Sau cuộc họp với lãnh đạo Tp.HCM, các dự án bất động sản được gỡ vướng thế nào?
Sau cuộc họp diễn ra ngày 20/2/2023, 6 doanh nghiệp bất động sản đã nêu hiện trạng pháp lý của dự án, các khó khăn, bất cập, thiệt hại và được thành phố khẳng định sẽ tìm hướng giải quyết.
Sau nhiều cuộc họp diễn ra liên tục thời gian qua, các doanh nghiệp bất động sản luôn kì vọng những khó khăn vướng mắc được sớm tháo gỡ. Các ban ngành cũng nhiều lần khẳng định sẽ xử lý những tồn đọng để thị trường bất động sản phát triển bền vững, lành mạnh.
Riêng tại Tp.HCM có khoảng 116 dự án gặp vướng pháp lý, trong đó có 38 dự án ưu tiên đưa vào diện tập trung xử lý dứt điểm, 7 dự án được xem xét từ tháng 2/2022.
Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Bùi Xuân Cường khẳng định trong cuộc họp ngày 20/2/2023 “ 7 dự án bàn tháo gỡ vướng mắc, Thành phố xác định sẽ tập trung xử lý”.
Trong đó có 3 dự án ưu tiên tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm.
"Chúng tôi sẽ điều chỉnh để giải quyết sự lệch pha cung cầu, hiện đang có xu hướng lệch về phân khúc trung cấp", ông Cường nói.
Về phương hướng sắp tới, Thành phố sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư đối với dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, cải tạo nhà chung cư cũ, đặc biệt hiện nay thành phố đang tập trung 18 dự án nhà ở xã hội ưu tiên cũng như 16 dự án chung cư xuống cấp để thúc đẩy trong năm 2023.
Thành phố cũng tập trung hoàn tất công tác điều chỉnh quy hoạch, nhất là trong quá trình thực hiện quy hoạch chung của Tp.HCM (dự kiến trong tháng 9 năm nay sẽ trình), quy hoạch chung TP. Thủ Đức cuối năm nay sẽ trình.
Cùng đó là tập trung phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật để kết nối vành đai 2, vành đai 3, cao tốc TPHCM - Mộc Bài...các dự án cải tạo vành đai trung tâm, tập trung thúc đẩy các dự án lớn.
Theo Phó Chủ tịch TP, quá trình thực hiện, đối với nhóm sẽ tập trung tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án bất động sản chậm tiến độ về pháp lý, các dự án chưa nộp tiền sử dụng đất, các dự án mà chủ đầu tư chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn với lợi ích của người dân.
Lộ trình giải bài toán tắc nghẽn pháp lý của các dự án dựa trên tinh thần dự án nào thuộc thẩm quyền sẽ được thành phố tập trung giải quyết trước. Dự án nào vượt thẩm quyền của thành phố sẽ xin ý kiến trung ương.
Tại cuộc họp diễn ra ngày 20/2, 6 doanh nghiệp dự họp đã nêu hiện trạng pháp lý của dự án, các khó khăn, bất cập và thiệt hại. 7 dự án được xem xét xử lý trong tháng 2 do 6 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố làm chủ đầu tư, đều thuộc nhóm bất động sản nhà ở và khu phức hợp tọa lạc tại quận 1, 4, 7, quận Tân Phú và TP Thủ Đức. Trong 7 dự án vướng mắc này có 6 dự án thuộc thẩm quyền xử lý của thành phố, một dự án còn lại phải xin ý kiến trung ương.
Từ tuần sau trở đi, từng doanh nghiệp sẽ nhận được thông báo kết luận ban đầu. Sẽ có tình huống dự án vướng mắc sở ngành và Phó chủ tịch UBND Tp.HCM xem xét, nhưng cũng có một số tình huống vướng pháp lý của dự án phải trình lên lãnh đạo cao nhất của thành phố để tìm hướng xử lý.
Tìm hiểu được biết, trong danh sách 7 dự án bàn gỡ khó đều đã được công bố trên thị trường bất động sản, một số có phát sinh giao dịch nhận giữ chỗ, đặt cọc. Vướng mắc phổ biến nhất của các dự án là có liên quan đến nghĩa vụ tài chính về quyền sử dụng đất, kế đến là thủ tục pháp lý về giấy phép xây dựng.
Nhịp sống thị trường