MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Sau cơn mưa trời lại sáng", triển vọng nhiều nhóm ngành tích cực nhờ nhu cầu phục hồi hậu COVID-19

"Sau cơn mưa trời lại sáng", triển vọng nhiều nhóm ngành tích cực nhờ nhu cầu phục hồi hậu COVID-19

Mirae Asset kỳ vọng sau 2 năm ảnh hưởng bởi Covid-19, từ năm 2022 nguồn cung tích cực các dự án khu công nghiệp đã bắt đầu trở lại, giải tỏa "cơn khát" đất khu công nghiệp trong giai đoạn từ 2019 – 2021.

Trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 6 được công bố, CTCK Mirae Asset đánh giá về tổng thể, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong quá trình phục hồi sau dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, kết quả kinh doanh quý 1/2022 cho thấy đà tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp vẫn được duy trì ở mức cao, với tổng lợi nhuận sau thuế quý 1/2022 của các doanh nghiệp trên sàn HOSE tăng 34% so với cùng kỳ.

Ngành Bất động sản Khu công nghiệp: Chào đón nguồn cung mới năm 2022

Xét về triển vọng nhóm BĐS KCN, Mirae Asset kỳ vọng sau 2 năm ảnh hưởng bởi Covid-19, từ năm 2022 nguồn cung các dự án khu công nghiệp đã bắt đầu trở lại, giải tỏa "cơn khát" đất khu công nghiệp trong giai đoạn từ 2019 – 2021.

Theo Mirae Asset, trong năm 2022, thị trường BĐS KCN tại Long An và Bình Dương được dự báo sẽ tiếp tục sôi động với nhiều dự án mới được đưa vào khai thác, đáng chú ý như Khu công nghiệp Cây Trường (quy mô 700 ha), VSIP III (1.000 ha) và KCN Nam Tân Uyên GĐ 3 (quy mô 334 ha) đều tại Bình Dương. Hay Long An cũng ghi nhận công ty con của KBC dự kiến đầu tư khoảng 500 triệu USD vào 2 dự án KCN Nam Tân Tập (quy mô 245 ha, ước tính 2.600 tỷ đồng) và KCN Tân Tập (quy mô 654 ha, ước tính 10.000 tỷ đồng). Ngoài ra nhiều KCN khác trên địa bàn tỉnh cũng đã được phê duyệt với tổng quy mô lên đến 1.749 ha.

Sau cơn mưa trời lại sáng, triển vọng nhiều nhóm ngành tích cực nhờ nhu cầu phục hồi hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Nhìn lại quý 1 vừa qua,  kết quả kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp còn quỹ đất cho thuê hiện hữu vẫn tăng trưởng tốt, đáng chú ý có mức tăng trưởng LNST "bằng lần" như IDC (381%) hay VGC (153%). Một số doanh nghiệp ghi nhận mức LNST thấp hơn cùng kỳ có nguyên nhân chính từ việc các dự án của những doanh nghiệp này chưa đưa vào triển khai và hạch toán lợi nhuận trong quý đầu năm.

Ngành bán lẻ: Duy trì triển vọng tích cực

Cũng với luận điểm nhu cầu phục hồi hậu COVID-19, Mirae Asset cho rằng nền tảng thấp thời kỳ trước sẽ là bước đệm cho tăng trưởng nhanh của ngành bán lẻ trong thời gian tới.

Mirae Asset kỳ vọng nhóm ngành bán lẻ nói sẽ phục hồi mạnh mẽ dựa trên các giả định là khó có khả năng các biện pháp giãn cách xã hội mạnh mẽ nhờ tỷ lệ tiêm ngừa cao, cùng với đó là nền so sánh doanh thu thấp của 2 năm trước. Sự phục hồi của mảng du lịch và các ngành nghề liên quan, giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2022 và các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế cũng sẽ thúc đẩy tiêu dùng. Việc giảm giá thuê mặt bằng sẽ hỗ trợ phần nào cho biên lợi nhuận các doanh nghiệp bán lẻ.

Sau cơn mưa trời lại sáng, triển vọng nhiều nhóm ngành tích cực nhờ nhu cầu phục hồi hậu COVID-19 - Ảnh 2.

Ngành bán lẻ được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại ở mức hai con số. Trong ngắn và trung hạn, sự phục hồi các mặt hàng không thiết yếu sẽ là nhân tố dẫn dắt chính. Bên cạnh đó, việc tăng tốc hiện đại hóa cũng giúp gia tăng nhu cầu thiết bị điện tử và bán hàng online; hệ thống bán lẻ hiện đại dẫn đầu. Các nhà bán lẻ có khả năng cung cấp nguồn hàng đảm bảo chất lượng, cùng với hệ sinh thái tiêu dùng tích hợp và phân bổ cửa hàng phù hợp tạo sự tiện nghi cho khách hàng sẽ nắm bắt được cơ hội tăng trưởng. Theo đó, Masan (MSN) và CTCP Đầu tư TGDĐ (MWG) đang có vị thế tốt để phát triển chuỗi bán lẻ lương thực thực phẩm và các mặt hàng tiêu dùng nhanh trong xu hướng bán lẻ hiện đại.

Sau cơn mưa trời lại sáng, triển vọng nhiều nhóm ngành tích cực nhờ nhu cầu phục hồi hậu COVID-19 - Ảnh 3.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đà tăng giá của các mặt hàng thiết yếu sẽ tạo áp lực lên tăng trưởng chung của ngành bán lẻ. Song, Mirae Asset nhấn mạnh những gì xấu nhất đã được phản ánh. "Chúng tôi cho rằng đại dịch chỉ tạm thời kiềm hãm tốc độ tăng trưởng ngành trong 2020, sau đó đã dẫn đến mức chi tiêu thậm chí còn lớn hơn vào năm 2021 và dự kiến sẽ duy trì đà này trong các năm tới", Mirae Asset nhận định.

F&B - Triển vọng trước mắt, nhưng cẩn trọng với khả năng đảo chiều

Tháng 5 vừa qua, giá lương thực, thực phẩm tăng phi mã trong vòng xoáy lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng do xung đột. Trong bối cảnh giá hàng hóa leo tháng, triển vọng trước mắt cho ngành F&B là rất khả quan, tuy nhiên cần cẩn trọng với khả năng đảo chiều.

Cụ thể, Mirae Asset kỳ vọng xuất khẩu thủy sản là nhóm doanh nghiệp sẽ đạt kết quả kinh doanh tốt vượt trội trong năm 2022, quý 2/2022 sẽ là giai đoạn doanh thu và lợi nhuận bùng nổ và sẽ giảm dần vào hai quý còn lại do lượng tồn kho giá rẻ 2021 đã tiêu thụ hết và vụ thu hoạch mới với nguồn cung tăng giá sẽ bắt đầu vào cuối quý 3. .

Trong khi đó, nhóm đồ uống, xuất khẩu lương thực và sản xuất đường sẽ có sự tăng trưởng nhẹ trong năm 2022, với đồ uống sẽ là nhóm doanh nghiệp tốt nhất vì nhu cầu nội địa có sự phục hồi. Mặt khác, Mirae Asset cho rằng các doanh nghiệp sản xuất sữa có thể giữ được mức lợi nhuận tương đương năm trước, khi chưa có dấu hiệu bùng nổ lượng nhu cầu đủ lớn để các doanh nghiệp sữa có một kết quả kinh doanh tăng trưởng khả quan năm 2022.

Sau cơn mưa trời lại sáng, triển vọng nhiều nhóm ngành tích cực nhờ nhu cầu phục hồi hậu COVID-19 - Ảnh 4.

Năng lượng điện với dự thảo Quy hoạch điện VIII: "Xanh" hơn và nhiều thách thức hơn

Nhóm Năng lượng điện vừa có quý 1 với lợi nhuận tăng trưởng tốt. Các nhà máy thủy điện niêm yết có kết quả hoạt động tăng trưởng cao trong quý 1/2022 (doanh thu +64%, LNR +119%. Mức tăng trưởng này cao hơn so với các doanh nghiệp nhiệt điện niêm yết (doanh thu +12%, LNR +50%) và tổng nhóm ngành sản xuất điện (doanh thu +18%, LNR +70%).

Theo Mirae Asset, luận điểm đầu tư tại nhóm ngành năng lượng điện tập trung vào bản Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã được Hội đồng Thẩm định thông qua. Theo bản dự thảo mới nhất, công suất nhiệt điện than vào năm 2030 giảm 8% so với dự thảo trước COP26 (còn 37,467 GW) và giữ nguyên không thay đổi cho tới năm 2045, giảm 26% so với dự thảo ban đầu. Trong đó, điện than sẽ chuyển dần sang đốt biomass và/hoặc amoniac. Điện khí sử dụng LNG nhập khẩu tăng mạnh trong giai đoạn trước 2030, sau đó dùng hydrogen thay thế dần về 2045, một phần do tác động của COP26, một phần do xung đột Nga - Ukraina buộc phải tăng cường an ninh năng lượng. Đến năm 2045, công suất đặt các nguồn năng lượng tái tạo và thủy điện chiếm 68.5% tổng công suất đặt của toàn bộ hệ thống điện. Do tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo tăng lên nên tỷ lệ dự phòng trừ điện mặt trời cũng tăng lên rõ rệt trong cả hai mốc 2030 và 2045 trong dự thảo trước và sau COP26.

Nhóm dầu khí với tác động của giá dầu

Đặc biệt, trong đà leo thang giá hàng hóa, hiện giá dầu đang tăng mạnh nhất trong nhóm hàng hóa phổ biến. Có độ nhạy cảm lớn với giá dầu, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đã ghi nhận kết quả rất tích cực trong quý 1. Những doanh nghiệp đầu ngành đều có mức tăng trưởng cao, cụ thể như GAS tăng trưởng 52% doanh thu và 69% LNST, PVS tăng trưởng 44% doanh thu và 50% LNST. Tính chung, cả ngành dầu khí trong quý 1 vừa qua đã tăng trưởng 46% về doanh thu và 74% về LNST.

Mặt khác, Mirae Asset chỉ ra thêm đặc điểm các doanh nghiệp Dầu khí còn là nhóm các doanh nghiệp sản xuất có tỷ lệ lượng tiền lớn trên sàn. So với vốn hóa hiện tại, tỷ lệ tiền ròng/ vốn hóa nhiều doanh nghiệp trên 50% như PGD, PVB, PVS, PVG. Đáng chú ý khi lượng tiền ròng của PVG cao hơn vốn hóa hiện tại với mức 184% vốn hóa.

Sau cơn mưa trời lại sáng, triển vọng nhiều nhóm ngành tích cực nhờ nhu cầu phục hồi hậu COVID-19 - Ảnh 5.
https://cafef.vn/sau-con-mua-troi-lai-sang-trien-vong-nhieu-nhom-nganh-tich-cuc-nho-nhu-cau-phuc-hoi-hau-covid-19-20220607110914343.chn

Phương Linh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên