MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau cổ phần hóa Tổng công ty Licogi bất ngờ báo lỗ gần 300 tỷ, kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

12-04-2017 - 13:25 PM | Doanh nghiệp

Năm 2016, do phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi gần 139 tỷ đồng khiến lợi nhuận sau thuế của công ty âm đến 293,4 tỷ đồng. Với kết quả bết bát năm 2016, kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của công ty mẹ Licogi.

Tổng công ty Licogi-CTCP (Licogi) vừa công bố báo cáo tài chính Tổng công ty-công ty mẹ đã được kiểm toán bởi công ty kiểm toán PWC.

Đơn vị kiểm toán đưa ra hàng loạt ý kiến ngoại trừ

Điểm nổi bật trong báo cáo này là hàng loạt ý kiến ngoại trừ của PWC. Về số dư đầu kỳ, ban tổng giám đốc đã lập báo cáo tài chính cho giai đoạn từ ngày 1/1/2013 đến 31/12/2015 là ngày Tổng công ty chính thức được cổ phần hóa. Khi lập báo cáo tài chính cho giai đoạn nói trên, ban Tổng giám đốc áp dụng các hướng dẫn xử lý tài chính tại các Nghị định, thông tư.

Tuy nhiên, tại ngày lập báo cáo tài chính kiểm toán này, Tổng công ty-công ty mẹ chưa nhận được phê duyệt từ các cơ quan có thẩm quyền về các phương án xử lý tài chính được áp dụng trong báo cáo tài chính cho giai đoạn nói trên. Vì vậy, các số dư đầu kỳ tại ngày 1/1/2016 có thể thay đổi tùy thuộc vào kết quả phê duyệt.

Về dự án khu đô thị Nam Ga Hạ Long, tính đến ngay 1/1/2016, Tổng công ty đã ghi nhận doanh thu dự án này với tổng doanh thu lũy kế là 88,4 tỷ đồng trên cơ sở nhận tiện trả trước của khách hàng. Cơ sở ghi nhận doanh thu này chưa tuân thủ theo chuẩn mực kế toán Việt Nam số 14 và Thông tư 200 của Bộ tài chính.

Nếu Tổng công ty hạch toán theo chuẩn mực kế toán 14 thì số dư Người mua trả tiền trước ngắn hạn sẽ tăng lên 88,4 tỷ, hàng tồn kho-chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tăng lên 67,9 tỷ và lợi nhuận chưa phân phối đầu kỳ tại 1/1/2016 sẽ giảm đi 20,5 tỷ đồng. Ngoài ra, trong năm tài chính 2016, tổng công ty mẹ đã ghi giảm doanh thu và giá vốn hàng bán với giá trị lần lượt là 17,8 tỷ đồng và 14,5 tỷ đồng liên quan tới các lô đất của dự án này do khách hàng không tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Và nếu thực hiện theo chuẩn mực kế toán số 14 thì doanh thu và giá vốn hàng bán năm 2016 sẽ phải tăng lên lần lượt là 17,7 tỷ đồng và 14,4 tỷ đồng, lỗ kế toán trước thuế giảm đi khoảng 3,3 tỷ đồng.

Về dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, đơn vị kiểm toán cho biết, Licogi đã thành lập công ty con và dùng dự án Thịnh Liệt để góp vốn vào công ty con. Tính đến thời điểm bàn giao dự án cho công ty con vào 20/7/2016 thì công ty mẹ đã thực hiện vốn hóa vãi vay vào dự án này với tổng giá trị lũy kế là 271,6 tỷ đồng.

Kiểm toán không thể thu thập được các thông tin cần thiết để xác định giá trị chi phí lãi vay đã được vốn hóa vào dự án theo chuẩn mực kế toán số 16 nên không thể xác định được liệu có phải điều chỉnh số dư của các khoản mục đầu tư vào công ty con và phải thu ngắn hạn khác tại ngày 31/12/2016 liên quan đến việc chuyển giao dự án cho công ty con hay không….

Đơn vị kiểm toán cũng có ý kiến ngoại trừ khác liên quan dự án Thịnh Liệt, dự án Khu đô thị mới C5-C8 Mở rộng. Ngoài ra, đơn vị kiểm toán cũng có ý kiến ngoại trừ về một số khoản phải trả của công ty.

Kiểm toán nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty

Trong năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2016, Tổng công ty-công ty mẹ đã phát sinh khoản lỗ sau thuế 293,4 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần trong năm âm 142 tỷ đồng và tổng nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 803,52 tỷ đồng. Các vấn đề này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn mang tính trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty-công ty mẹ.

Năm 2016 lỗ nặng

Theo báo cáo tài chính kiểm toán của Tổng công ty-công ty mẹ Licogi, năm 2016, Licogi đạt 498 tỷ đồng doanh thu bán hàng nhưng bị giảm trừ gần 18 tỷ đồng còn 480,5 tỷ đồng doanh thu thuần. Mức doanh thu này chỉ đạt hơn một nửa con số 922 tỷ đồng đạt được cả năm 2015.

Công ty mẹ Licogi lỗ gộp 15 tỷ đồng năm 2016. Cùng kỳ năm 2015, công ty đạt lãi gộp 15,4 tỷ đồng.

Điều đáng nói nhất là các khoản chi phí của công ty. Chi phí tài chính lên đến 133 tỷ đồng trong khi nguồn thu từ hoạt động tài chính chỉ chưa đầy 54 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí quản lý tăng vọt lên 184 tỷ đồng, cùng kỳ chỉ 58 tỷ đồng.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính của Licogi, sở dĩ chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt là do công ty phải trích lập 138,9 tỷ đồng dự phòng phải thu khó đòi. Khoản nợ xấu của công ty có giá gốc 175 tỷ đồng nhưng giá trị có thể thu hồi được chỉ đạt 36 tỷ đồng. Chủ yếu là phải thu khách hàng và phải thu ngắn hanh khó đòi khác như khoản phải thu chuyển giao từ Cometco sáp nhập với Licogi 2, phải thu ban điều hành nhà máy công nghiệp tàu thủy Dung Quyết, phải thu cổ phần hóa công ty con, phải thu dự án Thủy điện Cẩm Thủy 2, các khoản tạm ứng…

Những khoản chi phí lớn kể trên đã khiến công ty mẹ Licogi lỗ thuần 278,8 tỷ đồng năm 2016. Lỗ sau thuế năm 2016 lên đến 293,4 tỷ đồng. Cả năm 2015, công ty báo lãi gần 8,4 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính kiểm toán công ty mẹ Licogi 2016

Nam Hà

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên