Sau "bão" sa thải, giờ là lúc sếp công ty môi giới bất động sản lo làm sao có người để bán hàng, "sợ không tuyển kịp người" lúc thị trường "ấm"
Ông Phạm Anh Khôi – Kinh tế trưởng Đất Xanh Service cho biết, tại thời điểm này, chúng tôi không còn lo lắng thị trường giảm, khách hàng cắt lỗ hay mất việc làm bởi các vấn đề này đã "xuống đáy", không còn gì để lo. Điều cần lo là làm sao có người để bán hàng.
- 28-03-2024Môi giới nhà đất phía Nam tăng tốc "ca đêm"
- 25-03-2024Đất nền chưa kịp ấm….môi giới đã muốn “lướt” chênh!
- 22-03-2024Sàn môi giới rầm rộ tuyển quân, mở rộng địa bàn hoạt động “chạy đua” với dự án mới
Đầu năm 2023, bộ phận môi giới bất động sản đã chứng kiến làn sóng sa thải lớn. Nhiều công ty sa thải 50% nhân sự trở lên dưới nhiều hình thức như dừng ký hợp đồng tạm thời trong 3-6 tháng, cho thôi việc, giữ chế độ cộng tác viên...
Đến giữa năm 2023, ước tính số môi giới bất động sản đang hoạt động chỉ còn khoảng 30-40% so với giai đoạn đầu năm 2022, theo báo cáo của Bộ Xây dựng.
Thời điểm đó, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, hiện tượng này diễn ra trong khoảng thời gian dài, với từng đợt giảm dần, giảm dần và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Bên cạnh một lượng lớn môi giới bị sa thải, thị trường ghi nhận thêm 1 lượng môi giới bất động sản chủ động nghỉ việc do thu nhập không đủ sống.
Làm sao có môi giới để bán hàng?
Ông Phạm Anh Khôi – Kinh tế trưởng CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Đất Xanh Service, mã: DXS) thừa nhận rằng, 2 năm vừa qua là 2 năm khó khăn nhất đối môi giới nói chung và môi giới tại Đất Xanh Service (DXS).
"Chúng tôi cắt giảm nhân sự rất nhiều, có những công ty con cắt giảm nhân sự 60-80%. Tuy nhiên đó không chỉ tại Đất Xanh mà là tình hình chung của thị trường. Bên cạnh đó, môi giới cũng bỏ nghề nhiều, 60% các bạn chuyển sang làm nghề khác", ông Khôi chia sẻ tại hội thảo VPBankS Talk#3 chủ đề "Chọn danh mục, đón sóng lớn".
Vị này thừa nhận rằng, trong những điểm chưa được vui thì cũng có điểm tốt, tức chúng tôi cắt giảm được chi phí nhân sự nhiều.
"Đối với ngành môi giới, đơn vị nào càng cắt nhanh, giảm nhanh thì càng sống lâu. Còn cứ cố gắng bám trụ với chi phí cao trong khi không có hàng để bán thì càng ngày càng hết tiền. Đó là lý do tại sao chúng tôi phải cắt giảm nhanh chóng", ông Khôi cho hay.
Khi được hỏi về thời điểm nào công ty môi giới sẽ tuyển lại người, ông Khôi cho biết, đối với môi giới chỉ cần một thứ duy nhất là hàng. Khi nào có hàng khi đó có người.
Còn việc khi nào có hàng thì tùy thuộc vào việc khi nào chủ đầu tư ra lại hàng. Tại thời điểm này, chúng tôi không còn lo lắng thị trường giảm, khách hàng cắt lỗ hay mất việc làm bởi các vấn đề này đã "xuống đáy", không còn gì để lo. Điều cần lo là làm sao có người để bán hàng.
Ông Khôi lo ngại: “Nếu như cuối năm 2024 chủ đầu tư rục rịch ra hàng, chúng tôi chỉ sợ không tuyển kịp người. Như vừa rồi khá bất ngờ tại Hà Nội, một loạt chủ đầu tư nhỏ có hàng trở lại. Họ yêu cầu chúng tôi tuyển lại người nhưng bán vẫn không kịp do tuyển không được người”.
Điểm đảo chiều thị trường bất động sản
Theo báo cáo của VPBank Securities, các công ty nghiên cứu thị trường kỳ vọng mức phục hồi đáng kể hơn từ quý 2/2024 hoặc quý 3/2024.
Hiện tại, theo quan sát của đơn vị này, thị trường bất động sản đã có sự khởi sắc bước đầu về chính sách (bước đầu gỡ khó về pháp lý cũng như đã thông qua Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai), lãi suất cho vay các khoản vay bất động sản mới ở mức xấp xỉ 11.6% cho các khoản vay từ 12 tháng là hấp dẫn; về phía cung các công ty bất động sản dù đang đối mặt nhiều thử thách nhưng đã có sự cải thiện ở nhiều mặt, đặc biệt là ở khâu huy động vốn (từ cả phát hành trái phiếu lẫn tín dụng).
Chuyên gia VPBankS tin rằng giao dịch bất động sản sẽ có sự tích cực trong năm 2024 từ mức thấp của năm 2023, với động lực từ (1) sự cải thiện dần dần tâm lý nhà đầu tư, và (2) thị trường bất động sản đã có sự khởi sắc bước đầu về chính sách.
Đơn vị này dự đoán thị trường bất động sản khởi sắc dựa trên các tín hiệu sau: (1) Lãi suất cho vay giảm về mức thấp hơn sẽ là động lực chính cho toàn ngành vực dậy, hiện lãi suất huy động đã điều chỉnh từ quý 1/2023 nhưng diễn biến lãi suất cho vay có độ trễ, (2) hành lang pháp lý được tháo gỡ quyết liệt và đi vào thực tiễn giúp khơi thông lại nguồn cung bất động sản và (3) tâm lý thị trường, bao gồm cả niềm tin người mua nhà và sự tự tin trong việc mở bán các dự án mới của chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, phân khúc nhà ở xã hội có thể là chất xúc tác quan trọng khi phân khúc này được hưởng lợi từ nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ.