Sau đua tăng, ngân hàng lại đua giảm lãi suất huy động
Chưa đầy 2 tháng, các ngân hàng từ chỗ neo lãi suất huy động ở mức cao nay đã phải liên tục giảm lãi suất. Lãi suất huy động hạ sẽ khiến lãi suất cho vay giảm.
- 07-05-2023Nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động, kỳ hạn 12 tháng sẽ về mức 7%/năm?
- 05-05-2023Lãi suất ngày 5/5: Lãi suất huy động liên tục giảm, gửi tiền ở đâu và kỳ hạn nào có lợi nhất?
- 02-05-2023KQKD quý 1: Các ngân hàng bắt đầu “ngấm đòn” vì tăng mạnh lãi suất huy động
So với tháng 4, lãi suất huy động của các ngân hàng trong tháng 5 này đã giảm mạnh. Trên thị trường, khảo sát biểu lãi suất niêm yết của nhiều ngân hàng ngày 7/5 cho thấy, một số ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động. Mức lãi suất huy động niêm yết cao nhất quanh 8%/năm, được nhiều ngân hàng thương mại cổ phần có thị phần lớn áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng.
Nhóm ngân hàng tư nhân lớn đều đã đưa lãi suất tiền gửi 12 tháng xuống dưới 8% như SHB (7,9%), Techcombank (7,8%), ACB (7,75%), Sacombank (7,6%), MB (7,3%).
Nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Big 4) là Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank vẫn duy trì mức lãi suất tiền gửi 12 tháng thấp nhất thị trường: 7,2%/năm gửi tại quầy. Kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng, lãi suất tiền gửi tiết kiệm là 5,8 - 5,9%/năm.
Các ngân hàng tư nhân có thị phần nhỏ hơn nữa cũng đang giảm đáng kể lãi suất huy động so với cách đây một tháng. Trên thị trường, mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm trên 9%/năm hầu như rất hiếm hoi. Tại kỳ hạn 12 tháng, BACABANK lãi suất huy động giảm từ 8,6% xuống 8,3%; KienlongBank cũng giảm lãi suất huy động từ 8,5% xuống 8,2%; SaigonBank giảm từ 8,3% xuống 8%...
Lãi suất huy động 12 tháng đã giảm khá mạnh trong những tuần gần đây, đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành vào ngày 15/3 và 3/4. Hồi cuối năm 2022, ngoại trừ nhóm Big4, tất cả ngân hàng tư nhân đều niêm yết mức lãi suất trên 9% cho kỳ hạn 12 tháng; thậm chí một số nhà băng còn áp dụng mức trên dưới 10% cho kỳ hạn này.
Mới đây, 4 ngân hàng Vietcombank, Agribank, BIDV, Vietinbank đã cam kết đồng thuận với chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm mặt bằng lãi suất trong thời gian tới.
Thúc giảm lãi suất vay
Cuối tuần qua, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, các ngân hàng thương mại đã chủ động giảm lãi suất (huy động, cho vay) sau nhiều thúc giục từ cơ quan quản lý. “Tới đây, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn và mở rộng tín dụng từ nay tới cuối năm”, ông nói.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động tiền đồng của các nhà băng từ cuối tháng 3 neo ở mức cao quanh 8-9%/năm. Với mức đầu vào này, lãi suất cho vay của các ngân hàng phổ biến 10-12%/năm, có nhà băng kéo lên 13-14%. Lãi suất cho vay cao tạo gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường khó khăn, đơn hàng sụt giảm, sức mua yếu.
“Tại cuộc họp gần đây, chúng tôi đã nhắc nhở các ngân hàng cho vay lãi suất cao cần hạ xuống để có mặt bằng thống nhất chung trong hệ thống. Các nhà băng thời gian qua cũng đã chủ động giảm lãi suất”, ông Tú nói.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động hiện nay giảm bình quân 1-1,2%; cho vay hạ 0,5-0,65% so với cuối năm ngoái.
Tiền phong