Sau hàng ăn uống, nhiều chợ ở Hà Nội tiếp tục "nghỉ Tết" vì Covid-19
Một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội rơi vào tình trạng ế ẩm, doanh thu sụt giảm khiến nhiều tiểu thương quyết định nghỉ bán chưa hẹn ngày trở lại.
- 13-03-2020Thu giữ hàng nghìn sản phẩm nghi giả mạo Rolex, Gucci, Prada... đang được bán ở Sài Gòn Square và chợ Bến Thành
- 12-03-2020Nhiều 'chợ cóc' ở Hà Nội dừng hoạt động vì covid-19
- 11-03-2020Ảnh: Cảnh tượng đìu hiu tại khu chợ lớn nhất Hà Nội trong mùa dịch Covid-19
Sau khi dịch bệnh bùng phát, nhiều tiểu thương buôn bán tại các chợ bắt đầu có tâm lý lo sợ tới chỗ đông người sẽ càng làm dịch bệnh lây lan.
Các sạp hàng tại một số chợ như Kim Giang, Vĩnh Hồ, Nam Đồng, Kim Liên, Gia Ngư... đều đóng cửa, phủ kín bạt.
Một số chủ hàng vẫn cố bám trụ buôn bán tại chợ cho biết, hầu hết tiểu thương tại chợ nghỉ bán vì không có khách mua. Bên cạnh đó, họ cũng lo sợ dịch bệnh lây lan.
"Tôi bán hàng nốt hôm nay cũng nghỉ, mất công dậy sớm nhưng không bán được hàng do lượng khách tới chợ rất hạn chế. Tôi đã phải cắt giảm lượng rau nhập về nhưng vẫn còn ế hàng", chị Nguyễn Thị Hiền, tiểu thương bán rau tại chợ Nam Đồng cho biết.
Nhiều hàng tại chợ dân sinh đóng cửa, phủ bạt dù là ngày cuối tuần.
Một chủ hàng chuyên bán hải sản đông lạnh cũng thừa nhận, lượng khách tới các chợ giảm sút rõ rệt kể từ khi Hà Nội công bố nhiều ca dương tính với dịch Covid-19 .
"Số người ghé cửa hàng mua đồ có ngày giảm tới 50-70%. Vì thế, thu nhập của cửa hàng sụt giảm nhiều. Nhà tôi ở ngay chợ nên vẫn mở cửa, có khách thì vui mà không có thì đành chấp nhận lỗ vốn", anh Nguyễn Trọng Kiên, tiểu thương tại Đống Đa, Hà Nội than vãn.
Đi siêu thị và mua sắm online là các phương án được lựa chọn thay thế trong giai đoạn này.
"Khoảng một tuần nay, tôi hạn chế tới các chợ dân sinh mua thực phẩm, nếu có tới thì cũng tranh thủ đi nhanh đến hàng quen rồi về, không la cà như trước", chị Phạm Huyền, Ba Đình, Hà Nội nói.
Nhiều người vẫn cố mở hàng để bán nhưng lượt khách tới mua vẫn rất hạn chế.
Bên cạnh đó, để tránh phải tiếp xúc nơi đông người, chị Huyền cũng như nhiều hàng xóm của chị bắt đầu chuyển sang đặt hàng online. "Vừa không mất công đi lại mà còn hạn chế tiếp xúc nơi đông người", chị Huyền cho biết thêm.
Theo đại diện Bộ Công Thương, hàng hóa được đưa về các chợ tương đối dồi dào, tuy nhiên sức mua tại các chợ giảm, người tiêu dùng thành phố có xu hướng ưu tiên mua hàng tại các siêu thị hơn là tại các chợ. Sức mua tại chợ giảm khoảng 20-30% so với trước khi có dịch bệnh.
Do khách hàng của chợ truyền thống chuyển sang các hình thức thương mại hiện đại và mua sắm trực tuyến (bán hàng online, giao hàng tận nơi cho khách hàng), doanh thu từ thương mại điện tử của một số doanh nghiệp tăng từ 20 -30%.
Tổ Quốc