Sau chỉ đạo của Thủ tướng về thua lỗ tại Vicem: Lãnh đạo Vicem nói gì?
Sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng làm rõ thông tin liên quan đến sai phạm, thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng tại Tổng Cty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) trước ngày 30/3, PV Tiền Phong trao đổi với ông Trần Việt Thắng-Tổng GĐ Vicem quanh nội dung này. Tuy nhiên, không ai hiểu tại sao doanh nghiệp làm xi măng lại đi đầu tư bóng đá?
- 18-01-2017Tăng trưởng 65%, Vicem Bao bì Bỉm Sơn vượt xa kế hoạch lợi nhuận cả năm 2016
- 19-10-2016Vicem Bao bì Bỉm Sơn (BPC): Giá nguyên liệu đầu vào giảm, 9 tháng vượt 18% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm
- 17-08-2016Tháp 2.000 tỷ Vicem Tower "chết khô" cạnh tòa nhà cao nhất Việt Nam
Ông Thắng cho biết, đến ngày 13/3 mới nhận được công văn số 2199 (ngày 10/3/2017) của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Xây dựng kiểm tra, làm rõ thông tin báo Tiền Phong nêu.
Kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng chỉ rõ, có 2 công ty thành viên tính đến 31/12/2015 vẫn còn lỗ luỹ kế: Cty Xi măng Hải Phòng lỗ luỹ kế 374,486 tỷ đồng; Cty Vật liệu xây dựng Đà Nẵng 4,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Thắng, đến nay, Cty Vật liệu Xây dựng Đà Nẵng đã không còn lỗ luỹ kế và lãi trên 7 tỷ đồng (năm 2016). Còn Cty Xi măng Hải Phòng còn lỗ luỹ kế nhưng lãi năm 2016 dự tính khoảng 74 tỷ đồng.
Theo ông Thắng, sở dĩ Cty Xi măng Hải Phòng lỗ luỹ kế hàng trăm tỷ do thời kỳ khủng hoảng 2012 - 2013, biến động về lãi suất, tỷ giá nên có thể lỗ vì chi phí tài chính. Còn Cty Vật liệu Xây dựng Đà Nẵng đầu tư dây chuyền làm vỏ bao, trạm nghiền xi măng bằng toàn bộ vốn vay. Do vậy, ngay khi chưa kịp sản xuất đã lỗ do vấn đề tỷ giá.
Về con số lỗ tại một số đơn vị như Cty Xi măng Tam Điệp, Cty Xi măng Hoàng Mai, ông Thắng cho rằng đây là lý do “khách quan” bởi hai đơn vị trên do địa phương đầu tư xong hoặc đang đầu tư dang dở nhưng khi nhận thấy khó khăn thì đề nghị Chính phủ giao cho Vicem.
Còn theo một cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng, một trong những nguyên nhân lỗ của Cty Xi măng Hải Phòng là việc đầu tư không hiệu quả. Cụ thể, tại Cty Xi măng Hải Phòng, từ ngày 1/1/2011 đến ngày 30/12/2015, công ty này đã đầu tư vào hai đơn vị với tổng số vốn hơn 45,7 tỷ đồng.
Đến ngày 31/12/2015, sau thoái toàn bộ vốn tại Cty CP Bóng đá Việt Nam, công ty không nhận được cổ tức từ khoản đầu tư này. Cty Vicem đô thị Xi măng Hải Phòng được Vicem đầu tư từ năm 2009 với số vốn hơn 44 tỷ đồng và kể từ khi đầu tư Vicem cũng không nhận được cổ tức từ khoản đầu tư này.
Một lãnh đạo Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, đơn vị này đang làm báo cáo về Vicem để trình bộ trưởng theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Văn Thành, nguyên Giám đốc Cty Xi măng Hải Phòng cho biết, việc đầu tư cho bóng đá thời kỳ năm 2008 nhằm quảng bá thương hiệu của xi măng Hải Phòng. Ông Thành cho rằng, việc đầu tư không có lãi nhưng nhờ quảng bá thương hiệu nên doanh nghiệp bán được hàng.
Liên quan đến công nợ tính đến thời điểm 31/12/2015 phải thu của 20 công ty trực thuộc Vicem vẫn còn hơn 937 tỷ đồng, ông Thắng cho hay, doanh thu của Vicem mỗi năm khoảng 30.000 tỷ đồng nên công nợ khoảng 1.000 tỷ đồng là bình thường.
Ông cũng nói, 2/3 trong số này là nợ nội bộ giữa các công ty con trong tổng công ty với nhau và không có bảo lãnh. Hơn nữa, với ngành vật liệu xây dựng, theo ông Thắng thông thường doanh nghiệp để các đối tác nợ từ 1-2 tháng, đến khi kiểm chứng được chất lượng công trình thì mới được thanh toán. Do đó, ông cho rằng con số nợ như trên được coi là bình thường.
Về hướng xử lý số nợ này sau khi có kết luận của thanh tra, ông Thắng cho hay Vicem đã tiến hành xem xét lại cụ thể đơn vị nào có công nợ lớn hoặc không an toàn thì phải khắc phục, đồng thời yêu cầu khi ký nợ phải có tài sản thế chấp và bảo đảm của ngân hàng.