MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Sau cơn mưa, trời lại sáng", cổ phiếu bán lẻ bứt phá ngoạn mục: FRT, PNJ cùng phá đỉnh lịch sử, MWG lên cao nhất gần 2 năm

"Sau cơn mưa, trời lại sáng", cổ phiếu bán lẻ bứt phá ngoạn mục: FRT, PNJ cùng phá đỉnh lịch sử, MWG lên cao nhất gần 2 năm

Nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ ngành bán lẻ "vực dậy" sau giai đoạn khó khăn trước đó.

Đi cùng đà khởi sắc của thị trường chung, nhóm cổ phiếu bán lẻ cũng tranh thủ tăng tốc trong phiên 21/8. Hàng loạt cổ phiếu như PET (Petrosetco), PSD (Dịch vụ Phân phối Tổng hợp Dầu khí), DGW (Digiworld), MWG (Thế giới di động), PNJ (Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận) đồng thuận tăng tốt.

Thậm chí, cổ phiếu FRT của FPT Retail tăng "rực rỡ" 6,82%, có thời điểm kịch trần, qua đó tiến lên mức 188.000 đồng/cp. Đây đồng thời là mức giá cao kỷ lục của FRT kể từ khi niêm yết trên sàn. Tương tự, cổ phiếu PNJ tiếp tục leo lên đỉnh lịch sử 108.400 đồng/cp với mức tăng nhẹ 0,4%. Đáng nói, cổ phiếu này vừa lập đỉnh phiên trước đó. Bên cạnh đó, thị giá MWG kết phiên tại 69.800 đồng/cp, đánh dấu mốc cao nhất 23 tháng kể từ tháng 9/2022.

Dòng tiền ồ ạt chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu bán lẻ giúp nhóm này ghi nhận mức tăng ấn tượng hàng chục % so với hồi đầu năm. Cụ thể, MWG và FRT bật tăng mạnh lần lượt 63% và gần 80% kể từ đầu năm. Khiêm tốn hơn, PNJ, MSN,… chứng kiến mức tăng từ 15%-30% từ đầu năm, vượt trội hơn thị trường chung.

Nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ ngành bán lẻ "vực dậy" sau giai đoạn khó khăn trước đó. Từ đầu năm 2024, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, có thể kể đến như cải cách tiền lương, giảm thuế VAT…

Các biện pháp trên giúp tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành trong 6 tháng đầu năm tăng 8,6% so với cùng kỳ 2023, ước đạt gần 3,1 triệu tỷ đồng. Mức độ tăng trưởng có xu hướng tăng theo từng tháng phần nào cho thấy sức mua trong nền kinh tế đang có sự hồi phục tích cực dù tốc độ còn khá khiêm tốn.

Nửa đầu năm 2024, ngành bán lẻ, hàng tiêu dùng Việt Nam liên tục có những thương vụ nhà đầu tư nước ngoài rót tiền vào thị trường trong nước có thể kể đến như thương vụ Bain Capital đầu tư vào MSN, CDH Investments đầu tư vào BHX (công ty con của MWG), nhiều thương hiệu bán lẻ lớn trên thế giới cũng mở rộng cửa hàng tại Việt Nam như UNIQLO, MUJI, Starbucks.

Nhờ đó, tình hình kết quả kinh doanh nửa đầu năm của nhiều doanh nghiệp trong ngành trở nên khả quan hơn. Bách Hóa Xanh (BHX) chính thức có lãi và chuỗi điện máy tăng trưởng cao giúp MWG có quý thứ 2 liên tiếp tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm tăng 5.200% và gần hoàn thành kế hoạch cả năm. Tương tự, FRT với động lực từ chuỗi nhà thuốc Long Châu cũng có 2 quý liên tiếp báo lãi, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đạt 109 tỷ, khả quan hơn nhiều số lỗ 213 tỷ đồng cùng kỳ 2023. Lợi nhuận nửa đầu năm của PNJ cũng cao kỷ lục.

"Ngành bán lẻ Việt Nam có nhiều cơ hội thu hút dòng tiền lớn trong tương lai"

Thêm nữa, triển vọng kinh doanh của nhóm bán lẻ, hàng tiêu dùng còn được đánh giá tích cực trong thời gian tới.

Trong nửa cuối năm, ngành bán lẻ được kỳ kỳ vọng sẽ tiếp tục hồi phục nhờ những tín hiệu tích cực từ vĩ mô và mức nền thấp từ năm trước. Fed đang tiến gần đến thời điểm cắt giảm lãi suất được kỳ vọng sẽ góp phần giảm bớt áp lực lên tỷ giá, tạo ra dư địa để SBV duy trì chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng. Điều này sẽ góp phần kích thích tiêu dùng, phục hồi sức mua trong nước.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như tăng lương cơ sở, tiếp tục giảm thuế VAT 2% đến hết 2024 sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả. Nền kinh tế hồi phục được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến tâm lý tiêu dùng của người dân, tâm lý tiêu dùng lạc quan sẽ giúp kích thích chi tiêu trong môi trường lãi suất thấp.

Theo KBSV, các chuỗi bán lẻ tạp hoá hưởng lợi từ xu hướng chuyển đổi thói quen mua sắm từ kênh truyền thống sang kênh hiện đại, với những lợi thế về chất lượng, dịch vụ. Tương tự, xu hướng trong tương lai các chuỗi bán lẻ dược phẩm sẽ vượt trội so với các cửa hàng nhỏ lẻ nhờ lợi thế quy mô, dịch vụ, chất lượng sản phẩm đảm bảo.

Với ngành hàng bán lẻ ICT, KBSV kỳ vọng giúp tăng trưởng vào nửa cuối năm 2024 có thể kể đến như (1) Chu kỳ thay thế điện thoại, laptop; (2) Dừng phát sóng 2G, 3G. Tuy nhiên, ngành hàng này hiện tại đã khá bão hoà, cạnh tranh gay gắt nên nhiều chuỗi bán lẻ cũng chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 1 chữ số trong năm nay.

Với ngành hàng bán lẻ trang sức, nhóm phân tích kỳ vọng với những quyết tâm hạ nhiệt thị trường vàng của Chính phủ và NHNN sẽ giúp giá vàng giảm và ổn định trong thời gian tới.

Với triển vọng lạc quan, KBSV đánh giá, ngành bán lẻ Việt Nam có nhiều cơ hội thu hút dòng tiền lớn trong tương lai. Về dài hạn, thị trường cũng đang đón chờ những thương vụ IPO lớn của các công ty bán lẻ lớn trong nước như MSN IPO The CrownX, FRT IPO Long Châu hay MWG IPO BHX, EraBlue. 

Ngọc Ly

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên