bác sĩ nói rằng họ không thể làm gì hơn. Lúc mẹ và anh trai đến, cô bé đã nằm trong nhà xác.
"Họ định mang xác tôi về làng để chôn", bà kể. "Mẹ bế tôi ra cổng bệnh viện và thế là điều kỳ diệu xảy ra".
"Cha tôi - người vừa đi tìm tôi ở bệnh viện khác - gặp mẹ ngoài cửa. Cha tìm thấy một người bạn làm bác sĩ và nhờ ông ấy cứu tôi. Sau khi thấy tôi vẫn còn thở, họ chuyển tôi sang bệnh viện bỏng ở Sài Gòn".
Kim Phúc và mẹ tại một bệnh viện ở Sài Gòn 2 ngày sau vụ ném bom. (Ảnh: AP)
"Tôi ước gì mình đã chết cùng với các anh họ"
Sau 15 cuộc phẫu thuật chỉ trong vòng 14 tháng, Kim Phúc đã đủ khỏe để về nhà. Thế nhưng, bà không ngờ rằng bạn thân nhất sẽ phản ứng như vậy khi nhìn thấy mình.
"Tôi đã rất mong được gặp cô ấy. Tôi nghĩ cô ấy sẽ chạy đến và ôm tôi", bà kể. "Nhưng hôm đó trời nóng nên tôi không mặc áo. Vì thế, khi thấy toàn bộ đống sẹo trên người tôi, cô ấy sợ tới mức không dám tiến lại. Tôi cảm thấy mình không xứng đáng được yêu thương. Nó còn khiến tôi đau đớn hơn cả những vết bỏng".
Nỗi đau và sự giận dữ vẫn không ngừng đeo bám Kim Phúc, khi giấc mơ học y của bà bị hủy hoại.
Khi đang học năm 2 tại một trường đại học ở Sài Gòn, bà bị buộc phải thôi học vì sức ảnh hưởng từ bức ảnh "Em bé Napalm". Bà trở thành biểu tượng của sự sống sót trong mắt truyền thông và liên tục phải đi gặp gỡ quan chức và xuất hiện trong các đoạn phim tuyên truyền.
Ở tuổi 19, cô gái trẻ Kim Phúc cảm thấy vô cùng tuyệt vọng, đến mức muốn tự tử.
"Tôi mất hết mơ ước. Tôi mất cả tương lai", bà nói. "Tôi chẳng thể hoàn thành việc học chỉ vì những vết sẹo và đau đớn này. Tôi nghĩ mình sẽ chẳng thể kết hôn và có một cuộc sống bình thường".
"Khi ấy, tôi đã ước mình được chết cùng hai người anh họ trong vụ ném bom xưa".
"Tôi căm ghét các cô gái mặc áo ngắn tay"
Bà Phúc càng tự ti hơn khi thấy những cô gái khác được mặc áo cộc tay vào mùa hè.
"Tôi nhìn những cô gái mặc áo cộc tay và nghĩ họ thật xinh đẹp", bà nhớ lại. "Còn tôi phải mặc áo dài tay. Tay trái của tôi ngắn hơn tay phải, bởi những vết bỏng đã ảnh hưởng tới sự phát triển. Tôi căm ghét cuộc đời mình và ghét cả những cô gái kia."
"Trái tim tôi bị lấp đầy bởi sự giận dữ và hận thù".
Bà Phúc cho biết, cuộc đời bà đổi thay kể từ khi bắt đầu đọc Kinh thánh tại thư viện địa phương.
4 năm sau, bà được đi Cuba du học. Tại đây, bà đã gặp Bùi Huy Toàn và hai người kết hôn vào năm 1992. Họ sinh được hai người con: Thomas (25 tuổi) và Stephen (21) tuổi. Bà Phúc trở thành người vận động vì hòa bình và đại sứ thiện chí cho Tổ chức nhân quyền UNESCO.
Suốt 4 năm qua, bà Phúc đã trải qua 11 cuộc phẫu thuật laser tại Miami (Mỹ). Dù trước mắt chỉ còn 2 cuộc phẫu thuật nữa, bà vẫn bị những cơn đau dày vò hàng ngày.
Phan Thị Kim Phúc và chồng. (Ảnh: Getty)
"Bức ảnh chụp tôi là một món quà đầy sức mạnh"
Khi được hỏi về những đứa trẻ bị bỏng hóa chất trong các vụ tấn công nhằm vào người Kurd ở Syria gần đây, bà Phúc nghẹn ngào.
"Trái tim tôi đau nhói khi thấy những gì mà lũ trẻ đang phải chịu đựng", bà cho biết. "Tôi sẽ cố hết sức để giúp đỡ chúng, bởi tôi cũng là một trong số hàng triệu đứa trẻ bị tổn thương bởi chiến tranh."
"Trẻ em cần được yêu thường, được giáo dục và trưởng thành trong hòa bình. Chúng ta phải đoàn kết để lên tiếng vì hòa bình. Chúng ta cần học hỏi từ quá khứ để tránh lặp lại những sai lầm trong quá khứ".
Trái ngược với phản ứng ban đầu, bà Phúc cho biết giờ đây bà cảm thấy "biết ơn" vì được biết tới là "Em bé Napalm". Bà cũng trở thành bạn thân của Nick Út - người đã chụp bức ảnh.
"Tôi coi bức ảnh chụp mình là một món quà đầy sức mạnh. Chiến tranh đã gần như phá hủy cơ thể và cuộc đời tôi, khiến tôi tuyệt vọng. Nhưng hiện tại, tôi muốn nói cho mọi người biết rằng thế giới có thể trở nên tốt đẹp hơn nếu mọi người học cách chung sống trong hòa bình, hy vọng và sự tha thứ".
"Với tư cách là cô gái trong bức ảnh, tôi muốn gửi gắm thông điệp: Nếu tôi làm được, các bạn cũng sẽ làm được", bà Phúc kết luận.
The Sun