Sau bão lũ: Chặn đà tăng giá, ngăn lạm phát
Lạm phát đã giảm tốc, giá cả thị trường vừa qua ổn định, tuy nhiên, theo các chuyên gia, yếu tố bất định về bão lũ và những ảnh hưởng từ đây cần lưu ý trong thời gian tới. Nếu hoạt động sản xuất, kinh doanh tại những khu vực bị tác động của bão số 3 sớm khôi phục, kết nối cung cầu - giá cả ổn định, lạm phát được kiểm soát chặt chẽ, tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt, vượt mục tiêu.
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 8/2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) “đứng yên”, dù 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có chỉ số giá tăng nhẹ. Tuy nhiên, riêng mức giảm 1,98% của nhóm giao thông đã giúp CPI ổn định trở lại. Tính bình quân, CPI chỉ tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát đã giảm tốc, tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, những yếu tố bất định về bão lũ có thể gây ảnh hưởng đến giá hàng hoá, cần giải pháp trước mắt, dài hơi để bình ổn thị trường.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đề xuất, ngành nông nghiệp cần bắt tay ngay vào sản xuất khi nước rút, trong đó ưu tiên những cây trồng, vật nuôi ngắn ngày.
Về lâu dài, theo ông Phú, ngành nông nghiệp, công thương cần cùng nhau xây dựng những kho hàng dự trữ, đẩy mạnh công nghệ chế biến sâu, sản xuất thực phẩm đồ hộp… Hiện, đa phần doanh nghiệp chỉ mua đứt, bán đoạn, nên khi có thiên tai xảy ra, mới lúng túng trong nguồn cung thực phẩm trong khi kho lạnh dự trữ còn hạn chế.
Nếu hoạt động sản xuất, kinh doanh tại những khu vực bị tác động của bão số 3 sớm được khôi phục, kết nối cung cầu - giá cả ổn định, lạm phát được kiểm soát chặt chẽ, tăng trưởng GDP năm nay có thể phấn đấu đạt, vượt mục tiêu. Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành tổ chức tư vấn, nghiên cứu kinh tế Economica Việt Nam nhận định, mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% trong năm nay được hỗ trợ bởi các yếu tố: xuất khẩu phục hồi mạnh, đầu tư công duy trì tăng trưởng, chi tiêu ngân sách tăng…
Ông Bình lưu ý, ngoài tác động của bão lũ, các yếu tố mùa vụ như nhu cầu tăng cao vào những tháng cuối năm cũng tạo áp lực lên lạm phát. Diễn biến của thị trường xuất nhập khẩu, giá nguyên vật liệu có thể gây ảnh hưởng.
“Cũng có yếu tố thuận lợi để kiểm soát lạm phát từ nay đến cuối năm, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có khả năng giảm lãi suất cơ bản, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá hối đoái và lạm phát”, ông Bình nói.
Để kiểm soát lạm phát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa kiến nghị một số giải pháp về chủ động dự báo, tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá tổng thể; rà soát nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn để có giải pháp phù hợp. Phương án, lộ trình điều chỉnh giá cần cân nhắc phù hợp, đồng thời, không để thiếu hàng, tăng giá đột biến lương thực, thực phẩm, xăng dầu; bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu trong mọi tình huống. Những hành vi đầu cơ, găm hàng tăng giá, thao túng giá... cần được xử lý nghiêm.
Tiền phong