Sau chất vấn, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo cấp cao
Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
- 12-06-2017Cuối 2018, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo cấp cao
- 17-05-2017Tổng bí thư gặp mặt cán bộ lãnh đạo cấp cao nghỉ hưu
- 25-01-2017Tổng bí thư chúc Tết lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao
Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Quốc hội dự kiến làm việc trong 21 ngày (từ 22/10-19/11). Theo kế hoạch, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 11 dự án luật và cho ý kiến 6 dự án luật.
Quốc hội cũng dành 9,5 ngày xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Trong đó sẽ xem xét các báo cáo việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn tại phiên họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Ðồng thời tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trong 3 ngày. Quốc hội cũng sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Ðánh giá kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau 20,5 ngày làm việc, Quốc hội đã cơ bản hoàn thành chương trình kỳ họp thứ 5 với nhiều cải tiến. Kết quả kỳ họp cho thấy, hoạt động của Quốc hội ngày càng hướng tới chiều sâu, gắn bó mật thiết với nhân dân, được cử tri và nhân dân quan tâm, theo dõi, giám sát, đóng góp ý kiến thẳng thắn, kịp thời, có tính xây dựng. Quốc hội đã lắng nghe và tiếp thu những ý kiến xác đáng để hoàn thiện, nâng cao chất lượng các quyết định của Quốc hội.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc tổ chức kỳ họp thứ 5 vẫn còn một số hạn chế cần rút kinh nghiệm, như chất lượng chuẩn bị một số nội dung trình Quốc hội còn hạn chế, chưa nghiên cứu kỹ về mặt lý luận và thực tiễn. Vẫn còn tình trạng đề nghị rút hoặc bổ sung gấp các dự án, dự thảo, ảnh hưởng đến tính ổn định của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và tính kỷ cương, kỷ luật lập pháp.
Tại các phiên thảo luận vẫn còn một số ít đại biểu đọc văn bản thuần túy, nặng về tham luận, chưa thể hiện rõ chính kiến của người đại biểu nhân dân trước những vấn đề quan trọng của đất nước, hoặc tranh luận chưa đúng yêu cầu.
Tiền phong